itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Cô Lê Thanh Thủy: “Giáo viên phải thật sự yêu thương và quan tâm đến các em học sinh”

Cô Lê Thanh Thủy: “Giáo viên phải thật sự yêu thương và quan tâm đến các em học sinh”

Cũng như cô Nguyễn Thị Tâm, đồng nghiệp, cô Lê Thanh Thủy - Giáo viên Hóa - Sinh, Trường THCS Sơn Trung, Đức Trọng, Lâm Đồng - đến với nghề từ tình yêu môn học và nhất là ảnh hưởng của một cô giáo đặc biệt khi chị còn ngồi dưới mái trường phổ thông.

Tại Trường THCS Sơn Trung, cô Thủy là một trong những giáo viên có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mất từ khi cô lên 5 tuổi, một mình mẹ già tảo tần nuôi con sớm khuya. Đồng lương công nhân tằn tiện lắm cũng chỉ đủ để hai mẹ con rau cháo qua ngày. Nhất là khi bà bị bệnh, sức khỏe yếu, phải xin về hưu mất sức và được nhận trợ cấp hàng tháng. Đến năm 1996, trợ cấp không còn, bà chăm chỉ nuôi ít tằm, vài ba con heo… để tiếp tục lo cho con gái ăn học.

Năm 2002, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô Thủy về nhận công tác tại Phi Liêng, nay thuộc huyện Đạm’Rông, Lâm Đồng (giáp ranh với Krông Nô, Đak Lak). Tuy trường cách xa nhà đến 50km, nhưng cô thường xuyên đi về chăm sóc mẹ và cuộc sống ngỡ đã dễ chịu hơn chút ít. Song thật không may, chỉ sau đó 1 năm, mẹ cô phát bệnh đau mắt, sau đó được mổ từ thiện nhưng mắt chỉ ngày càng mờ đi. Thương mẹ, cô chạy vạy khắp nơi để đưa mẹ đến Bệnh viện Mắt TP.HCM điều trị. Bác sĩ bảo phải mổ mới có cơ hội phục hồi. Không còn cách nào khác, cô đem giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng để vay tiền chữa bệnh cho mẹ. Hiện hai mẹ con còn nợ ngân hàng số tiền lên đến 60 triệu mà chưa biết khi nào mới trả cho dứt…

Hoàn cảnh khó khăn là thế, nhưng cô Thủy không nản lòng, trái lại, cô luôn cố gắng vượt lên tất cả để hoàn thành tốt công tác. Bên trong vóc dáng nhỏ bé, mỏng manh là một nghị lực vượt khó rất đáng nễ. 6 năm gắn bó với nghề, cô Thủy luôn đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên giỏi cấp trường, giáo viên giỏi cấp huyện 3 năm liền. Ngoài ra, cô còn tham gia rất tích cực các cuộc thi “Nghiệp vụ sư phạm trẻ”, viết “Sáng kiến kinh nghiệm” và có nhiều đóng góp cho trường trong công tác nâng cao chất lượng dạy - học; được lãnh đạo trường, các đồng nghiệp đánh giá rất cao và được học sinh tin yêu, quý mến…

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân nhận công tác ở vùng sâu vùng xa, cô Thủy nói: “Một lần, khi cùng nhóm bạn đi chơi tại một huyện vùng sâu, vùng xa, tôi rất xúc động trước cảnh các em học sinh khi đến trường phải xắn quần lên đến tận đầu gối, vì đường đi rất sình lầy và trơn trợt. Nhìn mà rất thương các em, nên tôi quyết định khi ra trường sẽ xin về những vùng như thế để công tác, với mong muốn có thể góp một phần nhỏ bé vào việc dạy dỗ cho các em…”.

Cô Lê Thanh Thủy
Cô Thủy đang hướng dẫn học trò chuẩn bị bài học trong giờ chơi

Sau 4 năm công tác tại Phi Liêng, cô Thủy chuyển công tác về Trường THCS Sơn Trung. Quãng đường dài hơn 50km được rút ngắn lại hơn một nửa, cô có nhiều thời gian hơn để chăm sóc mẹ, việc đi lại cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại mở ra những thử thách mới, vì ngôi trường mới nơi cô công tác có đến 95% học sinh là con em đồng bào ít người. Trình độ, sự quan tâm đến học tập của cả phụ huynh và học sinh nói chung… còn nhiều hạn chế, điều này ít nhiều gây khó khăn cho giáo viên trong công tác dạy học. Thế là cô suy nghĩ, tìm tòi ngày đêm để tìm ra phương pháp lôi cuốn các em qua các bài giảng của mình. Trước mỗi tiết dạy, cô dành vài phút để “khởi động” một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả như: cho cả lớp hát một bài hát vui hoặc trả lời câu đố, chơi một trò chơi nhỏ về một con vật nào đó hay một vấn đề có liên quan đến bài học mới. Trong suốt buổi học, cô chú ý động viên các em học sinh nhút nhát, ít phát biểu mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình. Phần nào các em chưa hiểu, cô cố gắng giảng đi giảng lại cho rõ mới thôi. Vì thế, nhiều khi, cháy giáo án là việc thường xảy ra, nhưng bù lại, cả cô trò đều cảm thấy phấn khởi về chất lượng của tiết dạy.

Đó là về phương pháp. Quan trọng hơn, với cô Thủy, chính là người giáo viên phải thật sự yêu thương, quan tâm và hiểu tâm lý học sinh. Nếu không hội đủ những yếu tố này thì rất khó để giảng dạy các em. Vì theo cô, học sinh đồng bào ít người thường có tự ái rất cao, khi không hài lòng với thầy cô hoặc thầy cô không thật sự hiểu các em, các em thường nảy sinh tâm lý chống đối, không vâng lời, kết quả dạy - học theo đó bị giảm xuống đáng kể…

Khi chúng tôi hỏi thăm về cô, thầy Nguyễn Hữu Minh - Phó Hiệu trưởng trường - nhận xét: “Cô Thủy gắn bó với trường từ khi mới thành lập, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, như học sinh hầu hết là đồng bào ít người, cơ sở vật chất không có, phải mượn tạm trường tiểu học để làm nơi dạy - học, giáo viên phải dạy cả ngày trong điều kiện khó khăn. Về gia đình riêng, nhà Thủy xa trường, đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con mà mẹ thì già yếu, bệnh tật… Tất cả những khó khăn này có thể đánh ngã bất cứ người nào không có nghị lực và lòng yêu nghề cháy bỏng. Nhưng tôi chưa hề thấy Thủy chán nản hay than thở. Tôi và các đồng nghiệp rất quý Thủy ở chí tiến thủ và tinh thần vượt khó. Khi biết tin mình được hỗ trợ từ chương trình “Hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa” của Quỹ ITA-s, Thủy nói với tôi rằng rất vui và xúc động, cô sẽ dùng số tiền ấy để trang trải một ít nợ nần và mua một vài đồ dùng phục vụ thêm cho công tác dạy học…”.

Kim Tuyến