itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / Thị trường di động 2008: Cuộc đua tam mã thêm gay cấn

Thị trường di động 2008: Cuộc đua tam mã thêm gay cấn

Thị trường di động sẽ tiếp tục khởi sắc

trong năm mới 2008. Ảnh: Mobile Net

Sang năm mới 2008, giới chuyên môn đánh giá rằng, thị trường dịch vụ di động trong năm sẽ tiếp tục khởi sắc, với cuộc so tài của bộ ba mạng MobiFone, Viettel và Vinaphone.

Nếu như năm 2006, các mạng di động Việt Nam phát triển được 7 triệu thuê bao mới thì năm 2007 con số này tăng gấp đôi, vào khoảng 14 triệu thuê bao. Nếu như năm ngoái, ba mạng tạo dấu ấn giảm cước di động kỷ lục, cùng ở mức ngang bằng với nhau thì trong năm nay, chất lượng di động là yếu tố quyết định để tranh ngôi "về nhất".

Vùng phủ sóng lớn nhất!

Trong năm 2007, dấu hiệu đáng mừng là tình trạng rớt sóng, nghẽn mạch hầu như chỉ xảy ra lác đác, không tập trung. Người sử dụng dịch vụ có thể "tạm yên" lòng với chất lượng mạng lưới này.

Năm 2007 được đánh giá là năm cả ba mạng đầu tư lớn nhất cho mạng lưới phủ sóng di động của mình. Trên thực tế, trong năm, Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT - đơn vị chủ quản mạng MobiFone, Vinaphone đã dồn công dồn sức tăng tốc phát triển vùng phủ sóng.

Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc công ty Thông tin di động cho biết, "Năm 2007 là năm chúng tôi dồn hết quyết tâm cho việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ bằng các công nghệ mới. Với gần 4.500 trạm phát sóng mới trong năm nay, chỉ một năm mà có số BTS chúng tôi phát triển nhiều hơn 13 năm qua. MobiFone có 12 triệu thuê bao trên mạng, trong đó, riêng số thuê bao mới phát triển gần bằng tổng số thuê bao mà mạng này phát triển trong vòng 13 năm qua. Doanh thu của MobiFone dự kiến sẽ đạt gần 1 tỷ USD, và vượt ngưỡng 1 tỷ USD này trong đầu năm 2008."

Vì vậy, có thể nói không quá rằng, các đại gia đã dồn hết "tâm sức" để "đấu võ" bằng vùng phủ sóng di động của mạng mình. Lãnh đạo Viettel khẳng định rằng, với lợi thế của DN thuộc Bộ Quốc phòng, tận dụng lực lượng quân đội, đến cuối năm 2007, 1005 số xã trên cả nước đã có sóng điện thoại di động.

Đến thời điểm này, số trạm BTS của Viettel là 7000 trạm - số trạm được lắp mới trong năm 2007 nhiều hơn tổng số trạm đã lắp trong 3 năm trước đó. Dự kiến trong năm 2008, mạng này sẽ phát triển lên 11.000-12.000 trạm, có dung lượng đáp ứng đủ cho 40 triệu thuê bao. "Phương hướng của chúng tôi là đưa sóng di động đến tận những vùng dân cư có từ...200 hộ dân trở lên." - vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh như vậy.

Rụt rè hơn so với hai đối thủ "đang lên", Vinaphone - mạng di động trước đây vốn đã ngồi trên ngai vàng "vùng phủ sóng lớn nhất" khá lâu chỉ khiêm tốn cho rằng, "chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc lắp đặt mới 3.000 trạm BTS vào cuối năm nay, Vinaphone có đủ tiềm lực để thực hiện mục tiêu có 9.000 BTS trên toàn mạng vào năm 2008”.

Di động như... cơm bình dân!

Hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, đến thời điểm này, dịch vụ điện thoại di động đã trở nên gần gụi, thân thuộc với mọi đối tượng tiêu dùng. Một chuyên gia đánh giá rằng, có được thành quả này là do các "ông alô" biết tận dụng bí quyết kinh doanh: Giá cước rẻ + chất lượng tốt + mạng rộng = thu hút khách hàng.

Trả lời phỏng vấn của VietNamNet về "bí kíp" cạnh tranh trong năm mới này, MobiFone, Vinaphone đều đang gấp rút lên kế hoạch chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho công nghệ 3G (thông tin từ Bộ Thông tin-truyền thông cho hay, đầu năm nay, các mạng sẽ được cấp phép giấy phép 3G). Hiện tại, hai mạng này đang triển khai các dịch vụ dựa trên nền công nghệ Edge, với công nghệ từ 2,5 - 3G.

Vào thời điểm hiện tại, MobiFone đã hoàn tất các điều kiện về kỹ thuật để chính thức cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao từ đầu năm nay. Với việc triển khai thành công công nghệ này, MobiFone trở thành mạng di động đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam có thể truy cập GPRS tốc độ cao trên toàn quốc.

Để ráo riết cạnh tranh, nâng cao chất lượng thoại hơn, Viettel từ năm 2005, khi mới cung cấp dịch vụ, Viettel đã ứng dụng công nghệ SYN (công nghệ nhảy tần cho kênh thoại) nhằm giảm nhiễu và chất lượng mạng tại những nơi có mật độ phủ trạm lớn.

Năm 2006, với công nghệ AMR (bộ mã hóa thoại thích ứng) đã tăng đáng kể chất lượng thoại, giảm thiểu các hiện tượng như vọng tiếng, trễ thoại…Viettel đã chuyển sang công cụ thiết kế tần số tự động nhằm đưa ra tần số hợp lý, đảm bảo quy hoạch và sử dụng tần số chính xác, cải thiện đến 20% chất lượng của mạng.

Ngoài ra, Viettel đã triển khai hệ thống STP (hệ thống báo hiệu tập trung) vừa giải quyết khó khăn của một mạng có nhiều đầu số (3 đầu số là 098, 097, 0168), vừa đảm bảo việc nhắn tin qua 1 số tổng đài duy nhất, để chuẩn bị cung cấp dịch vụ cho phép giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng (Number Portability) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới.

Tuy vậy, trước những tuyên bố của ba đại gia, vào dịp lễ Tết tới đây, để kiểm chứng cho công nghệ cũng như chất lượng mạng di động, người sử dụng dịch vụ sẽ trực tiếp giám sát tỷ lệ rớt, nghẽn mạng, để chấm điểm cho mạng di động "về nhất" của năm nay!

Theo Hoàng Hùng (VietNamNet)