itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Thực tập ở Anh - dễ hay khó?

Thực tập ở Anh - dễ hay khó?

Bên cạnh những yếu tố như thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, một bản đăng ký xin việc được trau chuốt kỹ càng, những nhà tuyển dụng còn đánh giá rất cao phần tóm tắt kinh nghiệm việc làm của các ứng viên khi còn ngồi học trên ghế nhà trường.

Trên mặt bằng phát triển chung của xã hội, con đường xin việc ngày càng cạnh tranh và khó khăn hơn đối với các bạn trẻ, đặc biệt là với những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Hiện nay, ở Anh quốc, không chỉ trong các lĩnh vực “thời thượng” như ngân hàng, tài chính, kiểm toán, tư vấn, yêu cầu của các công ty đặt ra đối với người dự tuyển rất gắt gao và các hình thức tuyển dụng nhân sự cũng được tổ chức kỹ càng, có khoa học. Bên cạnh những yếu tố như thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, một bản đăng ký xin việc được trau chuốt kỹ càng, những nhà tuyển dụng còn đánh giá rất cao phần tóm tắt kinh nghiệm việc làm của các ứng viên khi còn ngồi học trên ghế nhà trường. Vì thế, trước khi tốt nghiệp, sinh viên tại Anh còn tìm kiếm và săn lùng những cơ hội thực tập tại các công ty. Trên thực tế, đối với các bạn trẻ, hành trình xin thực tập ở Anh cũng vất vả và mức độ khó cũng ngang ngửa với khi tìm kiếm việc làm chính thức.

1. Cơ hội thực tập - đối tượng và mức lương cho các thực tập viên

Xin thực tập ở Anh không chỉ phổ biến ở những sinh viên năm gần cuối đại học (penultimate students) mà còn thu hút từ những sinh viên năm nhất. Tuỳ thuộc vào từng đối tượng mà có những chương trình thực tập khác nhau, như thực tập trong hè (Summer internship) cho các bạn sinh viên năm 2 (theo chương trình Đại học 3 năm) hoặc năm 3 (chương trình 4 năm- Đại học và thạc sĩ); thực tập trong dịp lễ Phục Sinh hoặc Giáng Sinh đối với các bạn sinh viên năm 1. Thời gian thực tập cũng khác nhau và kéo dài từ 2,3 tuần (cho sinh viên năm 1) đến 8, 10 hay 12 tuần.

Mức lương dành cho các thực tập viên cũng dao động tùy vào đặc thù công việc, công ty hay lĩnh vực chuyên ngành. Một số công ty trả cho sinh viên thực tập đúng bằng mức lương của nhân viên chính thức, có thể bao gồm cả chi phí ăn ở và đi lại. Năm 2006, mức lương ở các công ty tư vấn lớn là 200-250 bảng Anh/ tuần, những ngân hàng đầu tư là 450 đến 650 bảng Anh/ tuần.

2. Quy trình tuyển dụng

Ở Anh, các cơ hội thực tập đa phần đều bắt đầu bằng việc điền vào mẫu đơn xin việc trên mạng, bao gồm thông tin cá nhân, kết quả học tập, đính kèm CV và cover letter (cover letter là thư xin việc riêng của mỗi ứng viên, nội dung thường là lý do vì sao nộp đơn vào công ty, vào vị trí này, những thế mạnh của bản thân, vì sao công ty nên nhận mình,…) Trong một số lĩnh vực như ngân hàng, kiểm toán, các ứng viên phải thực hiện một số bài trắc nghiệm về số học (numerical test) hoặc ngôn ngữ (verbal test). Một số công ty khác còn đưa ra những bài trắc nghiệm tâm lý để thử khả năng suy xét, giải quyết tình huống hoặc tìm hiểu về sở thích và tính cách của mỗi cá nhân. Nếu qua được vòng sơ tuyển, sinh viên sẽ được mời đến phỏng vấn vòng 1. Ở vòng 1, các câu hỏi phòng vấn đa số là dạng câu hỏi đánh giá năng lực (competency questions) hoặc xoay quanh những thông tin trong bản đăng ký xin việc và CV của từng người.

Sau khi trải qua kỳ sát hạch vòng 1, nếu được đánh giá tốt, sinh viên sẽ phải tiếp tục chứng tỏ bản thân mình trước nhà tuyển dụng ở vòng 2, gọi là assessment day hoặc super day. Tùy vào đặc trưng của mỗi công ty, vòng 2 có thể bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn với những nhân viên khác nhau, làm việc theo nhóm (group exercises), thuyết trình (presentation), thử thách tình huống (case studies) hoặc kết hợp nhiều hình thức trên với nhau trong cùng một ngày. Mức độ cạnh tranh của công việc tỷ lệ thuận với độ khó của các vòng thi tuyển, những vị trí có mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp thì quá trình tuyển dụng càng gắt gao và tỷ lệ chọi càng cao. Sau khi trải qua tất cả các vòng thi, sinh viên sẽ được thông báo kết quả qua điện thoại hoặc mail; nếu không đạt yêu cầu, sinh viên cho thể xin feedback từ phía nhà tuyển dụng về phần thi của mình để rút kinh nghiệm cho những cơ hội sắp đến.

Kết thúc chương trình thực tập, đặc biệt với chương trình thực tập trong hè (Summer internship) cho các bạn sinh viên năm gần cuối đại học, nếu biểu hiện công việc xuất sắc, sinh viên sẽ có cơ hội được nhận vào làm chính thức sau khi tốt nghiệp ra trường.

3. Thực tập- được và mất gì?

Đối với các bạn trẻ ở Anh, những lợi ích đến từ các chương trình thực tập rất phong phú và đa dạng. Đầu tiên, thực tập đem đến cho sinh viên cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được giao những dự án thật sự, được đào tạo theo đúng chuyên môn, được làm việc theo nhóm, thuyết trình và hướng dẫn từ các nhân viên chính thức trong công ty. Bên cạnh đó, đây là cơ hội quý giá để quan sát, tiếp cận và tìm hiểu bản chất của công việc, từ đó có thể định hướng rõ ràng về nghề nghiệp trong tương lai, bản thân có thật sự thích làm không, công việc này có thật sự phù hợp với mình không, có những chọn lựa khác hay hơn không…Theo ý kiến của một số sinh viên, những kiến thức học tập ở đại học đôi khi khá thiên về lý thuyết, xa rời với thực tế công việc. Vì thế, theo họ, thực tập là cơ hội rất tốt để trau dồi, mở rộng và nâng cao những gì được đào tạo từ giảng đường.

Thứ hai, không chỉ dừng lại ở việc tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, công việc thực tập còn tạo điều kiện cho sinh viên gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều tầng lớp người trong xã hội, quen biết bạn bè đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới. Hiện nay, ở những ngân hàng lớn tại Anh như Barclays Capital, UBS, Citigroup…ngoài thời gian tham gia các dự án và làm việc tại văn phòng, các sinh viên thực tập còn được hướng dẫn tham gia các công việc cộng đồng (community services) như trồng cây, cuốc đất, sơn tường…Một số công ty tài chính và kiểm toán còn tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho sinh viên, như chương trình “Đi thuyền trên sông Thames”, tour du lịch đến Kent ở Deloitte.

Không chỉ đối với các bạn sinh viên, các nhà tuyển dụng thừa nhận rằng, chương trình thực tập cũng mang đến cho họ những lợi ích nhất định. Trên thực tế, rất nhiều công ty chấp nhận đầu tư một số tiền khổng lồ cho các chương trình tuyển dụng và đào tạo cho sinh viên thực tập. Bên cạnh những yếu tố quyết định sự thành bại của một công ty như vốn, chiến lược phát triển; nguồn nhân lực dồi dào cả về chất lượng lẫn số lượng được xem như điều kiện then chốt, chi phối và ảnh hưởng đến những yếu tố khác. Chính vì thế, việc tổ chức chương trình thực tập là cơ hội để các nhà quản lý giám sát, kiểm tra và đào tạo các vị trí thích hợp trong tương lai mà yêu cầu công việc đòi hỏi. Ở Anh, sinh viên thực tập thường trải qua tuần đầu tiên để được hướng dẫn, truyền đạt và bồi dưỡng những kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu công việc (training week). Trong thời gian này, thường thì sinh viên sẽ được phân vào từng nhóm nhỏ để tham gia các trò chơi tập huấn hoặc những thử thách nhỏ mang tính đồng đội, nghe thuyết trình về cơ cấu hoạt động và giới thiệu bao quát về công ty. Hiểu một cách khác, thực tập là phương thức trung gian để sinh viên và nhà tuyển dụng có một cái nhìn cụ thể về nhau, tìm hiểu nhau, hơn là thông qua các thông tin trên mạng và các trung tâm tư vấn việc làm từ những trường đại học.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là việc xin thực tập chỉ mang tính tích cực mà không hề có một khuyết điểm nào. Thực tế cho thấy, để được nhận vào công ty làm thực tập, các bạn sinh viên phải bỏ ra một khoảng thời gian, công sức và tiền bạc không nhỏ trong việc săn tìm các cơ hội thực tập, tham dự các chương trình giới thiệu việc làm, đăng ký các buổi thuyết trình và tư vấn của chính công ty mà mình mong muốn làm việc. Nhằm đảm bảo có được một vị trí thực tập trong hè, số lượng đơn xin việc của một số bạn có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm. Chính vì mải mê trong việc tìm kiếm các cơ hội làm việc, nhiều bạn sinh viên đã lơ là và xao nhãng việc học, sẵn sàng vắng mặt ở giảng đường để tham dự các buổi thuyết trình do nhà tuyển dụng tổ chức. Tại Anh, một số công ty chỉ tổ chức phỏng vấn và thi tuyển khi đã đến cuối hạn nhận đơn và thời gian từ khi gửi hồ sơ đến lúc có kết quả đôi khi phải mất vài tháng. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các bạn sinh viên, hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Một số công ty lại tổ chức phỏng vấn vào khoảng tháng 4, thời điểm mà sinh viên đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm học vào khoảng tháng 5, tháng 6; gây ra việc gián đoạn và làm ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của các bạn sinh viên.

Một mặt trái khác của thực tập nằm ở bản chất của công việc và chương trình đào tạo từ phía các nhà tuyển dụng. Nhiều bạn sinh viên thừa nhận rằng, không phải lúc nào cũng tìm được một công việc thực tập đúng với chuyên môn như lời quảng cáo và giới thiệu từ các công ty. Bên cạnh đó, giờ giấc làm việc cũng gây không ít khó khăn cho các bạn trẻ, nhất là những bạn phải làm tăng ca và thêm giờ đến tận 10, 11 giờ đêm. Nhiều sinh viên còn gặp phải người quản lý nghiêm khắc, bảo thủ, hoặc phân biệt đối xử với các sinh viên quốc tế; không hòa nhập được với các thực tập viên khác trong nhóm dẫn đến tình trạng chán nản và muốn bỏ dở nửa chừng.

Mặc dù còn một số khuyết điểm nhưng nhìn chung, công việc thực tập vào các kỳ nghỉ vẫn thu hút sự quan tâm của đa số các bạn sinh viên tại Anh. Rất khó để làm một phép so sánh giữa hành trình tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm chính thức, cái nào khó hơn, cái nào dễ hơn; bởi lẽ, thực tập chính là bản lề, là cơ sở và bàn đạp đưa sinh viên đến gần hơn với cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.Vì thế, cứ đến đầu năm học hoặc cuối Giáng sinh, hàng trăm bạn sinh viên tại Anh lại náo nức tìm kiếm các cơ hội thực tập với mơ ước gây được sự chú ý với các nhà tuyển dụng bằng một bản CV ấn tượng về kinh nghiệm việc làm sau khi rời khỏi giảng đường đại học.

Những ví dụ về dạng câu hỏi đánh giá năng lực (competency questions): 

Think about a time, recently, when you had to challenge existing thinking and recommend a new way of doing things. This could be, at work, in education or in an outside activity or interest.

How did you collect and evaluate information on the issue? How did you generate alternative ideas, what were these? How did you decide which idea(s) to choose?

How did you present your idea(s) and win support for them from others? How did you implement your idea(s)? What was the result? Did you receive any feedback? What did you learn?

What would you do if:

You had completed a piece of quantitative research, the client had gone public based on the data and then you find a mistake in the data?

You were asked to write a positioning report paper on a subject that is unfamiliar to you – where would you start?

Những ví dụ về dạng câu hỏi tình huống (Scenario/situational questions):

What would you do if:

You had completed a piece of quantitative research, the client had gone public based on the data and then you find a mistake in the data?

You were asked to write a positioning report paper on a subject that is unfamiliar to you – where would you start?

Những website bổ ích về thông tin thực tập cho sinh viên

http://www.doctorjob.com/

http://www.internjobs.com/

http://www.aiesec.org/

http://www.employ-ability.org.uk/summer_Newsletter.html#Internships_Top_Tips

http://www.vault.com

Huyền Trang