itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / 2050 sẽ phải nhập 4 triệu cô dâu!

2050 sẽ phải nhập 4 triệu cô dâu!

Tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay là 112,3 bé trai/100 bé gái. Tại sao không có chính sách ưu tiên cho việc sinh con gái?

“Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Đây là chủ đề của tháng Hành động quốc gia về dân số (tháng 12) và ngày Dân số Việt Nam (21-12).

Tâm lý ưa chuộng con trai

Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội về sự ưa thích con trai ở Việt Nam cho thấy phần đông nam giới đều ưa thích con trai và bắt buộc phải có ít nhất một cậu con trai. Nghiên cứu chỉ ra rằng có gần 70% nam giới được hỏi khẳng định tầm quan trọng của việc có con trai chính là để nối dõi tông đường và chăm sóc cha mẹ khi về già.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho biết ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. “Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, trong đó việc nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng. Những điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành một phần của nền văn hóa truyền thống Việt Nam” - ông Nhạc nhấn mạnh.

Ông Nhạc cho biết thêm hiện tại chính sách ưu tiên với nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng. Bên cạnh đó do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình ở một số vùng kinh tế-xã hội, nhiều công việc đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai, đặc biệt ở những vùng ven biển cũng góp phần gây nên sự mất cân bằng giới tính.

Theo Tổng cục Dân số, ngày càng có nhiều phụ nữ lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước khi sinh. Năm 2011, có gần 77% phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi bằng các phương pháp siêu âm hoặc công cụ chẩn đoán giới tính hiện đại.

“Mặc dù pháp luật nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, người làm dịch vụ dễ dàng lách luật như việc dùng từ “lóng” giống mẹ hay giống bố để thông báo về giới tính của thai nhi. Nếu thai nhi là trai thì họ để, nếu thai nhi là gái thì họ bỏ đi” - ông Nhạc nói.

Nữ sẽ thất thế nghiêm trọng

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn, một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng hôn nhân. Trong tương lai, nếu Việt Nam không giải quyết được tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh thì sẽ phải “nhập khẩu” 2,3-4,3 triệu cô dâu.

Hậu quả của việc không đẻ được con trai dẫn tới nhiều người chồng có lý do ly dị vợ hoặc có con ở bên ngoài, một số cặp vợ chồng chọn cách phá thai nếu là con gái. Bên cạnh đó, gia tăng quy mô các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Từ đó dẫn tới phụ nữ sẽ càng bị đối xử bất bình đẳng, bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, tạo nên áp lực rất lớn về việc sinh con trai. Những hệ lụy đó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các gia đình, mà lớn hơn là gây những hậu quả về bất ổn kinh tế, chính trị.

Ưu tiên cho gia đình chỉ sinh con gái?

Mục tiêu đặt ra của Việt Nam là khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh ở dưới mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015. Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, kèm theo đó là những giải pháp quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ.

Ông Trọng nói việc thay đổi quan niệm thích sinh con trai không phải trong một sớm một chiều, đây là yếu tố trọng tâm nhất nhưng hiệu quả cũng đến chậm nhất. Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung các giải pháp như tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, tăng cường truyền thông giáo dục vận động thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ, chuyển đổi hành vi về giữ cân bằng giới tính khi sinh. “Bên cạnh đó, nên chăng chúng ta đưa ra giải pháp tình thế là ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ, đặc biệt hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội” - ông Trọng nhấn mạnh.

Tiêu điểm

Dưới 113/100

là tỉ số giới tính bé trai/bé gái khi sinh mà Việt Nam phấn đấu đạt được vào năm 2015. Ông Dương Quốc Trọng cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của ngành dân số. Ông Trọng dẫn chứng giai đoạn 2006-2008, tỉ số giới tính khi sinh là 1,15 điểm phần trăm/năm; giai đoạn 2009 đến nay giảm còn 0,6 điểm phần trăm/năm. Do vậy, chúng ta chưa thể hạ tỉ suất giới tính khi sinh xuống ngay được mà chỉ khống chế tốc độ gia tăng và giảm dần dần qua từng năm. Năm 2013 kỳ vọng tỉ số giới tính khi sinh dưới 0,4 điểm phần trăm/năm.

HUY HÀ