itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Nhiều trường ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã

Nhiều trường ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã

Ngày 23.6, ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) - cho biết, do Bộ GDĐT vẫn chưa có trả lời cụ thể với hiệp hội cũng như các trường về đề xuất tuyển sinh riêng nên công tác tuyển sinh của các trường này tiếp tục ở thế bị động, phụ thuộc vào kết quả thi và điểm sàn của kỳ thi ĐH, CĐ 2013 năm nay.

Xin ông cho biết thực trạng tuyển sinh của các trường NCL ở nước ta hiện nay ra sao?

Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều trường NCL tuyển được rất ít sinh viên, trong đó có cả những trường rất khá về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc thiếu sinh viên dẫn tới tình trạng không đủ mở ngành, không đầy lớp, thừa thầy, thừa phòng học, các trường không đủ kinh phí duy trì, càng hoạt động càng lỗ, chứ không như trường công còn có ngân sách nhà nước. Nói nhiều trường NCL đứng trước nguy cơ tan rã là có thực.
Trong khi đó, sự phát triển của trường NCL là tất yếu, phù hợp với mục tiêu phát triển nền giáo dục nói chung. Điều này đã được chứng minh rõ ràng ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Đơn cử, Hàn Quốc có đến 67% sinh viên học đại học NCL, ở Malaysia con số này là hơn 50%. Phần lớn các trường tốt và nổi tiếng của Mỹ cũng là trường NCL. Đây có thể coi là phương án đẩy bật nền giáo dục đại học chứ không một ngân sách nhà nước nào có thể gánh hết được. Để nhanh chóng phát triển đào tạo đại học thì không còn cách nào khác là phát triển giáo dục cả ở hệ công lập lẫn NCL.
Nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng trên, thưa ông?
- Nguyên nhân trực tiếp là cả nước cạn nguồn, số thí sinh đạt trên điểm sàn không đủ đáp ứng chỉ tiêu cần tuyển. Cả ba trình độ đào tạo ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp đều không còn thí sinh để tuyển, cho dù thời gian xét tuyển được kéo dài.
Bên cạnh đó, các quy định tuyển sinh đối với các trường NCL còn tồn tại quá nhiều sự vô lý. Đơn cử, quy định về diện tích sàn phải là sở hữu của trường, đội ngũ giáo viên phải cơ hữu là không hợp lý. Ép cơ hữu, các trường buộc phải vội vàng tuyển giảng viên mới ra trường, để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên, trong khi giáo viên đòi hỏi là những người có trình độ cao, đạt trình độ giáo sư - tiến sĩ. Một điều không sát với thực tế nữa là quy định về tuyển sinh, theo đó các trường ngoài công lập phải tuyển sinh được 200 sinh viên trở lên mỗi năm và mức tuyển sinh này ổn định trong 3 năm liên tiếp thì trường mới được phép tiếp tục đào tạo.
Lấy ví dụ là Trường ĐH Tân Tạo. Trường này có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích hơn 100ha, có đội ngũ giáo viên tốt nhưng hiện mới tuyển được vài chục sinh viên/năm vì trường nằm ở vị trí không thuận lợi, còn mới nên chưa kịp thu hút sinh viên. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên như quy định, thì chắc chắn trường này sẽ bị xóa sổ.
Tôi cũng cho rằng phương án tuyển sinh “3 chung” hiện nay mang tính cào bằng và phi thực tế. Hiện nước ta có rất nhiều loại trường, trong đó mỗi trường có một sứ mạng xã hội riêng như nghiên cứu, thực hành... Vì vậy, cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí, trong đó các tiêu chí có trọng số riêng phù hợp với từng môn học, từng ngành trường. Vì vậy, vừa qua, một số trường đại học NCL đã gửi lên Bộ GDĐT về phương án tuyển sinh riêng của mình, trong khi Hiệp hội các Trường NCL đưa ra đề xuất tuyển sinh đa tiêu chí tới Bộ GDĐT từ năm 2012, thậm chí lại vừa gửi kiến nghị khẩn cấp về vấn đề này lên Thủ tướng.
Bộ GDĐT đã có phản hồi thế nào về những đề xuất tuyển sinh riêng của các trường ngoài công lập, thưa ông?
- Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 sẽ diễn ra. Song đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa có trả lời cụ thể với hiệp hội cũng như các trường NCL. Do đó, việc tuyển sinh của các trường NCL năm nay vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào kết quả thi và mức điểm sàn mà Bộ GDĐT quy định. Vì vậy, chưa thể biết được việc tuyển sinh của các trường NCL năm nay sẽ khó, hay đỡ khó hơn so với năm ngoái.

Theo Lao Động