itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Bạn Mỹ với Sơn Mỹ

Kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968-2008): Bạn Mỹ với Sơn Mỹ

Kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bình thường hoá, rất nhiều người Mỹ, chủ yếu là các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, đã đặt chân đến Sơn Mỹ (Quảng Ngãi).

Trong số ấy, có người đến để thoả mãn sự tò mò, có người mang đến những giọt nước mắt thương cảm, lại có người đến để chia sẻ nỗi đau hay gánh bớt một chút cực nhọc cho người dân Sơn Mỹ.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968-2008), tôi xin được nhắc đến họ như nhắc đến những người bạn tử tế, dù có thời họ từng đứng ở "phía bên kia" của chúng ta.

Ân nhân của làng

Cách đây hai năm, tin ông H.Thompson qua đời vì căn bệnh ung thư đã khiến cho những người đàn bà ở Sơn Mỹ từng được ông cùng những cộng sự cứu thoát khỏi cuộc tắm máu của quân đội Mỹ ngày 16.3.1968 rơi nước mắt. Còn nhớ, mười năm trước, năm 1998, hai viên phi công H.Thompson và L.Coburn đã trở lại Sơn Mỹ nhân kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, theo "đơn đặt hàng" của Hãng Truyền hình CBS (Mỹ). Đó là cuộc hạnh ngộ trong mơ giữa những người đàn bà sống sót qua vụ thảm sát với "hai ông Mỹ tốt bụng".

Thompson nhớ lại chuyện từ 30 năm trước đó: "Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy (16.3.1968), chiếc trực thăng của chúng tôi bay qua bầu trời Sơn Mỹ - một cuộc tuần tra thông thường thời đó - thì thấy một tốp lính Mỹ, tay lăm lăm súng, chĩa thẳng vào những người đàn bà đang tập trung trước cánh đồng lúa. Tôi cho máy bay đảo lại thì thấy một tốp lính Mỹ khác ở xóm bên cạnh đang xả súng vào đám đông, chỉ toàn phụ nữ và trẻ em.

Trao đổi chớp nhoáng với các đồng sự trên máy may, chúng tôi quyết định cho hạ cánh và tiến thẳng về phía những tay súng chuẩn bị hành quyết những người phụ nữ. Cả mười người đàn bà và một bé trai đã được đưa lên máy bay, chở thẳng đến Bệnh viện Quảng Ngãi". Nếu không có nghĩa cử ấy, danh sách đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại ngày ấy không phải là 504 người.

Sau nhiều năm kiên trì đấu tranh để đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra ánh sáng, mãi đến năm 1998, H.Thompson và L.Coburn mới được Chính phủ Mỹ công nhận là "những quân nhân dũng cảm" và được trao huân chương.

Sự "công nhận" dù muộn màng, song nó đã chứng minh một điều rằng, tất cả sự thật, trước sau gì rồi chúng cũng được trả về đúng vị trí của nó. Việc những viên phi công người Mỹ đã ngăn cản chính đồng đội của mình ngừng ngay cuộc tàn sát đồng bào vô tội ngày ấy cũng gửi thêm một thông điệp nữa đến người dân Sơn Mỹ: Không phải lính Mỹ nào đến Việt Nam cũng đều khát máu như chúng ta vẫn nghĩ về họ lâu nay.

Mike đi kiểm tra tình hình thực hiện đồng vốn của mình.

Ông H.Thompson đã nói một câu thấm thía được đúc kết từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông là người trong cuộc: "Không phải tôi cùng các cộng sự của mình làm việc đó (cứu thoát những người phụ nữ) là để được thưởng huân chương đâu, mà chúng tôi muốn chứng minh rằng, trong vô vàn nhơ nhớp của tội ác vẫn còn có ánh sáng của lương tri để điều thiện được nảy mầm".

Trong ngày kỷ niệm 40 năm thảm sát Sơn Mỹ năm nay (16.3.2008), làng quê này vắng một người bạn Mỹ, đó là H.Thompson. Những người đàn bà Sơn Mỹ được cứu thoát ngày ấy lại đốt thêm một tuần nhang tưởng vọng.

Hâm nóng chuyện cũ

Tháng 9.2007, ông Oliver Stone - đạo diễn lừng danh người Mỹ đã bất ngờ xuất hiện tại Sơn Mỹ khiến tất cả những nhân viên của Nhà chứng tích Sơn Mỹ đều hết sức ngỡ ngàng, vì ông đạo diễn nổi tiếng ấy đã đến Sơn Mỹ bằng cách của ông: Không thông qua bất kỳ con đường ngoại giao nào của tỉnh Quảng Ngãi! Đây là điều chưa có trong tiền lệ đối với khách tham quan là người Mỹ khi đến khu chứng tích này.

Chút ngỡ ngàng ấy qua nhanh khi Oliver Stone trao đổi với anh Phạm Thành Công - Giám đốc nhà chứng tích về mục đích của chuyến đi "kỳ lạ" ấy: "Tôi đến đây để hâm nóng lại chuyện cũ!".

Trừ bộ phim tài liệu của Hãng Truyền hình CBS phát sóng 60 phút về chuyến trở lại của hai viên phi công Mỹ H.Thompson và L.Coburn năm 1998 thì cho đến nay, sau 40 năm xảy ra vụ thảm sát, chưa có một bộ phim truyện nào do người Mỹ thực hiện mà đề cập đến vụ thảm sát này.

O.Stone đã từng đoạt nhiều giải Oscar danh giá cho những bộ phim, cũng nói về chiến tranh Việt Nam, song như thế với ông vẫn là chưa đủ. Ông có cảm giác như mình vẫn còn mắc nợ Việt Nam một bộ phim nữa, cũng nói về cuộc chiến tranh mà ông đã từng tham gia. Đó là phim Pinkville (Làng Hồng), nói về vụ thảm sát Mỹ Lai 40 năm trước.

Nếu chỉ đến đây để làm phim về Sơn Mỹ thì ông Oliver Stone chỉ có thể là một người bạn bình thường đối với Sơn Mỹ chứ không thể nói là người bạn tốt. Nhưng ông ấy đã nghiễm nhiên trở thành bạn tốt của Sơn Mỹ dù đây là lần đầu tiên ông đặt chân đến mảnh đất này.

Ông tốt không chỉ vì sự hào phóng móc tiền "rẹt rẹt" ra phân phát cho những người đàn bà đi cắt cỏ trong khu chứng tích khi nghe họ nói rằng chính họ là những nhân chứng sống sót, mà còn tốt vì một lẽ khác.

"Tôi sẽ "nhìn" Sơn Mỹ theo cách của tôi, dĩ nhiên mọi sự bóp méo đều phải được loại bỏ. Không phải người Mỹ nào cũng biết và hiểu đúng về vụ Sơn Mỹ. Tôi muốn họ hiểu đúng bản chất của sự việc".

Dân Sơn Mỹ cũng chỉ cần người Mỹ và tất cả những ai có lương tri trên thế giới hiểu đúng bản chất của sự việc. Đó là vụ tàn sát những người dân vô tội chứ không phải là "V.C" hay "thân V.C" như một số người Mỹ đã hiểu. Ông O.Stone đã "thuộc" Sơn Mỹ như chính nơi ông sinh ra qua 20 năm nghiền ngẫm những tài liệu viết về vùng đất này.

H.Thompson với trẻ em Sơn Mỹ trong lần trở lại
nhân kỷ niệm 30 năm thảm sát Sơn Mỹ 1998.

Mới đây, bà Phùng Lệ Lý - trợ lý cho phim Pinkville nói rằng phim tạm dừng vì những bất đồng giữa O.Stone và diễn viên chính Bruce Willis. Theo bà Lệ Lý, ông O.Stone muốn cuối phim này có cảnh các nhà sư tụng kinh gõ mõ để cho những vong hồn ở Sơn Mỹ được siêu thoát. Còn Bruce Willis thì chỉ quen với cảnh đấm đá và chém giết nên anh ta không đồng ý với đạo diễn! Muốn cho những vong linh ấy được siêu thoát là nói thay cho một lời xin lỗi rồi! Dám nhìn thẳng vào sự thật, chỉ có thể là một người tốt. Rất tiếc là bộ phim đã không kịp ra mắt trong ngày lễ này.

Công viên Hoà Bình, công việc "hậu chiến"

Một người bạn khác nữa của Sơn Mỹ là Roy Mike Boehm - người không vắng buổi lễ tưởng niệm nào kể từ khi ông đặt chân trở lại VN năm 1992 đến nay. Trong lễ tưởng niệm hàng năm, Mike kéo vĩ cầm với bản nhạc mà bất cứ người phụ nữ Mỹ nào cũng thấm thía: "Ashocan farewell" (Vĩnh biệt Ashocan), kể về nỗi "vọng phu" của người phụ nữ Mỹ sau khi tiễn chồng ra trận trong cuộc nội chiến từ hơn 200 năm trước.

Năm 1998, Mike cùng với hai viên phi công Mỹ kể trên đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng công viên Hoà Bình tại Sơn Mỹ. Công viên hiện vẫn chưa hoàn chỉnh vì còn phụ thuộc vào các nhà tài trợ, nhưng nó đã kịp gửi đến hai dân tộc một bức thông điệp về hoà bình và hợp tác.

Nhưng có lẽ, những người phụ nữ ở Sơn Mỹ cũng như nhiều làng quê khác của Quảng Ngãi từng đi qua chiến tranh, đang phải gồng mình vượt khó nghèo thời hậu chiến đều ghi vào lòng mình sự biết ơn về những việc làm của Mike đã giúp họ suốt mười năm qua.

Thông qua Tổ chức Madison Quakers, Mike đã trao cho hàng trăm phụ nữ Quảng Ngãi những "chiếc cần câu" đầy hiệu quả bằng nhiều hình thức như vay vốn để chăn nuôi, sắm ngư lưới cụ để đánh bắt hải sản.

Chưa thấy một người Mỹ nào chịu khó như Mike. Hầu như ông có mặt thường xuyên ở Quảng Ngãi, về tận các làng quê để kiểm tra hiệu quả của từng đồng vốn, kịp điều chỉnh cách thức cho vay cũng như số lượng vốn vay nếu hình thức cũ đã lạc hậu. Ông gắn bó với chị em nghèo ở Quảng Ngãi đến mức mà Hội Phụ nữ Quảng Ngãi "kết nạp" ông thành "hội viên danh dự" của hội từ 5 năm qua!

Sẽ là thiếu sót nếu nói về những người bạn Mỹ với Sơn Mỹ mà chỉ nêu được có từng ấy người. Tôi biết, có rất nhiều nghĩa cử từ nước Mỹ xa xôi đã và sẽ dành cho người dân Sơn Mỹ. Họ lặng lẽ làm việc nghĩa, khác với sự ồn ào khi chuyển súng xuống tàu sang VN từ hơn 35 năm trước.

Trần Đăng / Laodong