itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / “Chàng nông dân” với giải nhất 130.000 euro

“Chàng nông dân” với giải nhất 130.000 euro

Giang Sơn trong thời gian làm việc tại thành phố Delft, Hà Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ít nói, chu đáo và mộc mạc như một nông dân, đó là Nguyễn Giang Sơn, nghiên cứu sinh tiến sĩ vừa giành được giải nhất VentureCup-MV 2009 của bang Mecklenburg - Vorpommern (MV), CHLB Đức, trị giá 130.000 euro.

Chọn công nghệ sinh học làm lối đi, chọn enzyme làm đề tài tiến sĩ, với “anh nông dân” này enzyme có nét đáng yêu, cần cù và mộc mạc như chính mình.

VN mình là nước nông nghiệp”

Làm việc trong lĩnh vực sinh học, bố của Sơn vẫn mong một ngày nào đó con trai theo nghiệp mình. Tuy nhiên, từ thuở bé đến khi học phổ thông Sơn chẳng mảy may “bật đèn xanh” mình sẽ là một nhà sinh học. Vào lớp 10, Sơn bất ngờ thi đậu chuyên sinh Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chính Sơn cũng bất ngờ khi đó là khóa chuyên sinh đầu tiên của Trường Năng khiếu. Càng bất ngờ hơn là không ít lần cậu học sinh ít nói này làm thầy cô ngạc nhiên với những vấn đề, câu hỏi đặt ra. Thì ra bấy lâu nay Sơn vẫn âm thầm “ngốn” kho sách của bố để tìm hiểu.

Lên đại học, Sơn chọn ngành công nghệ sinh học vì “VN mình vốn là nước nông nghiệp, công nghệ sinh học có thể giúp việc sản xuất nông nghiệp được tốt hơn, như sản xuất thuốc trừ sâu sinh học hay các loại phân bón sinh học chẳng hạn”. Con đường sinh học của Sơn càng mở rộng hơn khi Sơn giành được học bổng của Nhà nước theo chương trình 322 trong thời hạn ba năm ở Trường đại học Tổng hợp Greifswald, CHLB Đức.

Đề tài tiến sĩ của anh chàng mê sinh học này là enzyme. Tiến sĩ Robert Kourist, người hướng dẫn và cũng là đồng nghiệp của Sơn, đã phát hiện một số enzyme có khả năng dùng để tổng hợp alcohol bậc 3 để làm những thành phần cơ bản, từ đó tổng hợp thêm những hợp chất khác trong dược phẩm. Đề tài của Sơn mở rộng ra: làm sao áp dụng những enzyme này để tổng hợp những hợp chất mà mình nhắm đến sẽ có giá trị, tìm kiếm thêm những enzyme khác; tìm hiểu thêm về cơ chế của enzyme cũng như tìm cách thay đổi enzyme để gia tăng khả năng tổng hợp.

Khi bang Mecklenburg-Vorpommern phát động cuộc thi VentureCup-MV 2009 nhằm tìm kiếm những ý tưởng phát triển khoa học, Sơn cùng Robert và một kỹ thuật viên người Đức thành lập đội “Baltic Fine Chemicals” (BFC). “Bang Mecklenburg - Vorpommern nằm sát bờ biển Baltic. Còn “fine chemicals” có nghĩa là những hợp chất có giá trị trong tổng hợp hữu cơ hoặc trong thương mại”, Sơn giải thích về cái tên BFC của nhóm. BFC đã ẵm giải nhất ở hạng mục sau nghiên cứu.

Đích đến: về với quê nhà

Nếu ai hỏi Sơn về đam mê của mình, có lẽ “chàng nông dân” này sẽ trả lời ngay là mình có những ba đam mê: sách, sách và... sách. Đam mê này có từ lúc bé, khi sau giờ học là Sơn quanh quẩn bên mấy tủ truyện. Tiền quà mẹ cho Sơn để dành mua sách, đi làm có tiền cũng để dành mua sách. Ngay cả kỷ niệm đầu tiên với môn sinh học cũng gắn liền với một quyển sách. Đó là khi Sơn có dịp mua giảm giá cuốn Biology chỉ với 30.000 đồng. “Lần đầu tiên được nhìn thấy một quyển sách về sinh học với nhiều hình vẽ và tranh ảnh màu phải nói là rất ấn tượng. Cuốn sách đó đã theo Sơn cho đến cả khi lên đại học”, Sơn cho biết. Hễ có thời gian là Sơn cùng bố tẩn mẩn tỉ mỉ ngồi scan, số hóa các tài liệu mình có.

“Enzyme là một công cụ đa năng nhưng đòi hỏi người dùng phải biết cách sử dụng và khai thác để tận dụng khả năng của nó. Với Sơn, enzyme là một “công nhân” bậc cao trong cơ thể con người. Không có hoạt động trao đổi chất nào trong cơ thể mà không có sự góp mặt của “anh công nhân” cần cù này. Chưa kể là “anh ta” hoạt động không ngưng nghỉ và lúc nào cũng ở mức độ chính xác cao”, chàng nghiên cứu sinh tiến sĩ tuổi 27 vui vẻ cho biết. Vừa học, nghiên cứu vừa đầu tư cho dự án mà BFC giành giải nhất, Sơn tất bật mỗi ngày. Và xen giữa là những đợt tham dự hội thảo, khi ba tháng ở Hà Lan, khi một tuần ở Thụy Sĩ...

Gần hai năm xa quê nhà, Sơn rất thèm các món ăn quê mình. Lý do: khoản học bổng 740 euro mỗi tháng Sơn dành phần lớn cho sách, tài liệu nên hầu như ngày nào Sơn cũng ăn gà bởi giá rẻ. Chỉ những dịp nghỉ đông ở nhà bà con, dịp tết mới được thưởng thức bánh xèo, phở, chả giò...

Đã đi được 2/3 đoạn đường, Sơn chỉ còn hơn một năm học trước mắt để bảo vệ luận án tiến sĩ. Giờ thì công việc nhiều hơn nhưng với Sơn đó là hạnh phúc và may mắn vì làm nhiều hơn cũng có nghĩa Sơn sẽ học được nhiều hơn. Và niềm ao ước học xong trở về quê hương mở một phòng lab với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu vẫn đang ở đích đến của Sơn.

Theo Tuổi Trẻ