itaexpress / Tin ITA / Bạn đọc viết / Chia sẻ / Chuyện về giếng làng

Chuyện về giếng làng

Cuộc sống càng văn minh, càng hiện đại, thì mọi thứ càng trở nên rõ ràng, rạch ròi hơn và có lẽ, những ước lệ cũng sẽ theo đó mà biến mất.

Từ lâu, cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành ước lệ về khung cảnh của nông thôn Bắc Hà. Vì quá gần gũi và quen thuộc, nó được xem như biểu tượng của sinh hoạt cộng đồng, của trao đổi thông tin, của hẹn hò đôi lứa…

"Giá mà anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân"
(Ca dao)

Nhưng, từ khi sinh ra và lớn lên, cho đến ngày “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/Tôi đi dan díu với kinh thành” và thậm chí đến bây giờ, khi đã tha hương ở một nơi xa tít tịt, tôi chỉ có thể nhìn thấy những chiếc giếng làng Kim Bình, làng Đông Hồ trên hành trình nghề nghiệp, duy chiếc giếng Phù Vân của tôi thì chỉ thấy trong hồi ức rất xa xăm của bố tôi, bà nội tôi…

Vì sao thế? Vì đất chật, người đông, người ta đã lấp hết những chiếc ao làng đi để xây nhà, xây chợ, xây những gỉ những gì vẫn còn đang được vẽ lên ngoằn ngoèo trong đầu của mấy vị công chức xã. Giếng làng đã bị những chiếc giếng bơm tay hay còn gọi là giếng UNICEP tiếm ngôi, nên biến mất dần, biến dần như những chiếc tường bao thay thế cho những giậu dâm bụt đỏ rực, những hàng găng tây tím ngát hay những giậu mùng tơi ngăn giữa nhà tôi với nhà anh Giao, nhà anh Dũng hàng xóm. Trẻ con không thể vạch rào sang nhà nhau chơi ô ăn quan hay kéo xe bằng chổi rễ nữa. Cuộc sống càng văn minh, càng hiện đại, thì mọi thứ càng trở nên rõ ràng, rạch ròi hơn và có lẽ, những ước lệ cũng sẽ theo đó mà biến mất.

Tôi chỉ thấy được những chiếc giềng làng khác trên hành trình nghề nghiệp của mình
Hồ bán nguyệt của làng Mái - Đông Hồ

Từ tấm bé, tôi chả bao giờ biết đến giếng làng vì nhà nào cũng có sẵn bể nước hay giếng khoan. Cho đến một lần tôi lên thăm dì tôi lấy chồng ở làng bên và theo dì đi giặt đồ. Hóa ra ở làng dì tôi người ta không ra sông giặt (vì thế cô tưởng làng nào cũng có sông chảy qua như làng cô đấy à? - dì tôi lườm mà bảo thế). Dì tôi ra giặt đồ ở một cái giếng khổng lồ nằm ở đầu làng và phải xuống giếng xách nước lên, giặt đồ ở cách rất xa miệng giếng để “nước bẩn không tràn được vào trong giếng sạch, nước đó để ăn đấy”, dì tôi bảo thế. Dì còn bảo, giếng làng cũng là nơi hẹn hò, gặp gỡ của trai gái trong làng. Họ hẹn hò và thề thốt với nhau bên chiếc giếng đầu làng vào những buổi chiều tối, những đêm trăng hoặc những buổi sáng sớm. Những cuộc tình này cũng rất nên thơ và lãng mạn. Các cô gái trong lễ vu quy, qua chiếc giếng làng, lòng lại bồi hồi nhớ những đêm hẹn hò…

Tôi hỏi bố tôi sao làng mình không có giếng, bố tôi trầm ngâm nói: Bị lấp đi từ lâu lắm rồi. Có lần ông thầy địa lý đi ngang qua làng mình phán rằng cái đất này giờ không phất lên được theo cái sự học nữa, vì có bao nhiêu cái giếng làng đem lấp đi hết cả rồi.

Giếng làng Phù Vân chỉ còn trong hồi ức xa mờ của bà nội tôi

Tôi không biết chuyện những chiếc giếng làng có liên quan gì đến linh khí của một vùng đất vì nó thuộc về tâm linh và địa lý. Chỉ biết, rằng, tôi sẵn sàng ủng hộ cho ý tưởng đưa ra về chuyện sẽ đào lại giếng làng. Chẳng biết rồi có ai đỗ đạt được hơn nữa không hay có ai sẽ đi ngang qua nó mà thấy thành kính trước nguồn nước nuôi sống cả cộng đồng; cũng chả biết nó liệu có còn có thể trở thành biểu tượng của cộng đồng nữa không khi mà nhà nào nhà nấy bây giờ chỉ cần thò tay vặn đành dèo một cái là có nước chảy xối xả từ những chiếc vòi, lại khỏi phải gánh nước đến lệch vai; và cũng chả biết có người con gái nào còn được người trai làng tỏ tình bên bờ giếng như dì tôi… Có lẽ là nhiều lắm mà cho nên, từ cái hồi tôi nghe các cụ bàn sẽ xây lại giếng làng, từ bấy đến bây giờ đã là 15 năm rồi… Thanh niên làng tôi giờ hò hẹn và tỏ tình giống như những chàng hàng xóm của tôi thủa nào ở ngoài quán café, có lẽ để cho nó hợp mốt, mà cũng có thể, vì làng đâu còn giếng nữa…

… Và chắc có lẽ là, sau này, tôi sẽ kể với những đứa con của mình khi có dịp đưa chúng về thăm quê bằng câu chuyện của dì tôi, của bố tôi, về cái giếng làng đã bị lấp cũng như cái giếng làng của làng bên…

Lại Thu Giang