Cần đưa "Lịch sử cội nguồn Nam Bộ - Việt Nam" vào chương trình dạy lịch sử địa phương

Để mọi người, đặc biệt là đồng bào Khmer Nam bộ hiểu rõ lịch sử vùng đất Nam bộ, việc các địa phương đưa chương trình này vào dạy ở các trường phổ thông là hết sức cần thiết.

Nam bộ, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer, khoảng 1,3 triệu người. Trong đó nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng (khoảng 400.000 người), Trà Vinh (khoảng 320.000 người), Kiên Giang (khoảng 204.000 người), An Giang (khoảng 85.000 người), Bạc Liêu (trên 60.000 người), Cà Mau (khoảng 24.000 người), Hậu Giang (khoảng 22.000 người), Vĩnh Long (khoảng 21.000 người), TP. Cần Thơ khoảng 20.000 người) và một số ít ở các tỉnh khác. Trong quá trình phát triển, cộng đồng dân cư ở Nam bộ ngoài những người bản địa đã có mặt từ trước, phần lớn người Việt, người Khmer, Hoa, Chăm... đều là lưu dân từ nơi khác đến, đã đoàn kết gắn bó với nhau khai hoang, sản xuất, chống lại thú dữ để sinh tồn.

Đến khi triều đình nhà Nguyễn thiết lập bộ máy hành chính quản lý vùng đất này thì toàn bộ cư dân ở đây sống trong luật pháp triều đình nhà Nguyễn... khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XIX). Từ đó cho đến nay, đặc biệt là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (1930), các dân tộc Nam bộ đã đoàn kết chống giặc ngoại xâm, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước, giang sơn thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Lịch sử đó đã được minh chứng cả về phương diện khoa học (khảo cổ), lịch sử và chính trị. Tuy nhiên hiện nay có một số ít người còn mơ hồ, bị kẻ xấu lợi dụng. Họ xem vùng đất Nam bộ - Việt Nam như là một bộ phận của Cămpuchia. Họ tổ chức kỷ niệm ngày mất đất.. và đặc biệt một số kẻ quá khích đã tổ chức biểu tình như vụ 8/2/2007 tại tỉnh Sóc Trăng do một số tăng sinh chùa Pa li bị lôi kéo thực hiện làm bất bình tất cả mọi người dân. Để mọi người, đặc biệt là đồng bào Khmer Nam bộ hiểu rõ lịch sử vùng đất Nam bộ, việc các địa phương đưa chương trình này vào dạy ở các trường phổ thông là hết sức cần thiết. Lý do đơn giản là số lượng học sinh ở các trường phổ thông rất đông đảo. Ngoài việc chính bản thân học sinh được hiểu biết lịch sử cội nguồn nơi mảnh đất mình đang sinh sống họ còn là những tuyên truyền viên tích cực giải thích cho người thân, đặc biệt là cha mẹ họ, phần đông thường là những người dân hiền lành chất phác, trình độ văn hoá có hạn rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Các địa phương có người Khmer sinh sống đưa nội dung này vào chương trình giáo dục địa phương vừa phù hợp với chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có tác dụng giáo dục truyền thống cho học sinh, nêu cao tinh thần yêu quê hương đất nước, đập tan mọi thế lực thù địch đang tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử hòng chống phá công cuộc đổi mới của đất.

Đào Phụ

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as