itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Phấn đấu học giỏi để thoát nghèo

Phấn đấu học giỏi để thoát nghèo

Thi đỗ vào Học viện tài chính (Hà Nội) với số điểm 29,75, trở thành thủ khoa của trường là một cậu học trò trông bẽn lẽn như con gái. Đó là Nguyễn Đức Học, cựu học sinh của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Học sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Đồng Tĩnh quê em thuộc diện nghèo nhất huyện. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng đất đai ở đây không được màu mỡ. Vì vậy mà năng suất lúa, hoa màu không cao. Cái nghèo cứ đeo bám triền miên từ đời này sang đời khác. Tuy vậy, nghèo không hề làm nhụt chí nhiều người dân nơi đây. Ngược lại, nó còn hun đúc thêm ý chí kiên cường. Gia đình của Học thuộc diện như vậy. “Phải học để thoát nghèo, thoát khỏi cảnh lam lũ, đầu tắt mặt tối như bố mẹ mà vẫn không đủ ăn” là lời mà bố mẹ thường căn dặn ba chị em Học. Mẹ Học nói với các con của mình: Bố mẹ nghèo lắm, không có của cải gì mà cho các con. Chỉ có thứ của cải duy nhất có thể cho được là cái chữ. Mà có được như vậy cũng là cố lắm rồi. Học trả lời mẹ: Con sẽ cố gắng học vì con biết hoàn cảnh gia đình ta.

Nói là làm. Suốt từ năm lớp 7 đến hết cấp học phổ thông, Học luôn luôn là học sinh giỏi xuất sắc. Đặc biệt, những năm cuối cấp em luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải, chủ nhiệm lớp của Học suốt 3 năm cấp III cho biết: Với em Học, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng về tất cả. Em trầm tính, ít nói nhưng là một học sinh chăm chỉ, cần mẫn, lúc nào cũng lo lắng đến việc học, hòa nhã với bạn bè. Với Học, cô giáo chưa bao giờ phải nhắc nhở bất kỳ điều gì, kể cả những lỗi nhỏ nhặt nhất mà các bạn học sinh khác thường mắc phải như lỗi trong mặc đồng phục, quên vở... Em luôn chú ý và chỉn chu trong mọi việc. Ở lớp, khi cô treo giải thưởng thì Học luôn là người giành được đầu tiên. Trong các kỳ thi khảo sát, lúc nào em cũng đứng đầu với số điểm trên 27 cho 3 môn toán, lý, hóa. Năm lớp 12, Học đoạt giải nhất trong một cuộc thi toán của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong lớp có 2 bạn học sinh giỏi toán quốc tế nhưng sức học không đều và chắc như Học. Chính vì vậy, ngay từ năm lớp 11, Học đã được trường giao chỉ tiêu: Phải đỗ thủ khoa đại học. Quả nhiên, cậu học trò nói ít, học nhiều này đã không làm mọi người phải thất vọng. Em trở thành niềm tự hào của thầy cô, bạn bè và gia đình.

Chị Hội, mẹ của Học kể về con với niềm tự hào không giấu nổi. Cháu nó ngoan lắm, rất chịu thương chịu khó và tiết kiệm vì biết nhà mình nghèo. Tất cả những thành tích mà cháu có được là do cháu tự nỗ lực phấn đấu. Vợ chồng chúng tôi đều là nông dân, chỉ học hết lớp 12 thì biết gì mà dạy cháu. Chúng tôi chỉ nhắc nhở cháu,, thôi thì đời bố mẹ xem như bỏ đi để củng cố đời các con. Phải cố mà học cho bằng chị bằng em. Học như con chưa giỏi đâu, ra ngoài thiên hạ khối người còn giỏi hơn nhiều.

Em Học trước giảng đường Học viện tài chính.

Hiện nay, Học đang ở trọ cùng bạn trong một căn phòng nhỏ 12m2 tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Buổi sáng em học tại trường,, chiều học ở nhà và buổi tối học tiếng Anh tại một trung tâm ở Cầu Giấy. Hàng ngày, em tự đi chợ và nấu ăn. Tuy là con trai song việc này với em không hề khó khăn vì 3 năm học trường chuyên của tỉnh em đã từng sống xa nhà. Học đã quá quen với việc hạch toán cho khoản tài chính hạn chế của mình. Buổi sáng, em thường nhịn đói để lên lớp. Như vậy mãi cũng thành quen. Đúng là một thói quen gần như là bắt buộc.

Tôi nhìn thấy lá đơn xin vay tiền ngân hàng để trên bàn, hỏi Học thì được biết, em vay tiền ngân hàng để lấy tiền học. Như vậy, bố mẹ em sẽ không phải gửi tiền cho em nữa. Em sẽ đỡ được phần nào gánh nặng cho gia đình vì phải nuôi 3 chị em ăn học và nuôi một cô ruột mắc bệnh động kinh. Chị gái em cũng đang là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học công nghệ. Năm thứ hai em sẽ đi làm thêm để có thêm tiền học hành.

Học tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ, cưu mang em. Cảm ơn Tập đoàn Tân Tạo đã tặng máy tính cùng suất học bổng. Ngoài ra, em còn được Quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao động tài trợ 2,5 triệu đồng mỗi năm trong suốt 4 năm học đại học.

Học tự đặt ra mình một chỉ tiêu phấn đấu là phải học giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh vì môn này em đang yếu. Em phải học để sau này có kiến thức làm kinh tế, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Em quyết tâm ở lại Hà Nội vì nghề kế toán, kiểm toán mà em đang học ở đây có điều kiện phát triển hơn.

Trò chuyện cùng thủ khoa Nguyễn Đức Học và những người thân của em, tôi hiểu rằng, ngoài nỗ lực, ý chí vươn lên của em thì gia đình và môi trường học hành cũng rất quan trọng. Về điều này, Học có nhiều may mắn hơn vì được sinh ra trong một gia đình hiếu học, được học ở một ngôi trường có những thầy cô thực sự giỏi nghề, yêu người. Đó là những khởi đầu rất quan trọng để sau này chắp cánh cho những ước mơ của em bay cao, bay xa. Tôi tin những điều em nói và mong ước, sau này Học sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: Kim Thanh