Thảo luận tại Quốc hội: Cần thu hồi những dự án sử dụng đất không hiệu quả

ĐB Trần Quốc Vượng (Lai Châu)

phát biểu tại hội trường - Ảnh: L.Q.P

Đặt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng năm 2008 là nội dung chính được các ĐBQH đề cập trong phiên thảo luận tổ chiều qua.

"Phải có luật sử dụng đất"

Tại tổ TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho rằng: "Nên để chỉ số CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không đưa ra con số cụ thể, và GDP nên là 9%". ĐB Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM đồng tình: "Phải để GDP ở mức trên 9% để Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành, chứ để GDP ở mức 8,5% - 9% là tạo điều kiện cho Chính phủ dễ điều hành thôi". Nhìn chung, nhiều ĐBQH tán thành đặt chỉ tiêu tăng GDP năm sau ở mức 9%, và CPI tăng 7%.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM lo ngại một xu thế bất lợi có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng: "Sắp tới thu hút đầu tư nước ngoài hơi khó, vì tình hình giá như thế này thì rất khó cho giải tỏa. Người nước ngoài thấy giải tỏa mất nhiều tiền thì họ sẽ tìm đến nước khác". Ông Trừng đề nghị: "Riêng thị trường bất động sản phải ghi hẳn là thực hiện đồng bộ 3 biện pháp. Về tài chính thì phải có luật sử dụng đất, biện pháp hành chính thì phải thu hồi đất của những dự án chậm triển khai và biện pháp kinh tế là phải tăng nguồn cung về nhà ở".

"Thế nào là nước sạch"?

Bên cạnh 2 chỉ tiêu vĩ mô nói trên, các ĐBQH cũng dành thời gian phân tích những thách thức đặt ra cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. ĐB Nguyễn Tiến Dĩnh (Hà Nội) quan tâm đến một vấn đề sát sườn với đời sống người dân: "Chỉ tiêu đảm bảo cung cấp nước sạch cho 75% dân nông thôn là con số rất cao và rất khó thực hiện. Bây giờ phải làm rõ thế nào là nước sạch?". Ông Dĩnh cho biết: "Không thể coi nước giếng với những mạch ngang là nước sạch được. Chỉ được gọi là nước sạch khi nó được cung cấp từ những nhà máy nước công nghiệp. Nếu như vậy thì ngay tại Hà Nội, mong 70% số dân được sử dụng nước sạch cũng là khó". ĐB Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) phản ánh một thực tế đáng chú ý khác: "Chương trình nước sạch sinh hoạt, nhiều người dân phản ánh là không có nước dùng nhưng vẫn đào giếng để lấy tiền dự án. Những dự án như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra phải làm chặt chẽ".

ĐB Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị: "Chỉ tiêu về an toàn giao thông rất là cần thiết nhưng đặt chỉ tiêu giảm 15% số người chết sẽ rất khó thực hiện nếu như không có các giải pháp đi kèm".

Dân chưa tin tòa án tỉnh?

Trước đó, trong phiên thảo luận về các báo cáo của các cơ quan tư pháp, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo ngại về số lượng các vụ án phải giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều. ĐB Nguyễn Văn Quyền (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay tỷ lệ đơn kiến nghị giám đốc thẩm được chấp nhận vẫn nhiều, chứng tỏ chất lượng xét xử cấp sơ thẩm chưa tốt. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) đặt câu hỏi: "Các vụ án phải giám đốc thẩm, tái thẩm ở TAND tối cao còn nhiều phải chăng là do người dân còn chưa tin tưởng vào chất lượng xét xử ở cấp tỉnh?".

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Tây) tranh luận: "Không thể nói là việc xét xử giám đốc thẩm còn nhiều là không tốt vì trong hoạt động tố tụng, còn sai thì còn phải sửa. Việc xét xử giám đốc thẩm còn rất cần thiết". Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phân giải: "Giám đốc thẩm là một cơ chế, định chế để khắc phục những sai lầm của tòa án và là quyền lợi của người dân có khiếu nại". Ông cho rằng việc người dân còn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là bình thường nhưng điều bất bình thường là số lượng kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều, và điều đó nói lên "chất lượng xét xử chưa cao".

Xuân Toàn - Tuyết Nhung - Mạnh Quân

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as