itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Nhiều bất cập, chưa đồng thuận

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Nhiều bất cập, chưa đồng thuận

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được xem là có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây băn khoăn cần nghiên cứu chỉnh sửa.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có nhiều đổi mới sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với một số quy định trong dự thảo và cho rằng, nếu không sửa sẽ chưa tạo ra môi trường kinh doanh tốt.

Thiếu quy định về hậu kiểm

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này nhằm tiếp tục tháo gỡ những rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng chú ý đến vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động của DN.
Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng: “Luật lần trước cũng như luật lần này vẫn nói DN được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng không nói rõ cấm cái gì và không cấm cái gì? Do đó, cái gì cấm và không cấm phải rành mạch, chứ nói cấm và không cấm, DN không biết để hoạt động”. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích: Ở đây, chúng ta giảm tiền kiểm nhưng hậu kiểm ngay trong luật không quy định rõ trách nhiệm cơ quan chủ quản của nhà nước tiếp tục theo dõi, như tình trạng thành lập DN “ma” để bán hóa đơn giá trị gia tăng.

Ở một góc độ khác, TS Trần Du Lịch đặt vấn đề: Dự án sửa đổi luật lần này có nhiều tư tưởng mở rộng tạo môi trường đầu tư cho DN. Tuy nhiên, trong thực tiễn kinh doanh hiện nay có những rào cản do quy định pháp luật đặt ra, nhưng cũng có rào cản do vấn đề thực thi. Tôi cho rằng, chúng ta sửa đổi luật ở mức độ nào đi nữa mà những con người thực thi chưa chịu “sửa đổi” tác phong làm việc và vẫn ngồi đó thì cũng không tạo được môi trường kinh doanh tốt. “Ngoài ra, hiện nay ở mỗi địa phương, người ta cứ đăng ký kinh doanh ở đâu miễn là có nhà có cửa. Trong khi ở Mỹ, muốn mở nhà hàng ăn, họ quy định rất rõ tôi không cấm anh, nhưng anh muốn mở nhà hàng ăn phải có bãi đậu xe. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến mặt này nữa, chứ không phải chỉ có mở không. Vì luật này không giải quyết thì luật nào giải quyết để giữ trật tự, vì môi trường tốt nhất là kinh doanh có trật tự” - TS Trần Du Lịch đề nghị.

Chưa bình đẳng, sòng phẳng

Bên cạnh những vấn đề trên, một trong những điểm được nhiều người quan tâm trong dự thảo luật, đó là loại hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Về vấn đề này, TS Trần Du Lịch phân tích: Đối với DNNN, sau khi Luật DNNN hết hiệu lực, toàn bộ khối kinh doanh của nhà nước mà hiện nay vốn chủ sở hữu chưa kể tài sản đất đai là 1.300.000 tỷ đồng không có luật nào chi phối, tất cả điều hành bằng nghị định, quyết định của Thủ tướng. Cần phải có quy định về DNNN nhưng không phải quy định trong luật này. Vì luật này là sân chơi chung giữa nhà nước với các nhà đầu tư, chứ không có một sân chơi riêng nào cả.

Còn nếu quy định DNNN tương ứng với DN tư nhân thì phải sòng phẳng, nhưng ở đây thiếu sòng phẳng. Vì ở đây, DN tư nhân thì trách nhiệm vô hạn, còn DNNN 100% vốn thì trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, hiện nay còn tình trạng chỗ nào nhà nước bỏ vốn vô được xem là DNNN. Đây là cách tiếp cận không đúng. Vì nhà nước sở hữu vốn điều lệ của công ty mẹ, chứ nhà nước không sở hữu tài sản của công ty mẹ, tài sản là của pháp nhân. Vì vậy, luật cần thay đổi cách tiếp cận. Do đó, không cần quy định một chương DNNN mà chỉ quy định phần quan hệ giữa DN với người chủ sở hữu, phải có phần chế định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng: Việc sửa Luật Doanh nghiệp nhằm mục đích tạo môi trường bình đẳng, luật chơi cho những tổ chức, cá nhân muốn tham gia luật chơi này. Như vậy, chúng ta không phân biệt trong nước, ngoài nước, tổ chức hay cá nhân và đặc biệt trong bối cảnh hội nhập thì Luật Doanh nghiệp phải đặt trong mối tương quan bối cảnh đó. Do đó, không nên có chương DNNN vào luật này. Vì khi chúng ta đặt ra luật chơi cho các tổ chức, cá nhân thì luật chơi phải bình đẳng giữa các thành phần.

TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đối với DNNN, chỉ có loại hình DNNN với vốn điều lệ 100% vốn nhà nước, còn 51% vốn cũng gọi DNNN thì đó là “cá lớn nuốt cá bé”. Nếu cứ quy định như thế thì Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không tạo ra sự đột phá theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Ngoài ra, trong chương DNNN còn bất bình đẳng ở chỗ vẫn cứ quy định lương do chủ sở hữu trả nhưng không nói lương của DNNN có trả theo quy luật của kinh tế thị trường hay không? Có trả theo lợi nhuận hay trả theo cái gì, không nên dẫn đến tình trạng bất hợp lý là nguồn thu của ngân sách nhà nước hàng năm chỉ có 792.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của DNNN không ai biết nằm ở đâu? Không ai biết với số tiền đó 1 năm làm ra bao nhiêu lợi nhuận?
Từ những vấn đề nêu trên, cơ quan soạn thảo cần xem xét nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn trước khi trình Quốc hội thảo luận, chính thức xem xét thông qua.

ĐÌNH LÝ/ SGGP