itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Tin học / Lenovo quyết cải thiện vị trí tại Việt Nam

Lenovo quyết cải thiện vị trí tại Việt Nam

Ông Bill Amelio, Chủ tịch kiêm Tổng giám

đốc hãng máy tính Trung Quốc Lenovo.

Chủ tịch kiêm TGĐ hãng máy tính Lenovo tiết lộ các chiến lược kinh doanh tại Việt Nam, gồm kế hoạch thâm nhập thị trường nông thôn với loại PC dưới 200 USD.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 60 phút, ông Bill Amelio, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành hãng máy tính lớn thứ tư thế giới Lenovo nói về sự thiết yếu của thị trường Việt Nam đối với hãng, về ý tưởng sáng tạo của Lenovo thể hiện bằng những sản phẩm đẳng cấp, kết quả kinh doanh lạc quan…

Tại Việt Nam, ông Amelio nói Lenovo đang giữ vị trí số 2 và hãng muốn cải thiện vị trí này. Ông tin với dòng sản phẩm giá rẻ, tính năng phù hợp Lenovo đưa vào thị trường Việt Nam sẽ gặt hái thành công như Lenovo đang thành công ở Trung Quốc.

Đưa điện toán về nông thôn

Thưa ông, mục đích chuyến đi của ông tới Việt Nam lần này là gì?

Việt Nam là một thị trường đang nổi lên rất thiết yếu với Lenovo. Nếu chúng ta nhìn vào tốc độ phát triển của CNTT cũng như máy tính thì sẽ thấy rất ấn tượng. Năm trước tốc độ phát triển là 40%. Trong lĩnh vực MTXT, có 90% MTXT bán ra có thương hiệu nước ngoài.

Lenovo hiện đang có vị trí thứ 2 tại thị trường Việt Nam và chúng tôi đang muốn cải thiện vị trí trong thị trường này. Chúng tôi có một tầm nhìn là làm thế nào để đưa năng lực tính toán đến ngày càng nhiều hơn với con người, để họ có thể sáng tạo hơn nữa.

Quý vị cũng biết mật độ PC ở Việt Nam còn rất thấp, khoảng 4,75%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở thành phố cao hơn nhiều, khoảng 16%. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm cách để đưa năng lực điện toán tới các khu vực nông thôn. Chúng tôi đã có kinh nghiệm ở Trung Quốc khi tổ chức những nhóm làm việc với những người nông dân Trung Quốc để từ đó có thể đưa ra những giải pháp điện toán cụ thể, với chi phí phù hợp, giúp người nông dân làm việc hiệu quả hơn.

Tôi nghĩ những dự án như thế hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam. Như vậy, mô hình máy tính tiết kiệm có thể làm việc rất tốt ở những thị trường đang phát triển như Việt Nam, với điều kiện nó được phát triển một cách phù hợp.

Sẽ có một “Trung tâm xuất sắc” Lenovo đặt tại Việt Nam

Chủ tịch Yang của Lenovo vừa được hãng tin Reuters trích dẫn rằng Lenovo sẽ tập trung đầu tư vào các thị trường đang nổi. Việt Nam có trong ưu tiên đầu tư của Lenovo?

Chắc chắn là Việt Nam nằm trong ưu tiên của Lenovo.

Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Nếu nhìn vào sự phát triển của Việt Nam, vào trình độ học vấn của người Việt Nam thì thấy là rất cao và có nhiều người tài năng. Chúng tôi có khái niệm world-sourcing, được hiểu là dùng tài nguyên của cả thế giới, là khái niệm kế tiếp của toàn cầu hóa.

Khái niệm cũ outsourcing (thuê khoán bên ngoài) thường đưa ra một cái nhìn không được tích cực trong suy nghĩ của người phương Tây bởi họ sợ công việc sẽ bị chuyển từ nước có giá thành cao sang những địa điểm có chi phí thấp. Về cơ bản mô hình này là những việc sáng tạo, thiết kế sẽ được thực hiện ở những nơi có chi phí cao. Còn ở những địa điểm có chi phí thấp sẽ triển khai việc sản xuất, chế tạo với nhân công giá rẻ và nhiều vật liệu.

Hoàn toàn ngược lại với khái niệm này là ý tưởng world-sourcing (khai thác toàn cầu). Chúng tôi tin là sáng tạo có thể diễn ra trên khắp thế giới. Chúng tôi đã đặt các trung tâm xuất sắc (excellent center) ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi là công ty gần như không có một trụ sở chính vì chúng tôi cho rằng nếu thành lập một trụ sở chính sẽ tạo ra một sức hút vào một địa điểm nào đó quá xa với khách hàng. Thay vì đó, chúng tôi tạo ra các trung tâm xuất sắc để người ta có thể thiết kế, sáng tạo.

Ví dụ, việc R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của chúng tôi được thực hiện ở một tam giác sáng tạo, với 3 địa điểm là Bắc Kinh-Thượng Hải-Thâm Quyến (Trung Quốc), Yamato (Nhật Bản) và ở Raleigh (North Carolina, Hoa Kỳ).

Việc tiếp thị được thực hiện ở một trung tâm duy nhất của chúng tôi ở Bangalore (Ấn Độ). Các đại lý tiếp thị cũng như nhân viên ở Bangalore cùng làm việc để xây dựng các chiến dịch tiếp thị cho Lenovo.

Qua việc khai thác toàn cầu, chúng tôi có thể thấy trình độ ở những nơi này đều tăng lên, kỹ năng làm việc và mức sống của những khu vực chúng tôi đặt trung tâm cũng được tăng lên. Như vậy, bất kể có một cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra thì tỷ lệ người có việc làm ở phương Tây cũng đang tăng lên, chứ không hề giảm đi.

Lenovo có khẩu hiệu World - sourcing. Vậy nguồn nhân lực Việt Nam có vị trí như thế nào trong thông điệp này Lenovo? Để làm như vậy, yêu cầu của Lenovo với nguồn nhân lực Việt Nam là gì?

Tôi nghĩ Việt Nam có một vị trí tốt hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, tỷ lệ người có trình độ biết đọc, biết viết rất cao và số người có trình độ đại học cũng rất đông đảo, rất phù hợp với mô hình World-sourcing. Hy vọng khi việc kinh doanh ở Việt Nam phát triển thì sẽ có một trung tâm xuất sắc của chúng tôi được đặt ở Việt Nam.

Tôi vẫn chưa rõ trung tâm này sẽ làm việc gì cụ thể. Nhưng khi chúng tôi đã phát triển kinh doanh ở đây thì chúng tôi sẽ có những ý tưởng mới và chúng ta sẽ biết được câu chuyện sẽ là như thế nào.

Bốn năm trước, khi đến đây tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy được nguồn năng lượng cũng như tinh thần kinh doanh đang có ở Việt Nam. Tôi cảm nhận được tinh thần của con người Việt Nam và mong muốn chiến thắng của người Việt Nam. Mặc dù có những câu chuyện xảy ra trong quá khứ nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những tiến bộ đang diễn ra ở Việt Nam. Chúng tôi thấy đó là sự thể hiện của nền văn hóa Việt Nam: Luôn nhìn về phía trước thay vì nhìn về quá khứ.

Tôi nghĩ trong tương lai các quốc gia khác sẽ nhìn về Việt Nam và thấy rằng đó chính là chìa khóa thành công của Việt Nam.

Phần mềm máy chủ: Vũ khí mới của Lenovo

Mặc dù được thừa hưởng hình ảnh và uy tín của thương hiệu IBM tại thị trường Việt Nam trong những năm qua, song Lenovo đang phải đối mặt với không ít khó khăn tại thị trường Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ như HP, Dell, Acer... cũng như từ các thương hiệu máy tính Việt Nam như FPT Elead, CMS. Sự khó khăn đó vẫn đang hiện hữu. Vậy các ông có chiến lược kinh doanh mới nào tại thị trường Việt Nam nhằm khôi phục lại hình ảnh và chiếm lĩnh thị trường?

Tôi nghĩ rằng trong 2 năm đầu tiên khi mua lại (bộ phận sản xuất máy tính) IBM chúng tôi tập trung vào việc hoàn thành thương vụ này để đi theo đúng hướng, làm sao tạo được sự cộng lực và triển khai 4 sáng kiến của hãng.

Khi đã thành công trong việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những mục tiêu tiếp theo. Như tháng Một vừa qua, chúng tôi đã công bố sẽ gia nhập thị trường máy tính dành cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nếu nhìn vào danh mục sản phẩm của chúng tôi sẽ thấy những dòng sản phẩm với thiết kế mới dành cho người tiêu dùng hoàn toàn khác so với những sản phẩm trước đây. Để làm sao đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng, chúng tôi đã có những sản phẩm thực sự hấp dẫn.

Đó là sản phẩm MTXT U110, màn hình 11 inch, chỉ nặng khoảng 1 cân và dày 0,7 inch (hơn 1,4 cm). Tuổi thọ pin là 6 giờ, sử dụng bộ VXL Intel Core Duo. Tôi cũng định đem đến đây một chiếc laptop như thế để trình diễn nhưng rất tiếc là khi tôi mang về nhà, vợ tôi đã nhìn thấy và bà ấy không muốn rời nó ra nữa (cười).

Rõ ràng, đó là thứ mà người ta rất thích thú, mong muốn có và đó là điều kiện để chúng tôi thành công.

Một sản phẩm khác có màn hình 17 inch. Thực ra đó là chiếc PC kiểu như trạm làm việc, có hai ổ cứng, trong đó một ổ dành cho chơi game cùng một bộ điều khiển để chơi game. Có 4 loa và một loa subwoofer. Nếu để chơi game thì chúng ta thực sự sẽ bị tràn ngập trong thế giới âm thanh. Tôi chắc chắn rằng đây cũng là một sản phẩm sẽ rất thành công của chúng tôi bởi khi nhìn thấy chiếc máy tính này, con trai tôi đã bày tỏ rất nhiều lời khen ngợi.

Trong tất cả các dòng sản phẩm cho người tiêu dùng, chúng tôi có một công nghệ gọi là Veriface (công nghệ nhận dạng khuôn mặt), tức là dùng khuôn mặt của chúng ta để tạo mật khẩu truy nhập vào máy tính. Chúng ta sẽ thấy những sản phẩm này xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra ý tưởng chế tạo các máy trạm làm việc. Cùng với IBM, chúng tôi cũng đạt được thỏa thuận để thâm nhập vào thị trường máy chủ (server). Chúng tôi sẽ có thể bắt đầu cung cấp những sản phẩm máy chủ này vào cuối năm nay và hướng đến thị trường tầm trung và tầm thấp. Đó là một ví dụ mà chúng tôi tạo sự khác biệt trong quá khứ, khi hướng đến người tiêu dùng, trạm làm việc và máy chủ.

Một điều thú vị nữa là phần mềm máy chủ chúng tôi sẽ đưa vào trong tất cả các sản phẩm của mình. Chúng tôi giữ bí mật phần mềm này bởi ngay cả nhóm bán hàng của chúng tôi cũng chưa được biết.

Một nhóm nghiên cứu rất nổi tiếng ở Mỹ là TVR viết một cuốn sách trắng có tên TVT, nói rằng với công cụ TVT (Thinkvantage) của Lenovo có thể tiết kiệm được từ 60-70% thời gian dành cho việc quản lý máy tính. Như vậy, với những công cụ như thế này, cùng với những bộ phần mềm mới có khả năng xử lý sự cố từ xa thì chúng ta sẽ có những bộ máy chủ rất mạnh, với những trải nghiệm công nghệ của Lenovo. Bất kỳ quý vị ở đâu trên thế giới thì cam kết của chúng tôi là luôn đồng hành cùng quý vị trong thời gian sống của chiếc PC đó.

Tại Việt Nam, Lenovo sẽ chú trọng đến các khách hàng nào, người tiêu dùng hay doanh nghiệp, hay khu vực công?

Hiện nay chúng tôi đang có thế mạnh trong mảng thị trường dành cho doanh nghiệp. Và chúng tôi đang muốn hướng đến thị trường khu vực công và người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn đầu tư vào cả 3 mảng khách hàng này để làm sao mang lại những gì tốt nhất cho họ. Đây không phải là vấn đề hoặc, mà thực sự chúng tôi muốn làm tất cả mọi thứ một cách hiệu quả cũng giống như chúng tôi đã làm ở các thị trường khác trên thế giới. Khi chúng tôi nói về tính hiệu quả thì tôi muốn nhắc đến thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, nơi chúng tôi đã đạt được hiệu quả cao với mô hình kinh doanh của chúng tôi.

Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo tất cả, song chúng tôi sẽ có nhân lực tốt nhất tới Việt Nam để hỗ trợ. Chỉ với một nhóm rất nhỏ ở Việt Nam, song Lenovo đã làm được rất nhiều việc đáng kể. Với tốc độ phát triển rất nhanh chóng, quý vừa qua chúng tôi đã phát triển tới 178%.

Theo ông, điều gì khó nhất với Lenovo trong kinh doanh ở Việt Nam?

Tôi nghĩ thực ra không có điều gì là quá khó khăn đối với chúng tôi ở Việt Nam. Điều mà chúng tôi cần là đưa ra một quyết định đầu tư vào Việt Nam và quyết định đi tới. Quyết định đó chúng tôi đã đưa ra rồi.

Chứng tỏ bằng sản phẩm tốt nhất thế giới

Cũng không thể không nhắc đến tâm lý “ngại hàng Trung Quốc” (chất lượng thấp, giá rẻ) của một bộ phận không nhỏ người dùng Việt Nam. Làm thế nào để Lenovo có thể vượt qua được trở ngại tâm lý đó?

Hãy nhìn vào những chiếc máy tính của chúng tôi. Hiệu năng máy tính xách tay và máy tính để bàn của Lenovo tốt hơn so với mức trung bình của thị trường tương ứng là 30% và 20%. Đó không phải là thông số của chúng tôi mà là đánh giá của bên thứ ba.

Khi chúng tôi mua lại bộ phận của IBM, người ta quan ngại rằng liệu chúng tôi có phải là người kế thừa tốt thương hiệu ThinkPad hay không. Chúng tôi đã cho thấy rằng độ tin cậy của những chiếc máy tính của Lenovo đã được cải thiện rất đáng kể trong 2 năm vừa qua. Với việc công bố những sản phẩm mới như dòng máy tính X300, chúng tôi đã chứng tỏ hoàn toàn có thể làm ra được những chiếc PC tốt nhất trên thế giới. Đó là chiếc máy tính nhẹ nhất thế giới, có hiệu năng cao nhất với màn hình 13,1 inch.

Phần lớn PC trên thế giới đều được lắp ráp tại thị trường Trung Quốc. Chúng tôi có sự giám sát rất chặt chẽ đối với các nhà cung cấp, không kể đó là những người ở lớp nào. Chúng tôi thực hiện việc giám sát các quy trình sản xuất linh kiện của các đối tác và đưa ra những cảnh báo sớm về chất lượng với họ nếu chúng tôi nhận được phản ánh của khách hàng.

Tất nhiên là không thể đảm bảo điều gì hoàn hảo 100% cả. Điều đáng nói là chúng tôi phản ứng rất nhanh và nhanh chóng tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và xử lý ngay để đảm bảo điều đó không thể được lặp lại nữa.

Chúng tôi muốn nói rằng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm gần như đã nằm trong gen của tất cả các nhân viên của Lenovo rồi.

Sẽ có máy tính giá rẻ

Hiện nay, có trào lưu sản xuất laptop giá rẻ nhắm tới các thị trường đang phát triển. Kế hoạch của Lenovo với xu hướng này như thế nào? Tại Việt Nam, theo ông Lenovo sẽ thành công với sản phẩm giá rẻ hay cao cấp?

Một lần nữa, câu trả lời là không phải là “hoặc” mà sẽ là “và”. Ví dụ, trong lĩnh vực máy tính cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ cung cấp tất cả dòng sản phẩm từ cao cấp cho đến giá rẻ và quan trọng là tạo dựng hình ảnh nhãn hiệu Lenovo mạnh mẽ.

Chúng tôi cũng không muốn chạy theo trào lưu vì với những máy tính giá rẻ thì việc hỗ trợ kỹ thuật rất khó. Tất nhiên, cũng có một số sáng kiến hoàn toàn khác, tức là có thể theo đuổi một số thị trường ngách quan trọng nhất định với những sản phẩm thực sự giá rẻ.

Tôi đã nhắc đến thị trường nông thôn. Chúng tôi có những chiếc máy tính với giá dưới 200 USD. Những sản phẩm đó thâm nhập khá tốt ở Trung Quốc và có lẽ sẽ được thị trường Việt Nam chấp nhận như vậy. Tương tự, trong thị trường laptop dành cho giáo dục, chúng tôi cũng đưa ra giá trong khoảng như vậy. Chúng tôi có ý tưởng khác nữa là làm thế nào để các thầy cô giáo hứng thú với CNTT chứ không chỉ học sinh.

Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể tạo ra một cuộc cách mạng CNTT.

Xin cám ơn ông!

Theo Kim Long, Lê Hạnh / ICTNews