itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / Điện thoại di động mừng 25 tuổi

Điện thoại di động mừng 25 tuổi

Hình ảnh "cục gạch" của 25 năm trước

Nền công nghiệp viễn thông mà cụ thể là điện thoại di động đã có những bước đi vượt bậc sau 25 năm kể từ khi cuộc gọi thương mại đầu tiên được thực hiện vào năm 1983 của chủ tịch AMC tại Mỹ bằng "cục gạch" DynaTAC 8000X của Motorola.

25 năm hồi tưởng

Sự ra đời của chiếc điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới là Motorla DynaTAC 8000X đầy những trắc trở. Ngày 21-10-1983, ủy ban truyền thông liên bang FCC (Federal Communications Commission) của Mỹ phê chuẩn cho DynaTAC 8000X xuất xưởng sau 10 năm phát triển từ những công nghệ ban đầu và 100 triệu USD chi phí đầu tư của Motorola. Hãng này đã ưu ái ghi nhớ lại chặng đường đã qua bằng 1 trang thông tin trên website của mình.

Motorola DynaTAC 8000X (DYNamic Adaptive Total Area Coverage) có kích cỡ 13-inch và nặng cỡ 1kg nên thường được gọi vui là "cục gạch". Tuy vậy, giá bán của DynaTAC 8000X khá đắt đỏ vào thời điểm đó, 3995 USD để sở hữu và phí sử dụng dịch vụ cũng "trên trời", 50 USD cho dịch vụ gọi điện chưa kể các phụ phí kèm theo.

"Cục gạch" DynaTAC 8000X

Đã 25 năm kể từ ngày 13-10-1983 khi cuộc gọi thương mại đầu tiên tại Mỹ do chủ tịch hãng Ameritech Mobile Communications là Bob Barnett tại Chicago gọi cho cháu trai của mình là Alexander Graham Bell tại Đức bằng chiếc điện thoại di động Motorola DynaTAC 8000X. 25 năm với những bước đi vượt cấp của ngành công nghiệp điện thoại di động. Không còn đơn thuần nghe và gọi mà điện thoại di động đã giúp người dùng mang theo cả thế giới giải trí bên mình. Số lượng khách hàng thuê bao mạng AMC vào năm 1984 là 12,000 và 25 năm sau, hãng AT&T đã có trong tay 72,9 triệu khách hàng tại Mỹ.

Những thế hệ ĐTDĐ ngày nay

Chặng đường 25 năm mang lại nhiều khác biệt cho thế giới của những chiếc ĐTDĐ. Apple iPhone chỉ cân nặng vỏn vẹn có 113gr và có kích cỡ 4,5-inch, giá thành giảm đi gấp nhiều lần. Hơn nữa, ĐTDĐ ngày nay cũng không còn là vật trang sức dành riêng cho giới nhà giàu mà nó phổ biến đến nhiều tầng lớp người dùng khác nhau với nhiều mức giá khác biệt tương ứng với từng model. Ta có thể bắt gặp hình ảnh những trẻ em ở độ tuổi 13 đang say mê với những trò chơi trên ĐTDĐ.

Thị trường ĐTDĐ ngày nay cũng không còn "im tiếng súng" như trước. Các "cuộc chiến" dai dẳng giữa các thế hệ đời sau để giành giật "đất sống" diễn ra theo từng quý trong năm.

Apple iPhone gạt bỏ những suy nghĩ trước đây của người tiêu dùng về thiết bị di động, mở ra xu hướng truyền thông giải trí đa phương tiện mà giới công nghệ gọi là kỷ nguyên "mobile 2.0". Nối gót sau đó là hàng loạt thiết bị "giống iPhone" rồi "khác iPhone" và trở thành đối thủ nặng ký như SamSung Omnia, LG Prada II, HTC Touch Pro, BlackBerry Storm, Nokia N96, Google Android phone...

Thời kỳ "hoàng kim" của các điện thoại di động đa chức năng

Ngành công nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục phát triển để phục vụ cho các nhu cầu cao cấp của người dùng hiện nay như tải phim, nhạc, chia sẻ hình ảnh trực tuyến, duyệt web, kiểm tra email... Thật khó tưởng tượng những thiết bị di động trong 25 năm tới sẽ như thế nào và ngành công nghiệp viễn thông sẽ bước những bước đi ra sao, đó vẫn còn là một câu hỏi thú vị ở phía trước.

THANH TRỰC (Tổng hợp)