itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Chữ “Tín” với người cầm bút

Chữ “Tín” với người cầm bút

Chữ "Tín" với người cầm bút

Chữ “Tín” thường được dùng trong kinh doanh nhưng với người cầm bút - nhất là với nhà báo, chữ “Tín” đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lẽ ra phải kể những câu chuyện vui, những câu chuyện cảm động về những nhà báo đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến nơi địa đầu Tổ quốc hay ngoài hải đảo xa xôi để có những trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống đến tay bạn đọc. Họ đã xây dựng “thương hiệu” của mình nhờ đức tính quý báu ấy. Nhưng cũng có không ít nhà báo đã làm cho hình ảnh của mình trở nên xấu đi trong mắt độc giả. Và tôi nhận ra điều đó trong những lần đi tác nghiệp.

Ở nhiều miền quê nước ta, hễ thấy có người lạ vai khoác ba lô, tay mang máy ảnh, thấy cái gì “hay hay” liền giơ máy lên bấm nhoay nhoáy là bao nhiêu người trố mắt nhìn, tay chỉ miệng nói: “nhà báo đấy!”. Người nghe câu này hẳn lấy làm tự hào… Nhưng đấy là chuyện của mấy năm về trước. Còn bây giờ, việc tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn hơn cũng là điều dễ hiểu. Một trong những lý do quan trọng mà dường như chính người cầm bút không để ý, đó là việc giữ chữ “Tín” với nhân vật mà họ trực tiếp gặp gỡ viết bài.

Một lần tôi cùng một người bạn đến Hà Tây viết bài về một phụ nữ tật nguyền vượt lên số phận. Theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến tận nhà của chị. Những tưởng, có “nhà báo” đến tìm hiểu viết bài thì chị sẽ vui và háo hức đón chúng tôi, nhưng chị chối đây đẩy và ngỏ ý không muốn tiếp. Sau một hồi trò chuyện thân tình, cuối cùng chị cũng đồng ý kể chuyện để chúng tôi viết bài nhưng vẫn tỏ ý cảnh giác. Chị bộc bạch rằng, trước đây, khi là vận động viên Paragame có chút danh tiếng, cũng có nhiều nhà báo tìm đến chị để viết bài. Có người đem theo máy ghi âm và máy ảnh nhưng cũng có người viết tay. Sau buổi nói chuyện, trao đổi thông tin, một số phóng viên muốn mượn chị một vài tấm hình để minh họa cho bài viết, chị đồng ý cho mượn và dặn: “sau khi xong bài em nhớ trả lại hình cho chị nhé”. Có người còn cười trả lời: “dạ, đương nhiên, viết bài về chị xong em còn phải mang báo qua biếu chị chứ ạ”. Nhưng càng chờ cái “mang báo qua biếu” càng chẳng thấy đâu. Thế là hình cũng không lấy lại được. Tư liệu của chị cứ mất dần… “Nhà báo mà nói không giữ lời gì cả, chỉ biết được việc của mình thôi”. Rồi chị nói thêm: “Mà đâu chỉ những báo nhỏ, cả những anh chị giới thiệu là đến từ các báo đài lớn cũng thế. Lúc đầu tôi cứ nghĩ là báo “lớn” thì chắc phải giữ chữ “Tín” nên có bao nhiêu ảnh đẹp đi thi đấu ở nước ngoài đều mang ra cho mượn, ai dè…. Giờ thì chả tin ai hết!”.

Tôi có một cô bạn làm tự do nhưng hay viết bài cộng tác cho mấy tờ báo liên quan đến quân đội. Bạn tôi vui mừng khi thấy tờ báo mình cộng tác tạo được uy tín với cả những người trong và ngoài nghề. Một lần, cô đi viết bài về một cán bộ lão thành cách mạng có nhiều công lớn trong hai cuộc kháng chiến. Nghe tiếng chó sủa ngoài cổng, ông tươi tỉnh bế đứa cháu chầm chậm đi ra. Nhưng chưa nghe giới thiệu hết câu, ông đã lắc đầu quay vào mà không nói một lời. Ông không muốn gặp nhà báo bởi chiến công chả có gì đáng kể, “nhiều người còn cống hiến nhiều hơn tôi ấy chứ”. Nhưng cô bạn tôi là đứa kiên trì. Nó đến nhà ông liên tục ba tuần liền. Cuối cùng ông cũng đồng ý tiếp chuyện nó.

Trò chuyện vui vẻ, cụ mới bảo rằng: “Trước đây có hai cô phóng viên rất trẻ, giới thiệu là làm việc ở một tờ báo lớn của Trung ương. Nhân dịp 30/4 muốn viết bài về ông. Sau khi kể đầu đuôi câu chuyện, ông bảo “các cháu chưa từng chứng kiến cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt thế nào nên nhiều cái sợ các cháu diễn đạt không đúng. Khi nào viết xong chịu khó qua đây đọc cho ông nghe, để xem chỗ nào chưa được thì ông sửa cho”. Hai cô bé hứa chắc chắn sẽ quay lại. “Vâng vâng, dạ dạ” rồi chả thấy tăm hơi đâu. Ban đầu ông cứ nghĩ, chắc viết không quen đề tài này nên chúng nó bỏ giữa chừng. Bỗng một hôm, đang ngồi chơi với cháu ngoại thì ông bạn hàng xóm sang chơi, mang cho ông tờ báo. Ông bạn bảo “chả hiểu nó viết cái gì”. “Tôi đọc thấy đúng là không biết nó viết cái gì thật, nhiều chi tiết sai be bét, đọc lên cứ ngượng hết cả mặt, xấu hổ đến mấy tuần không dám đi đâu”, ông tâm sự. Ông rất buồn vì có nhiều chỗ trong bài viết không đúng với sự thật cuộc đời hoạt động của ông. Một số bạn bè, đồng đội đọc được bài báo lại cho rằng ông “thêm thắt, kể công” vì thích được danh tiếng. Ông phải giải thích mãi một số người mới hiểu…

Và câu chuyện nữa là khi tôi đến phỏng vấn một nhà giáo đã từng gắn bó với cuộc đời hoạt động của Bác khi Người đang ở Trung Quốc. Lúc đầu, nghe tôi nói muốn viết về bà, nhưng muốn nghe kể một chút về cuộc đời hoạt động của Bác khi còn ở Trùng Khánh, bà nhất định không chịu. Bà bảo “đấy là thuộc về gia đình, là riêng tư” và nhất định không kể. Theo bà tiết lộ, có nhiều người cũng đến viết bài nhưng đến theo kiểu “muốn được nghe chuyện về Bác cho thỏa chí chứ không có ý định viết”, thế rồi về lại viết. Đấy là chưa kể nhiều người còn ý tứ hỏi bà: “sao có nhiều đóng góp như vậy mà cuối đời cũng không có danh phận gì?”, bà tránh câu trả lời trực tiếp bằng cách kể dăm ba câu chuyện ảnh hưởng đến cuộc đời mình, rồi bảo đấy là “chuyện ngoài thôi, đừng cho vào bài, người ta không biết lại tưởng bà nói họ”. Bà đã dặn đi dặn lại rằng “có những chi tiết chỉ là tâm sự thôi, đừng đưa vào bài viết để tránh hiểu lầm”, vậy mà người ta cứ đưa vào.

Câu chuyện cuối cùng tôi muốn kể với mọi người là câu chuyện về em sinh viên khiếm thị của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Một phóng viên ở TP sau khi gặp và trò chuyện đã thêm khá nhiều chi tiết không đúng với cuộc đời của em. Ví như bảo em cố gắng ra Hà Nội học cũng bởi mong gần người yêu đang học ở trường Luật. Em bảo rằng điều đó hoàn toàn không đúng và em “chưa bao giờ đả động gì đến chuyện yêu đương của mình với nhà báo” cả. Em thì mù, không biết đọc, nhưng khi báo ra, nhiều người gọi điện đến hỏi và có ý muốn gặp người yêu em. Em bảo sao mọi người lại có ý nghĩ đó thì được biết họ đọc trên báo. Em đích thân gọi điện cho Tổng biên tập nhờ đính chính nhưng không biết họ đã đính chính chưa?

Hay khi tôi lên trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) liên hệ viết bài, dẫu có giấy giới thiệu đầy đủ nhưng không được tác nghiệp. Tôi hỏi lý do thì đuợc trả lời rằng: “có nhiều nhà báo lên đây, được cơ quan tạo điều kiện cho tiếp xúc với phạm nhân rồi về bịa đặt viết lung tung, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như công việc của cán bộ nơi đây”.

Có lẽ người viết chẳng cần đánh giá hay bình luận gì thêm, bởi từ câu chuyện nhỏ trên, bạn đọc cũng như đồng nghiệp sẽ rút ra được bài học về tầm quan trọng của chữ “Tín” đối với người cầm bút. Chỉ một âm tiết nhưng nó chứa đựng cả một bài học lớn mà bất kỳ người cầm bút nào cũng cần phải biết trân trọng. Nếu không có chữ “Tín” thì người viết sẽ đánh mất lòng tin nơi nhân vật của mình - những con người từ cuộc đời thực bước vào tác phẩm mà mình đã cất công xây dựng. Giữ chữ “Tín” vừa là giữ lương tâm nghề nghiệp, vừa thể hiện thái độ tôn trọng nhân vật, độc giả của mình và trên hết là tôn trọng chính bản thân mình vậy.

Bảo Thúy