Tấm lòng blouse trắng ở "mái nhà Nhân Ái"

Kim Dung tại buổi giao lưu nhân Ngày

Thầy thuốc VN 27/2 vừa qua tại cung

Văn hóa Lao động TP.HCM

"Cô ơi, cứu chồng tôi với!” - mẹ tất tả đập cửa phòng trực. Cô điều dưỡng đủng đỉnh ngồi dậy và gắt: “Nửa đêm nửa hôm rồi, người ta đang ngủ mà cứ kêu…”. Nhìn bố nằm còng queo trong cơn sốt rét, nhìn giọt nước mắt của mẹ, nhìn vẻ mặt cau có của điều dưỡng, cô bé vừa sợ vừa giận...

“Con sẽ cố gắng học. Con sẽ tự tay chích thuốc cho ba mẹ. Con sẽ là một người điều dưỡng yêu thương bệnh nhân chứ không hung dữ như cô ấy!” – cô bé 10 tuổi tức tưởi nói với mẹ.

11 năm sau, Lại Thị Kim Dung, tên cô bé, trở thành một trong những điều dưỡng trẻ nhất của Khoa Săn sóc đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thời kỳ cuối tại bệnh viện (BV) Nhân Ái trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đóng tại vùng đất hoang vu ở tỉnh Bình Phước.

Nhân Ái là “mái nhà” cuối cùng của bệnh nhân AIDS. Trong đó, nhiều bệnh nhân vô gia cư hoặc bị gia đình chối bỏ. Khoa Săn sóc đặc biệt tiếp nhận chăm sóc điều trị trực tiếp cho đến ngày bệnh nhân “về với cát bụi”.

Lặng lẽ tình riêng

Lúc vui, tụi em gọi khung cảnh ở BV Nhân Ái là “Thung lũng tình yêu 2”, nhưng lúc buồn, em gọi đó là “Đồi gió hú”!” - cái đồng điếu bên khoé miệng cô gái 23 tuổi xoáy thăm thẳm sau nụ cười như nắng sớm.

Đó là những đêm đầu tiên cô ngủ giữa tiếng cú gào trong đêm tĩnh mịch. Đó là khi cô đi bộ 7 cây số mua một gói mì tôm. Đó là khi cô phải tốn đến 70.000 đồng cho bác tài xe ôm mới đến bến đón xe về thăm mẹ. Đó là khi bệnh nhân vô cớ giằng ném chai nước biển: “Không chuyền gì hết! Cô thích thì cô chuyền cho cô đi! Cô đem về nhà cô ăn đi!”.

Giận! Run cả người. Trào nước mắt. “Mắc mớ gì mình phải ở chỗ này!” - nghĩ vậy, Dung muốn xếp quần áo, quảy ba lô về nhà ngay.

Ngay lúc ấy, hình ảnh nhăn nhó của người điều dưỡng ngày nào lại quay về. Dung vẫn nhớ lời hứa với mẹ năm nào rằng sẽ trở thành một điều dưỡng tốt và cô đã cương quyết như thế nào khi nộp đơn vào Trường Trung học Y tế Bình Phước.

Cô đã tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc tại BV Triều An ở TP.HCM để về nơi xa ánh đèn hơn, lương thấp hơn, vất vả và nguy hiểm hơn. Mặc cho bạn bè có nói: “Con Dung bị khùng!”. Chính vì sự cương quyết này, ngày khăn gói về với núi rừng cũng là ngày cô gái trẻ chấp nhận chia tay tình yêu đầu đời.

Giận thì nghĩ vậy, nhưng hơn ai hết, người điều dưỡng ấy hiểu rằng: “Mắc mớ chứ sao không mắc mớ!”. Duyên cớ lớn nhất buộc tuổi thanh xuân của Dung ở đây là ánh mắt của bệnh nhân ở một BV không bình thường như nhiều BV khác.

Đó là ánh mắt rã rời với tinh lực cuối cùng của sự sống. Ánh mắt cô đơn của kẻ bị gia đình chối bỏ, nhiều người xa lánh. Ánh mắt dày vò nuối tiếc quãng đời đã qua và trên hết, đó là ánh mắt của một con người.

"Nếu nặng lòng, xin hãy ở lại đây!"

Ánh mắt ấy dạy người điều dưỡng trẻ rằng: “Không chỉ điều trị bệnh nhân cho hết trách nhiệm, người thầy thuốc còn phải chăm sóc cho hết tấm lòng”. Phải lắng nghe bằng cả trái tim để hiểu rằng: “Những bệnh nhân này cũng dễ thương lắm, không ghê gớm như mọi người nghĩ đâu. Họ chỉ khác với bệnh nhân bình thường là có vết xăm đầy người thôi. Chắc những lúc họ nổi giận là lúc họ đang đau đớn lắm!”.

Nghĩ vậy, Dung cũng cắn răng hứng những lời mắng hay hành động hung hăng vô cớ từ một số bệnh nhân.

Nhắc đến bệnh nhân, đôi mắt cô gái ươn ướt: “Một số bệnh nhân của chúng em đang yếu lắm, chắc sắp đi. Họ đang đếm ngược thời gian sống từng ngày. Mình làm được gì thì làm. Đơn giản vậy thôi, chị ạ!”.

Tưởng chừng đơn giản lắm với: phát thuốc, truyền dịch, lau vết thương…, thế nhưng, nhìn thấy hình hài của bệnh nhân AIDS thảm thương đến nỗi gia đình phải hoảng sợ, mới hiểu hết công việc của những điều dưỡng như Dung.

Khi truyền dịch cho bệnh nhân, họ phải ngồi canh từng giọt trong hàng giờ liền. BV chưa có hộ lý, Dung và các bạn kiêm luôn làm vệ sinh. Nhiều bệnh nhân nam bị tiêu chảy hàng tháng liền, cô gái trẻ cũng lẳng lặng lau rửa, đổ từng tí phân, từng tí nước tiểu.

Nhiều đêm trực, người điều dưỡng này thức trắng với những bệnh nhân đã suy kiệt. Không chỉ để cho họ viên thuốc hay cấp cứu kịp thời, “mà để cho bệnh nhân không cảm thấy bơ vơ trên cuộc đời này”.

Rồi cô kể chuyện cho họ nghe, lắng nghe họ nói – họ nói về những điều mà không có giáo trình ngành y nào ghi chép. Lặng lẽ như một người che gió cho những ngọn đèn đang leo lét…

Hai mươi tuổi, rời bỏ cơ hội phát triển ở một thành phố lớn để về vùng xa, có bao giờ hối tiếc không? - Không. Vì sao? – Vì nơi đây cần những những người trẻ như chúng em.

Thế về đây, Dung mất gì? Được gì? – Em không mất gì cả. Em được sự tin yêu của bệnh nhân. Thế còn ước mơ? – Một trong những điều ước của em là có thêm nhiều bạn trẻ trên cả nước về đây thăm BV, nếu nặng lòng, xin hãy ở lại đây!

Giữa đô thị ồn ào, chợt nhớ về điều ước ấy. Một điều ước trong veo và hồn nhiên như giọt sương giữa đất trời - nơi những người trẻ khoác blouse trắng như cô đang sống.

Theo VNN

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as