itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Bông sậy mùa lũ

Bông sậy mùa lũ

Cánh đồng sậy vào mùa trổ bông (Ảnh: Google)

Rất dân dã, không cầu kỳ, chỉ cần có nước hay đất hơi sền sệt là cây sậy ở miệt Nam bộ cứ mọc lên nếu có đủ điều kiện. Chúng phát triển thành đám ở nơi bưng biền; cặp mé lộ, mé sông, mé mương hay ở những vùng trũng trên những cánh đồng bưng ngập nước.

Chúng nhảy con mọc rất nhanh và mọc khắp nơi. Còn nếu trồng, chỉ cần đốn cây sậy già, chặt khúc ra, cắm xuống đất là rể ở các mắt của lóng sậy sẽ ra, bám đất và ngay mắt của lóng sậy phía trên sẽ phát triển thành ngọn cây sậy mới sau này.

Nói đến cây sậy ở miền Tây tưởng chừng như vô nghĩa bởi vì phần lớn chúng mọc hoang, chiếm đất, làm cảnh quang um tùm. Nhưng sâu xa, cây sậy vẫn có ích cho đời. Cứ mùa lũ đến, ai có dịp trở về vùng bán đảo từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu, Cà Mau rồi quay qua Kiên Giang, đâu đâu cũng thấy bông sậy. Cây sậy luôn trổ bông đúng vào mùa nước nổi ở những vùng rốn lũ hàng năm.

Không biết người dân thành thị thế nào, chứ người dân gốc thôn quê như tôi khi nhìn thấy cây sậy trổ bông là thích lắm, nó gợi nhớ hình ảnh miền quê trong ký ức tôi ngày nào. Lúc ấy, khi mùa nước lên, đám chúng tôi đi chăn trâu, cho trâu ăn theo các bưng biền vì cỏ lông mọc nhiều lắm. Xen lẫn vào đó là những cây sậy già đang trổ bông mùa nước. Vừa ngồi trên lưng trâu để xem chúng quần thảo đám cỏ quanh biền, chúng tôi vừa để mắt nhìn mấy con chim sắc, chim cú lý, chim sâu, chim se sẻ bay vào đám sậy tha bông về làm tổ. Thế là chúng tôi có dịp đi hốt tổ chim hay đi đốn sậy để cho ba làm cây đài giăng lưới mùa nước, bện đăng, làm câu thả cá lóc...

Nói đến bông sậy mới nhớ đến An Giang và nếu ai có chuyến thăm làng bó chổi bông sậy ở Cồn Nhỏ của huyện Phú Tân, mới biết làng nghề này phát triển rất xôm tụ và hầu như nơi đây bó chổi nhiều nhất miền Tây. Hiện thời bông sậy cũng có giá lắm, không phải là thứ vứt đi như người ta nghĩ. Chị Phạm Thị Bích Tuyền 29 tuổi (ấp Phú Thành, Phú Bình, Phú Tân, An Giang), đang ngồi bó chổi trong nhà; người chồng ngồi vót những khúc trúc, phát ra âm thanh kêu nghe rét... rét... để làm cán chổi. Mặc dù mới ngần ấy tuổi mà chị đã có thâm niên 10 năm bó chổi bông sậy và là nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng chị hiện nay.

Chị Tuyền cho biết trước đây gia đình chị nghèo lắm do không ruộng, không vườn, các thành viên trong gia đình phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Những năm 1990, nghề bó chổi bông sậy ở đây dần hồi phục và vợ chồng chị theo nghề này cho đến bây giờ. Chỉ qua hơn 10 năm theo nghề mà gia đình chị đã thoát nghèo, anh chị đang dành dụm một số tiền để cất nhà tường mới! Theo chị Tuyền, trúc nguyên liệu thì chị mua ở Kinh Xáng Cây Dương, Châu Phú, An Giang (mua trúc cắt khúc ra sẵn, một khúc dài 3m, 1.000đ-1.200đ). Nguyên liệu bó chổi chính là bông cỏ - bông sặc và bông sậy.

Chị tính toán: Nếu vừa làm ruộng vừa bó chổi vào mùa nước nổi (từ tháng bảy đến tháng chạp hằng năm), trung bình bốn lao động/hộ, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm là chắc ăn! Còn hộ nào có bốn lao động chuyên làm chổi thì bình quân một tháng bó được 1.500 cây chổi, trừ tiền đầu tư nguyên liệu, lãi khoảng 5 triệu đồng! Địa phương này cho biết hiện thời làng nghề có 200 hộ bó chổi; phần lớn trước đây họ đều nghèo khó! Nhưng khoảng 10 năm nay, những hộ bám nghề đã thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Minh Phương, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Thanh Hậu, ông Dương Văn Năm, ông Dương Văn Bảy... đều khá giả nhờ nghề bó chổi bông sậy ở Cồn Nhỏ này!

Chú Nguyễn Thành Khứ (Phú Thành, Phú Bình, Phú Tân), một trong những người bó chổi cố cựu làng nghề, nhớ lại: Nghề bó chổi bông sậy ở Cồn Nhỏ đã có từ trước năm 1975, nhưng lúc đó, làng nghề có ít hộ làm. Từ những năm 1980 trở về trước, hàng năm vào tháng bảy, tháng tám âm lịch - mùa nước nổi, người bó chổi ở địa phương tự chèo ghe - xuồng đi khắp vùng An Giang; Đồng Tháp hay qua miệt Thứ, Kiên Giang cả tuần lễ, 10 ngày để cắt bông sậy về làm nguyên liệu bó chổi.

Sản phẩm làm ra lúc đó chỉ bán quanh quẩn trong vùng với số lượng không nhiều. Đến năm 2000 thì người làng nghề không thể đi cắt bông sậy nữa vì mất thời gian và bông sậy cũng ít dần đi. Hơn nữa, người dân miệt Thứ hay ở xứ khác thấy bông sậy có giá nên tại địa phương của họ đã khai thác bông sậy để bán cho thương lái chở đến cung cấp cho làng nghề. Từ đó, người làng nghề khỏi phải đi mua nguyên liệu, bỏ vốn ra mua nguyên liệu dự trữ và... sản xuất chổi bông sậy tại chỗ và bán chổi bông sậy ra thị trường khắp nơi.

Đối với tôi, bông sậy cũng đẹp lạ lùng, chúng có màu nâu nâu, luốt luốt, mang đậm chất màu miền quê. Cầm nắm bông sậy mà dịu dịu mát cả tay. Hễ tới mùa bông sậy là chúng tôi đi hái về để làm bông cờ chơi đánh giặc giả với mấy đứa bạn cùng xóm. Nếu có nhiều sậy, chúng tôi mang về để mẹ làm chổi quét nhà; làm cái diều để lùa vịt trên đồng nước mênh mông. Một hình tượng kỷ niệm sâu sắc, khắc ghi một thời thơ ấu. Còn hiện thời, bông sậy ở miền Tây vẫn còn mọc nhiều. Đặc biệt, bông sậy không phải bỏ như trước đây nữa mà là để bán cho các làng nghề bó chổi trong vùng và làng bó chổi Cồn Nhỏ là một minh chứng điển hình. Một số chủ đất có cây sậy mọc, kiếm cũng bộn tiền từ bông sậy trong bốn tháng mùa nước nổi hàng năm.

THÀNH ĐƯỢC (Cần Thơ)