itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Cha của những người con cài bông hồng trắng

Cha của những người con cài bông hồng trắng

Ông Ba Ngọn vui vầy cùng cháu. Ảnh: TRÀ GIANG

22 năm “gà trống nuôi con”, giờ ông có thể mãn nguyện trước sự trưởng thành của bảy người con. Không chỉ lo cho các con ăn học, ông Ba lại một mình dựng vợ gả chồng cho các con. Ông hiểu gia cảnh mình, không tổ chức chi rình rang, tốn kém, xin hàng xóm không nhận tiền mừng, chỉ mời họ tới uống nước trà mừng duyên con mình.

Mùa Vu lan - mùa báo hiếu mẹ cha. Và hình thức lễ Vu lan phổ biến nhất là lễ bông hồng cài áo. Hồng đỏ cài áo những người còn mẹ và hồng trắng cho những người mất mẹ. Mùa Vu lan, một số trong những người cài bông hồng trắng, càng thương nhớ mẹ bao nhiêu càng biết ơn người cha của họ bấy nhiêu. Bởi cha họ đã sống cảnh “gà trống nuôi con” vừa làm cha vừa làm mẹ chăm bẵm con nên người.

Ở huyện Bình Đại, Bến Tre có một “lão nông” một mình nuôi bảy người con thành đạt với những gánh lúa từ hai mẫu đất và đồng tiền công dành dụm nhiều ngày “cày thuê cuốc mướn”. Tên thật của ông là Trần Văn Đặng nhưng mọi người xung quanh hay gọi thân tình là ông Ba Ngọn.

Nửa đường đứt gánh...

Ngày đó, khi đứa con lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 72 ngày tuổi thì bà Ba Ngọn bỏ cha con ông ra đi vì căn bệnh tim. Ông Ba được 36 tuổi.

Ông Ba nhớ lại cảm giác tinh thần bị suy sụp ghê gớm, nhiều lúc cảm thấy bất lực, muốn buông xuôi. Nhưng nhìn bầy con nheo nhóc, nhất là đứa út cả ngày khóc ngằn ngặt vì đói sữa, ông Ba hứa mình phải sống để chăm lo cho các con. Ông gạt nước mắt và biết rằng cuộc đời này sẽ không còn một biến cố nào khiến ông đau lòng hơn được nữa.

Nhà túng bấn, không có tiền, ông xay ngũ cốc hòa nước cho con uống thay sữa. Những lúc con trở mình, nóng sốt, ông ôm con cả đêm không ngủ, cất lời ru con bằng cái giọng nghèn nghẹn nao lòng.

Với những đứa con lớn, ông Ba không còn trách phạt bằng roi hay quát mắng mỗi khi chúng phạm lỗi như trước. Ông thương con đã chịu nhiều thiệt thòi nên chỉ mềm mỏng chỉ bảo con như cách trước đây vợ ông làm.

Năm giờ sáng, giao con cho mẹ giữ, ông Ba vác cuốc ra đồng. Buổi tối, ông là người về nhà muộn nhất. Ông tranh thủ làm cho xong phần ruộng của mình để còn đi làm thuê kiếm thêm tiền “lo mắm muối”. Ông Ba kể, thời đó ông có một sức khỏe lạ kỳ. Người nhỏ nhắn, không to cao lực lưỡng nhưng quần quật trên đồng từ sớm đến tốt mịt mà ông không hề biết mệt. Những ngày đi làm công, được chủ ruộng cho ăn một bữa trưa, ông “tận dụng” ăn thật no để tối về nhường trọn bữa cơm nhà cho bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Đổi đời cho con bằng đường học

Những năm được mùa, ông Ba thu hoạch được bảy, tám chục giạ lúa, đủ ăn, đủ mặc cho các con. Nhưng ông ước nguyện tất cả các con phải được học hành, phải thoát cảnh đầu tắt mặt tối đi làm thuê, làm mướn như ông.

Ông kể, gia đình mình xuất thân là bần cố nông. Ông nội đi làm mướn ở Cà Mau rồi mất tích. Cha ông ở đợ, giữ trâu cho điền chủ. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nên ông Ba kiên tâm: dù khó đến mấy cũng cho con ăn học tới nơi tới chốn.

Cảnh nhà quá khó khăn, không nỡ nhìn cha lao lực, anh Hai Phúc tự nghỉ học đi làm phụ hồ phụ cha nuôi các em. Ông Ba nước mắt lưng tròng, gọi các con lại dặn: “Không một đứa nào được phép nghỉ học nữa!”.

Những người con cảm nhận được lòng cha, ai cũng chăm chỉ học nhưng đường học cũng lắm gian truân. Có người con không thi đậu vào trường cấp ba công lập, phải học trường bán công. Nhưng ông Ba vẫn động viên con cố gắng, năm đầu cấp, cô đã nhận danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Có người thi hai năm vẫn không đậu đại học nhưng ông Ba kiên trì tìm hiểu thông tin rồi hướng dẫn con nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học dân lập. Thời điểm này ông cũng đang nuôi hai người con học đại học. Bòn góp trong nhà được hai triệu đồng, ông đưa con nhập học rồi nhắn nhủ “Con đóng đỡ nửa năm học phí trước, cha mần có tiền gửi thêm”.

Con đi rồi ông mới thấy lo thắt ruột: “Tiền đâu mà nuôi cả ba đứa một lần”. Cũng may là người con trai đầu hỗ trợ ông một khoản đều đặn hàng tháng và ông cũng có thêm thu nhập từ việc cho người ta thuê miếng đất ruộng để nuôi tôm sú.

Thời gian nan nhất cũng qua, các con ông lần lượt ra trường. Ông nhẩm đếm: “Ba Trúc với Năm Mai là giáo viên Trường THPT Bình Đại A, Tư Tú là kỹ sư xây dựng cầu đường, Sáu Anh là cử nhân kinh tế làm ở Sa Đéc. Giờ chỉ còn Bảy Hữu học Đại học Y Cần Thơ và Út Hậu năm nay thi đại học”.

Tuổi già điền viên

Năm nay ông Ba Ngọn đã ở tuổi 58, cái tuổi nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu nhưng ông không ngơi tay rảnh rỗi. Ông nói: “Tui quen với cái tính siêng năng rồi, không mần gì là không chịu được”. Hằng ngày ông trông cháu cho các con đi dạy, đi làm. Tiếng con nít ríu ran trong căn nhà ngói nhỏ các con mới dựng lại cho ông. Giờ rảnh rỗi ông vẫn tranh thủ vót tre đan nò (dụng cụ để bắt cá) để bán như lúc trước.

Các con ông mua những thức ăn ngon bồi dưỡng cho cha nhưng ông nhất quyết giữ lối sống cũ bình dân của mình, không hút thuốc, uống rượu. Một năm trở lại đây, ông bắt đầu ăn chay trường và dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc kinh niệm Phật.

Ông vui vẻ kể bây giờ các con lớn đã có thu nhập thay ông nuôi hai người con út học hành nên ông cũng thư thả hơn trước rất nhiều.

Nheo nheo mắt nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất, chính ông cũng không ngờ được những quả ngọt hôm nay được gieo từ hai bàn tay trắng đầy quyết tâm của mình.

Đức Hạnh (Pháp Luật TP)