itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Tin học / CNTT thế giới 2007 có nhiều đột phá phần cứng

CNTT thế giới 2007 có nhiều đột phá phần cứng

Giao diện long lanh của Windows

Vista. Ảnh: Microsoft.

Hệ điều hành Windows Vista gây nhiều tranh cãi khi sự hứng khởi dần bị thay thế bằng nỗi chán nản nhưng chip Penryn 45 nm của Intel, điện thoại iPhone của Apple hay trào lưu laptop giá rẻ 200 USD đã làm tươi sáng thế giới công nghệ năm nay.

Windows Vista - "người đẹp" muốn có nhưng khó chiều

Hôm 29/1, Microsoft phát hành sản phẩm cho người dùng phổ thông, tạo ra một cơn sốt mua sắm máy tính cài sẵn hệ điều hành này. Trong 2 tháng đầu phát hành, hãng bán được 20 triệu bản, đến nay được gần 90 triệu bản.

Tuy nhiên, không ít người sau khi mua máy mới "ngã ngửa" ra rằng để chạy ứng dụng êm ái, có màn hình trong veo Aero Glass, cửa sổ xếp lớp Flip3D - điểm nổi bật nhất ở Vista, họ phải sắm máy có cấu hình rất cao (như RAM 2 GB, card đồ họa rời...). Máy tính "làng nhàng" hơn có logo "Windows Vista Capable" chỉ chạy được những tính năng cơ bản nhất và không giúp người dùng tận hưởng được vẻ đẹp của hệ điều hành.

Ngoài ra, những lý do khác như giá thành cao, sự hoạt động thiếu ổn định và chậm chạp khi khởi động cũng như tải ứng dụng dần dần làm mất đi sự hấp dẫn của Windows Vista. Khi tung ra hệ điều hành mới, Microsoft đã có ý thu hẹp dần thị phần Windows XP bằng cách ngưng cung cấp bản cài sẵn trên máy tính của nhiều nhà sản xuất nhưng XP vẫn là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp.

iPhone - chiếc điện thoại quyến rũ nhất trong năm

Khách hàng háo hức đi mua iPhone. Ảnh: Flickr

Phát hành ngày 29/6 nhưng iPhone đã khiến người hâm mộ ngủ đêm hè phố và đợi chờ trước hệ thống cửa hàng Apple Store từ vài ngày trước, bất chấp những cơn mưa đêm. Kiểu dáng thanh nhã, màn hình cảm ứng tuyệt đẹp, nhiều chức năng chơi game, nghe nhạc, lướt web, xem Google Maps, YouTube... chính là những nét hấp dẫn của chiếc điện thoại này. Ngoài ra, Apple còn "mở cửa" đón nhận các phần mềm mã mở để tăng cường sức mạnh cho iPhone.

Điều làm người dùng bực tức là chính sách liên kết với một hãng viễn thông di động duy nhất của Apple (AT&T ở Mỹ, Orange ở Pháp...) với hợp đồng thuê bao cao (60 - 100 USD/tháng), khiến họ ra tay bẻ khóa để sử dụng mạng khác hoặc lãnh thổ khác ngoài các nước được phân phối chính thức. Dù Apple nâng cấp phiên bản firmware mới, hacker vẫn tìm cách "xử lý" để dùng được máy.

Intel đột phá với chip 45 nm thương phẩm và mẫu chip 32 nm

Giám đốc điều hành Intel, Paul Otellini, giới thiệu sản phẩm chip mới. Ảnh: Hkepc.

Vào đầu tháng 11, việc Intel công bố chip Penryn không chì theo công nghệ 45 nm sẵn sàng xâm nhập thị trường đã tạo ra bước đột phá lớn nhất trong ngành bán dẫn 40 năm qua vì họ làm tăng tốc độ hoạt động, thu nhỏ kích thước cho vi xử lý, hạn chế lỗ rò và tiết kiệm điện. Hai dòng chip 45 nm Xeon (máy chủ) và Core 2 Extreme/ Duo (máy để bàn, máy xách tay) được thiết kế dạng 2 lõi và 4 lõi để mang đến sự chọn lựa đa dạng cho người tiêu dùng.

Trước đó, cuối tháng 9, Intel tuyên bố chế tạo thành công mô hình chip 32 nm khiến chính Gordon Moore, người nổi tiếng với định luật mang tên ông, cho rằng phát biểu "số lượng bóng bán dẫn đặt trong mỗi chip, đồng nghĩa với khả năng xử lý, sẽ tăng gấp đôi theo chu kỳ 18-24 tháng" sẽ "lạc hậu" khoảng 10 - 15 năm nữa. Intel đang đi tiên phong trong ngành này khi vượt qua các rào cản kích thước bằng cách sản xuất transistor cổng hafinium được coi là kim loại có hằng số điện môi cao và lưu trữ được nhiều điện thay cho silicon dioxide thông thường.

Laptop giá rẻ trở thành trào lưu

Eee PC là một trong những sản phẩm nổi bật của dòng laptop giá rẻ. Ảnh: Guardian.

Máy tính xách tay XO trong dự án One Laptop Per Child hay Classmate PC của Intel từng gây chú ý vì giá rẻ nhưng không mấy hấp dẫn người tiêu dùng vì kênh phân phối chủ yếu qua các chính phủ để hỗ trợ học sinh, hình thức khá "trẻ con" và tính năng đơn giản. Khi XO, dự định bán ra ở mức 100 USD, bỗng tăng giá lên 180 - 200 USD do chi phí sản xuất cao, gần ngang bằng với giá của Classmate PC và Eee PC (của Asus), thì thiết kế hợp lý trở thành yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Chỉ nhỉnh hơn các laptop giá rẻ khác vài chục USD (từ 200 - 400 USD, tùy theo cấu hình), Eee PC có hình thức trang nhã hơn, chạy được cả hệ điều hành Linux và Windows, kết nối Wi-Fi nhanh nhạy, được phân phối rộng rãi vào tháng 1/2008 tới và do đó, thu hút sự quan tâm của người dùng thu nhập thấp, các bậc cha mẹ muốn sắm thiết bị học tập cho con trẻ hoặc những người cần máy tính nhỏ gọn khi đi công tác.

Theo Việt Toàn (VnExpress)