itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Xung quanh việc đặt dấu hỏi nghi vấn về một đại biểu Quốc hội vừa trúng cử

Xung quanh việc đặt dấu hỏi nghi vấn về một đại biểu Quốc hội vừa trúng cử

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu tại nghị trường trong kỳ họp Thứ nhất Quốc hội Khóa 13

Gần như cùng lúc, trên một số tờ báo đã có những bài viết đặt dấu hỏi về tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII của bà Đăng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo với những cáo buộc khá nặng nề khiến dư luận hết sức quan tâm. Phía Tập đoàn Tân Tạo đã chính thức nhờ Tiến sĩ – luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân tại Hà Nội làm người đại diện pháp lý để giải quyết những vấn đề mà bà Yến cho là mình đã bị vu cáo, bôi nhọ.

Để rộng đường dư luận, bắt đầu từ số báo này chuyên đề ANTG sẽ đăng tải những thông tin về vụ việc mà PV ANTG có được từ những cuộc làm việc với bà Hoàng Yến, luật sư và một số lãnh đạo các báo có đưa thông tin về vụ việc này.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu quốc hội, chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo: “Tôi bị cáo buộc vô căn cứ, cử tri bị xúc phạm trắng trợn”.

Thông tin trong các bài báo nói rằng tôi bị khởi tố ngày 2/3/1998 vì tội danh “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “chiếm đoạt bí mật Nhà nước”, sau đó bỏ trốn sang Mỹ và bị truy nã. Tôi không liên quan cũng chẳng biết gì về vụ án, lệnh khởi tố nào năm 1998 cả. Thời gian đó tôi vẫn sống và làm việc ở trong nước. Mãi đến năm 2002, tôi mới sang Mỹ, visa B1 – loại visa dành cho doanh nhân, đến năm 2007 quay lại Việt Nam. Làm gì có chuyện bỏ trốn. Thực tế là tôi chưa bao giờ bị khởi tố, chưa bao giờ ra tòa, chưa từng bị phán quyết. Tôi xin nhấn mạnh rằng: trước khi tòa tuyên án thì không ai bị xem là có tội. Kể cả bị khởi tố nhưng chưa ra tòa, chưa bị tòa phán quyết thì cũng không thể xem là có tội.

PV: Thưa bà, câu này bà phát biểu với tư cách công dân hay ĐBQH?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Cả hai chứ. Luật pháp bình đẳng với tất cả mọi người. ĐBQH hay công dân thì cũng thượng tôn luật pháp, sống và làm việc theo luật pháp, không có ngọai lệ.

PV : Thưa bà, bà có khai sai quê quán như một số báo đề cập không?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Tại sao tôi phải khai sai nhỉ? Ba tôi quê ở đâu thì tôi khai quê mình ở đó. Ba tôi khai quê ở Phú Nhuận, TPHCM, ông tập kết ra Bắc lấy mẹ tôi quê ở Hải Phòng. Tôi khai quê ở TPHCM là hoàn toàn chuẩn xác. Trả lời trên truyền hình, em trai tôi, (ĐBQH, doanh nhân Đặng Thành Tâm – PV) chỉ bảo là “chị em tôi đều sinh ra ở Hải Phòng” chứ có hề bảo là “quê ở Hải Phòng” như họ cố tình méo mó, khiên cưỡng đâu?

PV: Ông Jimmy Trần, chồng cũ của bà đang bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà có liên quan đến việc “làm ăn” của ông ấy không?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (trầm ngâm trước khi trả lời): Tất nhiên không thể nói là tôi không liên quan gì đến Jimmy Trần. Tôi và ông ấy kết hôn tại Mỹ ngày 17/8/2007. Công ty Vietnam Land mà ông ấy làm Tổng giám đốc là công ty do em họ tôi lập nên, tôi cũng có góp vốn vào đó. Ngày 9/7/2009, tôi đã gửi đơn ra tòa ly dị Jimmy Trần. Ngày 27/9/2010, Jimmy Trần bị khởi tố và bị truy nã. Quyết định truy nã ghi rõ: “Jimmy Trần đã có hành vi lợi dụng chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam nhận tiền đặt cọc hợp đồng của các đối tác, nhưng không nộp về công ty mà chiếm đoạt”. Việc anh ta lừa đảo, nạn nhân chính thiệt hại nhiều nhất cả về vật chất lẫn uy tín thương hiệu là Công ty Vietnam Land. Tôi đã phải bỏ ra 160 tỉ đồng để đền cho công ty của người em họ vì những thiệt hại mà Jimmy Trần gây ra. Tác giả của những bài báo không có thông tin nên viết sai sự thật, cứ cố tình cáo buộc tôi cùng Jimmy Trần lừa đảo một cách vô căn cứ.

PV: Các bài báo còn cáo buộc bà liên quan đến một đường dây rửa tiền, chuyển tiền trái phép?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (lại cười): Họ ấu trĩ và quá coi thường Cơ quan An ninh rồi. Nếu có chuyện đó chẳng lẽ Cơ quan An ninh lại không biết. Nếu vậy, liệu tôi có thể ngồi đây trả lời phỏng vấn hay không?

PV: Bà nghĩ sao về việc các bài báo đề cập đến chuyện “mua phiếu”?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến : Báo Người cao tuổi đã giật tít “Tri ân các cụ hay mua chuộc cử tri?”. Việc tổ chức lễ tri ân các anh hung, người có công đặc biệt với Cách mạng là do UBND tỉnh Long An tổ chức, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và tặng kỷ niệm chương cho các cụ. Tập đoàn Tân Tạo chúng tôi đóng trên địa bàn tỉnh nhận tài trợ cho chương trình nhiều ý nghĩa này cũng là lẽ thường tình. Suốt 17 năm qua, Tập đoàn Tân Tạo đã đóng góp từ thiện khoảng 200 tỉ đồng. Trong chương trình xóa nhà tạm tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 – 2010, Tân Tạo cũng góp 1.000/3.000 căn, trị giá 21 tỉ đồng. Lễ tri ân vừa qua, chúng tôi chỉ góp vào khoảng 1.300 phần quà. Vin vào phần góp sức quá nhỏ nhoi này để tạo nên dư luận hoài nghi rằng tôi và Tập đoàn Tân Tạo vung tiền mua chuộc cử tri thì họ đã vu cáo tôi vô căn cứ và xúc phạm cử tri quá nặng nề. Theo tôi, việc này cần được xử lý.

PV: Thưa bà, cá nhân bà có biết vì sao lại có một loạt những bài báo đề cập nhiều chuyện không hay và vô căn cứ - như bà nhận xét như vậy không?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Trước khi đăng bài đầu tiên, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh có gọi điện thông báo cho tôi biết trước, còn fax cả bài viết cho tôi đọc nữa. Tôi đã trả lời: “Tất cả đều sai sự thật. Nếu các anh có tài liệu về những điều khuất tất, sai phạm của tôi thì nên cung cấp cho Cơ quan điều tra. Tôi cũng sẽ làm như vậy”.

Họ nhắn lại tin vào máy của tôi trách là tại sao đã thông báo, gửi bài cho đọc trước mà lại “không có ý kiến gì cả?”. Thấy có biểu hiện không minh bạch, nói thẳng là có ý vòi vĩnh, tôi đã không trả lời. Họ lại “dọa” sẽ đăng them nhiều bài nữa. Phóng viên của báo còn gọi điện chê tôi: “Tân Tạo là “đại gia” mà ngọai giao”… kém thế. Biết điều một chút là êm thôi?”. Những chuyện này, luật sư của chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ cho Cơ quan điều tra, nếu cần.

PV: Nhưng thưa bà, liệu có phải là ngẫu nhiên, khi nội dung các bài báo đều có những chi tiết giống nhau?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (cười): Qúa giống nữa là đằng khác vì gần như họ đều photocopy một bài báo đã đăng từ tháng 6/2011, ký tên là Dân Việt trên tờ Đàn Chim Việt ở nước ngoài. Tờ Đàn Chim Việt như thế nào, mức độ đứng đắn đến đâu thì họ qúa biết rồi. Tuy đăng bài, nhưng nội dung các bài này đều chỉ lặp đi lặp lại. Cứ y như nhân bản vô tính, hay là tất cả đều cùng một tác giả vậy.

PV: Xin hỏi câu cuối cùng. Nếu chỉ dung một từ để nói về vụ việc, bà sẽ nói như thế nào?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Buồn và đáng tiếc. Đặt vấn đề tôi được ai đó rất to “chống lưng”, họ đã và đang đi quá trớn, bộc lộ tất cả những gì non nớt, ấu trĩ khiên cưỡng và nhắm mắt suy diễn. Báo Cựu chiến binh là tiếng nói của những người đã cống hiến hy sinh nhiều cho đất nước, báo Người cao tuổi cũng đại diện ngôn luận cho những bậc cây cao bóng cả. Nhưng các tờ báo đã bị một số cá nhân lợi dụng để nhằm mục đích riêng. Họ đang hủy hoại thanh danh các tờ báo. Họ cần những chuyện ầm ĩ để gây chú ý. Vì thế, tôi không cảm thấy cần phải trả lời họ hay kiện tụng làm gì?

Luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân: “Tôi không đe dọa cho bay ghế TBT báo Người cao tuổi”

PV: Ông nói rằng có thể khởi kiện các cơ quan báo chí mà bà Yến cho rằng đã thông tin sai sự thật về bà. Là người trợ giúp pháp lý cho Tân Tạo và cá nhân bà Yến, theo ông, đâu là căn cứ để khởi kiện?

TS-LS Trần Đình Triển: Với tư cách là LS, tôi tôn trọng quyền tự do báo chí, quyền tự do thông tin và trân trọng mọi nguồn thông tin. Tuy nhiên, nguồn thông tin đó phải đảm bảo được 3 điều kiện. Đó là phản ánh đúng sự thật khách quan, không đuợc bóp méo, xuyên tạc sự thật, phải theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phải đảm bảo lời ích tối thượng của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam.

Trong vụ việc của bà Yến, một số báo chí nước ngoài đăng theo thư nặc danh không kiểm chứng và đồng thời một số báo chí trong nước như Báo Cựu chiến binh, báo Người cao tuổi đã đăng lại thông tin đó. Căn cứ vào 3 điều kiện về thông tin như tôi nói ở trên thì việc này là không thể chấp nhận được. Về bản quyền cũng đã vi phạm. Còn về nội dung thì đây là nội dung xuyên tạc. Đơn thư nặc danh thì không có giá trị về mặt pháp lý và lại chưa được kiểm chứng nữa, thế mà vẫn đăng lên báo.

Căn cứ vào Luật Báo chí và Luật Dân sự, bà Yến và LS chúng tôi có quyền làm đơn kiện ra tòa. Chúng tôi sẽ làm theo 2 bước. Bước thứ nhất là kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bước thứ 2 là về việc bồi thường thiệt hại, bồi thường danh dự thì theo luật được khởi kiện ra tòa án giải quyết. Chúng tôi đang cân nhắc cả hai vấn đề đó.

Trong ngày hôm nay (17/8/2011) chúng tôi sẽ hoàn thiện các văn bản để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Còn việc khởi kiện ra tòa như thế nào thì nếu các bài báo đó tự nhận ra sai sót của mình, tự đính chính thì trên nguyên tắc hòa giải chấp nhận được thì thôi còn nếu không thì thuộc quyền của bà Yến và tập đoàn Tân Tạo.

PV: Thông tin về bà Hoàng Yến mà ông cho là sai sự thật còn được đăng tải trên trang BBC tiếng Việt. Nhưng đó là tờ báo nước ngoài, ông sẽ khởi kiện thế nào?

TS-LS Trần Đình Triển: BBC đưa “ bà Yến đã đắc cử ở Long An với gần 58% số phiếu” là sai vì bà Yến trúng cử ĐBQH với tỉ lệ đạt 62,36% số phiếu hợp lệ. BBC đưa bà Yến tự ứng cử nhưng sự thật thì bà Yến được đề cử của Ủy ban MTTQ. Bà Yến đã khai rõ trong bản khai hồ sơ lý lịch trước khi trúng cử ĐBQH về tài sản là căn nhà tại Mỹ và hiện tại vẫn đang sở hữu căn nhà đó, chưa bao giờ nghĩ là sẽ bán cả. Tuy nhiên, BBC lại đăng tải bà Hoàng Yến đã bán ngôi nhà trên với giá 5,4 triệu USD hồi đầu tháng 1/2007. Đây là thông tin sai, nguy hiểm vì nó sẽ làm người ta hiểu bà Yến khai man tài sản. Hơn nữa, bà Yến là Chủ tịch một tập đoàn lớn, thông tin bán nhà có thể làm cổ đông và khách hàng hiểu lầm là tẩu tán tài sản, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

BBC là tờ báo của Anh. Việc khởi kiện ra tòa án của Anh sẽ phức tạp và khó khăn do việc ăn ở đi lại để tiến hành thủ tục pháp lý sẽ tốn kém chi phí. Nhưng danh dự của con người là rất lớn. Cho nên tôi cho là nên làm để báo chí dù là báo chí nước ngòai khi đăng sai sự thật họ cũng phải đề phòng.

PV: Thông tin trên báo Người cao tuổi điện tử cho biết, trong cuộc làm việc với ông Kim Quốc Hoa – Tổng biên tập báo Người cao tuổi - vào chiều ngày 9/8/2011, ông đã đe dọa ông Hoa rằng: “Sẽ cho Kim Quốc Hoa mất chức Tổng biên tập, ngay ngày mai sẽ cho bay cái ghế Tổng biên tập”. Sự thật việc này là thế nào?

TS-LS Trần Đình Triển: Ngày 5/8/2011, tôi với tư cách là LS của bà Yến đã gọi điện cho ông Kim Quốc Hoa mục đích để trao đổi về những bài báo mà báo này đã đăng về bà Yến. Ông Hoa không nghe máy. Sau đó một lúc thì điện lại cho tôi. Tôi có nói một vài điều xung quanh các bài báo đó và đưa máy cho chị Yến trực tiếp nói chuyện với ông Hoa để giải thích, làm rõ một số thông tin trong bài báo mà chúng tôi cho là sai sự thật. Chỉ có thế thôi mà sau đó trên báo Người cao tuổi lại đăng bài bà Yến chủ động gọi điện cho ông Hoa. Ngày 9/8/2011, tôi cùng một số nhân viên của Văn phòng Luật sư Vì dân đến báo Người cao tuổi để làm việc với ông Kim Quốc Hoa cũng về nội dung các bài báo đăng bà Yến chủ động gọi điện cho ông Hoa là không đúng. Chỉ có một việc như thế thôi mà báo đã đăng sai rồi. Anh là Tổng biên tập mà anh lại đăng sai sự thật thế là không được. Tôi còn nói với ông Hoa rằng anh phải làm tròn trách nhiệm của một tổng biên tập và đặc biệt là Tổng biên tập của tờ báo nói tiếng nói của những “cây cao bóng cả”. Tôi chỉ nói thế thôi, có đe dọa cho bay ghế, bay chức gì đâu.

Tôi là người xứ Nghệ, ăn to nói lớn. Nói với vợ cũng to như vậy thôi. Chứ chả có thái độ gì trong khi làm việc đâu. Tôi nghĩ, đó có thể cũng là nhược điểm của tôi.

PV: Còn thông tin cho rằng Tập đoàn Tân Tạo đã bẫy PV báo Tiền phong trong vụ ông Phan Hà Bình bị bắt quả tang khi nhận hối lộ tiền của một doanh nghiệp tại TPHCM thì sao?

TS-LS Trần Đình Triển: Thông tin này là hoàn toàn vu khống. Vụ việc nhà báo Phan Hà Bình (nguyên phó tổng thư ký báo Tiền phong) bị khởi tố, bắt giam về hành vi cưỡng đoạt tài sản 220 triệu đồng của một người ở Công ty cổ phần Sài Gòn – Tân Kỳ. Công ty này không phải là thành viên và không có liên quan đến việc Tập đoàn Tân Tạo và sự việc đều được các báo đăng tải: PV Hà Phan bị bắt quả tang với đầy đủ tiền mặt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo Báo An ninh thế giới (Thứ Bảy 20/8/2011)