Quốc hội thảo luận dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân : Tính toán kỹ khi giảm trừ gia cảnh, đánh thuế với lợi tức cổ phiếu ưu đãi

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TPHCM)

phát biểu tại hội trường

Ngày 2-11, Quốc hội (QH) đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đa số đại biểu (ĐB) khi thảo luận đều đồng tình với sự cần thiết phải ra đời luật này và với ngưỡng chịu thuế 4 triệu đồng/tháng cộng với việc giảm trừ gia cảnh thì đa số người dân không phải nộp thuế. Song vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là mức chiết trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý và thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức từ cổ phiếu ưu đãi.

Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là phù hợp?

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, quy định giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc còn nhiều bất cập. Dự thảo luật phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận gia cảnh và có trách nhiệm trong việc xác nhận gia cảnh như thế nào để tránh việc lách luật, trốn thuế. Chẳng hạn như một gia đình có 3 anh chị em sống ở 3 nơi khác nhau đều xin xác nhận gia cảnh có cha, mẹ già yếu đang sống ở quê thì sẽ phải quản lý những trường hợp này như thế nào. Vấn đề đặt ra là chúng ta quản lý như thế nào để đảm bảo sự công bằng.

ĐB Đỗ Căn (Hà Nội) cũng chia sẻ, dự thảo luật quy định đối với cá nhân đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, và đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt là giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thường xuyên biến động và lộ trình tăng lương mà Chính phủ tiếp tục thực hiện ở các năm tới. “Do vậy, tôi đề nghị quy định một mức trung bình cho cả hai đối tượng tính theo số lần mức tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Cụ thể là: đối với cá nhân đối tượng nộp thuế là 10 lần tiền lương tối thiểu, đối với mỗi người phụ thuộc là 4 lần tiền lương tối thiểu. Đây là mức trung bình cho các đối tượng”, ĐB Căn trình bày quan điểm.

Còn theo ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM), tiền đồng của ta chưa ổn định, giá cả ngày càng tăng… nên chưa đảm bảo mức sống bình thường của người lao động nhất là ở đô thị, giữa các vùng với nhau có nhiều thu nhập khác nhau. Cho nên việc quy định mức cứng giảm trừ chưa sát với cuộc sống do tình hình trượt giá mỗi năm bình quân khoảng 9%.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Ngân (Hải Dương), Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, nhất trí: “Tôi cho rằng đến năm 2009 theo dự báo, nếu QH đồng ý cho luật này thực hiện từ năm 2009 thì lúc đó dự báo thu nhập đầu người của chúng ta khoảng 1.100 USD/năm, bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy nếu như giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/người và phụ thuộc là 1,6 triệu đồng thì vừa phải, thậm chí quá thấp so với những người có thu nhập cao. Nhưng mức này là cao so với đa số nhân dân Việt Nam vào thời điểm đó thu nhập chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Tôi cho rằng mức như dự luật đề ra là phù hợp”.

ĐB Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu), cũng đồng tình cho rằng, những quy định liên quan đến giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (4 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc (1,6 triệu đồng/tháng) là tương đối phù hợp. “Vì nếu so với những số liệu Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cung cấp là người phụ thuộc Trung Quốc giảm trừ chỉ có 1,7 triệu đồng; Indonesia 1,7 triệu, Thái Lan là 2,5 triệu;… dù GDP bình quân đầu người của ta thấp hơn các nước này rất nhiều. Nếu cộng thêm người phụ thuộc mức giảm trừ của ta còn cao hơn và nếu có một người phụ thuộc thì ít nhất trên 5.600.000 đồng mới phải nộp thuế. Hầu như toàn bộ cán bộ công chức kể cả ĐB QH ngồi đây cũng chưa phải thực hiện trách nhiệm nộp thuế theo quy định”, ĐB này nói.

Cần đánh thuế đối với lợi tức từ cổ phiếu ưu đãi

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân ( Hải Dương )

Theo dự luật, lợi tức từ cổ phiếu ưu đãi sẽ không phải chịu thuế thu nhập. Tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Căn, cần phải đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp (DN) được mua, bởi vì bản thân người lao động là cổ đông của DN nhà nước cổ phần hóa và bản thân người lao động đã được ưu đãi hơn so với các cổ đông bên ngoài, do được mua cổ phiếu với mức giá thấp hơn. Về bản chất cổ phần của người lao động cũng là khoản vốn do người lao động đầu tư vào DN, nên cổ tức nhận được cũng phải được tính nộp thuế cũng như các nhà đầu tư khác bên ngoài DN.

Mặt khác, nếu chỉ đánh thuế đối với cổ đông ngoài công ty dẫn tới trường hợp cổ đông bên ngoài sẽ đầu tư cổ phiếu qua người lao động công ty để lách luật, trốn thuế. ĐB này cũng đồng tình với việc lợi tức cổ phần cũng phải thuộc diện đánh thuế thu nhập cá nhân, vì thu thuế cổ tức không phải là đánh thuế hai lần và đây là hai chủ thể khác nhau, hai loại thu nhập khác nhau. Thuế thu nhập DN điều tiết vào thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, còn thuế thu nhập đối với cổ tức, điều tiết thu nhập của cá nhân có được từ đầu tư vốn.

ĐB Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với việc không nên miễn thuế cho đối tượng này, vì sẽ không công bằng đối với các lao động ở DN khác, không công bằng ngay cả với những cổ đông tại DN này, vi phạm cam kết của tổ chức WTO. Cùng chung nhận định này, theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), trong tiến trình cổ phần hóa các DN trên thực tế, khi các DN của Nhà nước tiến hành cổ phần hóa thì hầu hết người lao động rất khó có một khoản tiền bỏ ra để góp vốn và mua cổ phần của các DN và nhiều trường hợp, phần đông là mọi người bán lúa non (tức là bán lại quyền của mình cho người ở bên ngoài). Nếu dự thảo luật quy định không đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong DN được mua, thì đây là một kẽ hở, tạo điều kiện để cho người giàu thì giàu hơn và người nghèo thì lại nghèo đi.

Buổi chiều, QH đã nghe các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình, trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ án hình sự tiếp tục gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất.

Trong báo cáo công tác, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng cũng nhận định: tình hình tội phạm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng; trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, đã xảy ra liên tiếp một số vụ bọn tội phạm sử dụng súng cướp tiệm vàng, cướp tiền. Tội phạm ma túy hoạt động ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn, một số vụ vận chuyển đã hình thành những đường dây tổ chức chặt chẽ, có vụ bọn tội phạm ma túy đã móc nối với với cán bộ thoái hóa trong cơ quan bảo vệ pháp luật…

Sáng nay 3-11, các ĐB tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, phòng ngừa tội phạm, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ngọc Quang - Việt Lan

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as