itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Những bông hoa trong gian khó

Những bông hoa trong gian khó

Thúy cùng mẹ bán nước trà đá

Sinh ra ở dốc Cù Vân, xã Đại Từ, Thái Nguyên, Dương Thị Khánh Ly là học sinh chăm chỉ làm lụng, học hành. Học hết lớp 9 tại trường huyện, Ly thi vào trường THPT chuyên Thái Nguyên và bắt đầu học chuyên môn Sử.

Thơm thảo những bông Hoa Trạng Nguyên

Niềm đam mê môn Sử của Ly cứ bồi đắp dần qua từng ngày lên lớp. Ly cho biết, môn Sử luôn có ý nghĩa với học sinh, tất cả các vấn đề của Lịch sử không chỉ đơn thuần là các sự kiện khô khan, chúng đều có quy luật, logic của riêng nó. Ly đã đạt được những thành tích đáng nể.

Năm lớp 10, Ly là học sinh giỏi toàn diện, đoạt giải 3 môn Sử toàn tỉnh. Năm học lớp 12, Ly tiếp tục đoạt giải nhì môn Sử toàn tỉnh và giải nhất trong kỳ thi quốc gia môn Lịch sử.

Lịch sử vẫn là đam mê của Ly, song ước mơ của cô trò nhỏ này trong tương lai sẽ trở thành luật sư giỏi, góp phần bảo vệ công bằng cho xã hội. Năm 2008, Ly vinh dự là người duy nhất của trường được lựa chọn để nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên.

Dương Thị Khánh Ly Lang Thị Trúc Quỳnh

Tại trường THPT Đào Duy Từ-TP Thanh Hóa, rất nhiều học sinh vẫn thấy cô học trò Lê Thị Thúy (học sinh trường Đào Duy Từ) thỉnh thoảng làm “bồi bàn” phụ giúp mẹ bán nước trà đá.

Chỉ đến khi kết quả kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm 2008 được công bố, nhiều người mới trầm trồ tinh thần vượt khó của Thúy. Họ tỏ ra băn khoăn cô gái thường xuyên phải giúp mẹ bán nước trà đá này đã học như thế nào để có giải 3 kỳ thi Văn toàn quốc?

Khi chính thức lọt vào đội tuyển dự thi quốc gia môn Văn lớp 12, Thúy là học sinh duy nhất không tham gia ôn luyện tập trung cùng bạn. Thúy cho biết, em phải học đồng đều tất cả các môn để dự thi đại học được tốt. Hơn thế nữa, nếu bỏ tất cả các môn khác để “học lệch” môn Văn, Thuý sẽ mất nhiều thời gian để học các môn còn lại.

Thuý có lẽ là người tự lựa chọn kiểu tham gia thi học sinh giỏi giống như học sinh ở nhiều nước khác đang thực hiện. Kiểu học này khiến Thuý phải tự vận động, tự học nhiều hơn.

Chính vì thế, giải thưởng cũng mang lại cho em nhiều niềm vui hơn. Trong hồ sơ dự giải thưởng Hoa Trạng Nguyên, Thúy viết: Em ước mơ sẽ trở thành nhà báo.

Từ Thanh Hoá xuôi vào Nghệ An, chúng tôi gặp cô học trò dân tộc Thái học giỏi có tên: Lang Thị Trúc Quỳnh. Theo đánh giá của các thầy ở Trường Dân tộc nội trú Nghệ An, Trúc Quỳnh là đại diện tiêu biểu học sinh dân tộc thiểu số ở xứ Nghệ.

Quỳnh sinh ra tại huyện Quỳ Châu, nơi cách xa TP Vinh hơn 250 km. Quỳnh học hết lớp 9 thì thi đỗ và học tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Quỳ Châu là huyện nghèo, học sinh là con em của người dân tộc thiểu số rất ít thời gian học tập, vì thế trong Quỳnh cũng có niềm tự hào riêng với những thành tích của riêng mình.

Trong 3 năm học, Quỳnh đều là học sinh giỏi của trường. Riêng năm học lớp 12, Quỳnh có điểm học tập trung bình 9,0. Cũng năm này, Quỳnh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Toán toàn tỉnh và đoạt giải khuyến khích.

Quỳnh cũng từng đạt huy chương bạc trong kỳ thi môn Toán tại Hội thi văn hoá thể thao các trường Dân tộc nội trú toàn quốc. Quỳnh vừa tham dự kỳ thi đại học vào Khoa Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Ước mơ trở thành kiểm toán viên giỏi của Quỳnh đang dần trở thành hiện thực, khi tự chấm điểm bài làm trong kỳ thi vào đại học, em tự thấy có thể được 25 điểm/3 môn.

Cổ vũ tinh thần học tập

Những học sinh giỏi mà chúng tôi gặp chỉ là số ít trong đại diện học sinh của 2.074 trường THPT và 139 trường ĐH trên cả nước sẽ nhận giải Hoa Trạng Nguyên. Tất cả những học sinh đoạt giải nhất kỳ thi quốc gia, thành viên đội tuyển các kỳ thi quốc tế của Việt Nam cũng sẽ là thành phần “cứng” được nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên.

Mỗi giải thưởng trị giá 1 triệu đồng và giấy khen. Ngoài ra 50 thủ khoa trong kỳ thi vào các trường ĐH năm 2008 có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được nhận học bổng trong 6 tháng đầu năm học mới.

Theo Ban tổ chức giải thưởng (Hiệp hội các trường ĐH Ngoài công lập, Tập đoàn Tân Tạo, Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn đồng bảo trợ tổ chức giải thưởng), danh sách thí sinh của hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã gửi về ban tổ chức.

GS-TS Trần Hồng Quân-Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cũng đánh giá đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặc biệt là với các em học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn...

Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên ra đời là sự tiếp nối một phong trào và các hoạt động góp sức cùng ngành giáo dục của các tổ chức và doanh nghiệp. Giải thưởng sẽ “kích hoạt” nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng sự quan tâm, đầu tư cho đào tạo con người.

Việc quyết định tổ chức giải thưởng Hoa Trạng Nguyên có đóng góp của cá nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến-Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, lãnh đạo nhiều cấp ngành ở T.Ư và các trường ĐH lớn.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến là doanh nhân thành đạt tại Mỹ. Bên cạnh việc tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo Việt Nam trong nhiều năm qua, việc bà quyết định đầu tư kinh phí cho giải thưởng thuộc lĩnh vực giáo dục “vận hành” bắt đầu từ năm 2008 cho thấy, tâm huyết của bà với thế hệ trẻ trong nước rất đáng trân trọng.

Bí Thư thứ nhất TW Đoàn Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, giải thưởng Hoa Trạng Nguyên rất có ý nghĩa trong việc động viên, hỗ trợ, thúc đẩy phong trào học tập và rèn luyện trong học sinh, sinh viên cả nước. Ban tổ chức giải thưởng đã lên kịch bản tổ chức lễ trao giải, tôn vinh các Hoa Trạng Nguyên như những ngày hội về giáo dục.

 

Lễ trao giải thưởng Hoa Trạng Nguyên ở phía Bắc sẽ diễn ra vào ngày 6 - 7/9/2008, tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại phía Nam sẽ diễn ra vào ngày 13-14/9, tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ở miền Trung diễn ra ngày 20-21/9/2008, tại ĐH Đà Nẵng.

Báo Tiền phong là đơn vị bảo trợ thông tin hằng năm cho giải thưởng Hoa Trạng Nguyên.

Quyền Thành