Xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy không phải do ăn mắm tôm

Những thực phẩm có nguy cơ

mắc tiêu chảy cao.

Tại cuộc họp Ban chỉ chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp (Bộ Y tế) ngày 4/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng đã cho biết: Đã xuất hiện những trường hợp mắc tiêu chảy cấp thứ phát (nghĩa là không sử dụng thực phẩm có nguy cơ lây bệnh cao như mắm tôm, rau sống…).

Đó là trường hợp tại Nam Sách (Hải Dương). Một gia đình bệnh nhân gồm 4 người bị tiêu chảy sau khi ăn cỗ mà không sử dụng thực phẩm có nguy cơ mắc bệnh cao như mắm tôm, rau sống…).

Nguyên nhân ban đầu xác định có thể lây bệnh qua nguồn nước. Do đó, phải có những biện pháp quyết liệt trong việc vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường trong cộng đồng và điều trị dự phòng cho những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo: Khả năng bùng phát dịch lớn sẽ rất ghê gớm nếu vi khuẩn gây tiêu chảy cấp rơi vào nguồn nước. Người dân uống nước lã, rửa rau sống hoặc chế biến làm nước đá sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ông Nga cho biết thêm, trong ngày 4/11 có thêm 138 người mắc tiêu chảy cấp. Như vậy, đến nay có hơn 600 ca tiêu chảy cấp phải nhập viện tại 11 tỉnh, thành phố (thêm Nghệ An) là Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương và Nghệ An.

Dịch tiêu chảy cấp vẫn diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh phải nhập viện tăng nhanh ở các địa phương. Vì vậy, cần tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt những người trong ổ dịch, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, thông báo: hiện chưa có trường hợp nào tử vong do tiêu chảy cấp mặc dù trong số những người nhập viện có nhiều trường hợp nặng.

Tính đến hết ngày 4/11, Viện tiếp nhận 286 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó 151 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm. Bệnh nhân đã phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh nhưng vẫn không đủ, Viện phải kê thêm 50 giường bạt phục vụ.

Trong số bệnh nhân tiêu chảy cấp nằm tại Viện này, Hà Nội có 255 trường hợp, Hà Tây 15 trường hợp, Hà Nam 5 trường hợp và 1 số trường hợp ở địa phương khác. Hiện mới có 4 trường hợp được xuất viện, trong đó có 1 thai phụ đến ngày sinh được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Phát biểu tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chỉ đạo phải tập trung cao độ trong việc dập dịch. Trước việc số người mắc bệnh và số địa phương có người mắc đều tăng cho nên cần phối hợp để triển khai các biện pháp dập dịch theo đúng quy trình đã được Bộ Y tế ban hành bảo đảm tất cả các ổ dịch phải được xử lý triệt để.

Hiện nay có nhiều trường hợp người lành mang trùng bệnh mà không thể biết, cho nên việc tuyên truyền vệ sinh cho gia đình có người bị là rất quan trọng. Nếu không có biện pháp phòng tránh cá nhân, dịch có thể xảy ra nhiều nơi.

Lệ Hà

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as