itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đám cưới và cửa ải thầy dùi

Đám cưới và cửa ải thầy dùi

Để định ngày đám hỏi, đám cưới, nhiều đôi lệ thuộc nặng nề vào việc chọn ngày lành tháng tốt. Triết lý ban sơ của việc chọn ngày, vốn tốt đẹp, không ngoài một hy vọng về sự bền chặt của hôn nhân.

Càng gần đây, việc chọn ngày càng kinh khủng đối với người trong cuộc. Một phần họ hàng tư vấn “sơ cấp”, một phần đến thầy tư vấn chung cuộc.

Dù sơ cấp

Chị Đậu Thị Dâng, ở Bình Tân, than: “Bên ảnh muốn mọi việc đều đơn giản, nhưng bên em, nhất là bên ngoại, mấy bà dì luôn bàn tới bàn lui, giới thiệu thầy này thầy nọ. Yêu cầu lễ này lễ kia đủ thứ, làm mình cũng phát lo”.

Có thể gọi đúng tên quy trình là “cửa ải thầy dùi”. Họ dùi từ việc chọn thầy coi ngày, đòi lễ, chọn nơi tổ chức tiệc cho đến bao nhiêu bộ quần áo cần thuê mướn, v.v.

Nhiều cặp làm đám cưới phải chịu áp lực từ hai hội đồng thầy dùi bên đàng trai và đàng gái. Ảnh hưởng của hội đồng đàng nào là còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chênh lệch giữa cô dâu chú rể. Chẳng hạn chú rể cưới vợ lần hai, chú rể là dân nhập cư, nhà cô dâu khá giả hơn, thì ảnh hưởng đàng gái ắt là mạnh hơn. Và ngược lại. Nhưng được hội đồng ấy đồng thuận mới chỉ là lọt qua công đoạn dùi sơ cấp.

Anh Nguyễn Đình Nghĩa, quê Lâm Đồng, có vợ ở Hóc Môn, cho biết chuyện chọn ngày của hai vợ chồng anh không đạt được đồng thuận ngay chính trong hội đồng thầy dùi nhà gái. Lúc đó, chiếc phao cuối cùng, sau một thời gian kéo dài tưởng chừng bế tắc, chính là cầu cứu bà ngoại cô dâu, người có tiếng nói nặng ký nhất trong “hội đồng”.

Cớ sự là do “hội đồng” tiến cử bốn ông thầy thì bốn ông xem xong chọn bốn ngày khác nhau. Cả quan viên hai họ đều lúng túng. Những người giới thiệu thầy ai cũng cả quyết thầy của mình uy tín.

Hai nhân vật chính của đám cưới bàn nhau, rồi dò xem bà ngoại “tín nhiệm” ông thầy nào nhất. Để cho ngày tháng, giờ giấc phù hợp với khách mời của một thành phố công nghiệp, hai người tính toán sẵn: đến “mớm cung” cho thầy cùng với một bao thư khá dày. Thế là thầy cho ngày đúng như mong đợi của họ, đem về trình bà ngoại! Cả hội đồng đành phải phục tùng.

Một thành viên của nhóm xe cổ Sài Gòn cũng gặp phải rắc rối khi xem ngày cưới. Khi đã chuẩn bị sẵn sàng hết, đi coi thầy thì nghe phán rằng chỉ cưới được vào 30.4, không làm ngày này được thì phải dời sang cuối năm sau. Khổ nỗi hai đứa rơi vào tình trạng… bác sĩ “ra toa”: cưới gấp, nên phải ráng làm cho nhanh gọn lẹ kẻo mọi thứ “phơi” ra thì nguy. Mà ngày cưới đúng ngay ngày lễ, bạn bè và khách khứa tranh thủ đi chơi gần hết cả. Đám cưới vẫn phải tiến hành theo ngày thầy phán vì sợ làm sai ngày chuyện duyên tình sau này e khó thắm. Đến hôm cưới, cô dâu chú rể méo mặt khi dư hơn 10 bàn, bấm bụng chịu chứ biết cằn nhằn ai. Thôi thì tự an ủi: lỗ lã tí tiền, nhưng được cái cưới đúng ngày, đúng giờ thầy phán, trăm năm hạnh phúc thôi.

Với những người trẻ tuổi, ngày cưới vẫn phải xem thầy nhưng nhiều tâm trạng khác nhau. Nhiều khi chẳng kiêng thờ gì, nhưng phải làm cho phải lẽ, vì tục lệ nó thế, cưỡng không được, bà con họ hàng có thể tẩy chay. Anh Lê Vũ Toàn, 24 tuổi, ở Luỹ Bán Bích, Tân Bình, mới cưới vợ, cũng đi coi ngày tháng đầy đủ. Anh kể: “Đi coi ngày để mà có niềm tin nội tâm là mình không làm gì bất kính với trời đất, ông bà, không phạm ngày giờ kỵ, huý… Thường các thầy nói ngày xong, nhiều khi không thuận cho mình, cúng thêm cho thầy ít lễ vật nhờ xem lại theo ngày mình chọn có linh không, lúc ấy tình hình sẽ khác. Tóm lại, thầy coi là một chuyện, còn sắp đặt ngày giờ cái chính vẫn là mình”.

Tin thầy sái cổ

Nhiều cặp uyên ương chỉ vì ông thầy mà đâm ra lỡ dở, định ngày cưới xong, nghe lời các cụ bắt đi xem thầy, thầy lại bàn lùi, dời tới dời lui đến khi hai người chia tay luôn. Biết là nghe lời thầy nhiều khi đâm dở, nhưng bề trên trong gia tộc ai cũng muốn có một lời từ miệng thầy quyết định. Bởi thế niềm tin vào ông thầy coi ngày giờ là không thay đổi.

Một anh bạn Việt kiều Mỹ đã 44 tuổi vẫn chưa lập gia đình, xuống Mỹ Tho chơi gặp mặt cô bé bán trái cây mới tròn 20, vẻ chịu đèn lắm nên về đến Sài Gòn là đi gặp ông thầy mà gia đình hay lui tới hỏi han những chuyện hệ trọng. Thầy nghe tuổi cô gái, phán nếu muốn lấy vợ phải xuống ngay sáng mai, nếu không sẽ phải dời hạn đến hai năm sau. Cả nhà quýnh quáng, chuẩn bị lễ bộ, thuê chuyến xe xuống gặp nhà gái làm đám hỏi luôn, tuần sau cưới. Tưởng rằng mọi chuyện êm xuôi, ai dè cưới nhau chưa được một năm lại tan vì cuộc sống hôn nhân không phù hợp.

Những đám cưới thành công, gắn trọn nghĩa tình, đôi ba khi còn nhớ đến ông thầy coi ngày lành tháng tốt, đem đến chút quà biếu xén, vô tình giúp cho thầy nổi tiếng. Chứ những đôi đổ vỡ, quên tiệt ông thầy, chẳng lẽ đến tìm thầy để đòi tiền hay để mắng vốn là ông coi ngày trật lất tuốt.

Bà chủ quán phở ở Cali quê gốc Rạch Giá, tin sái cổ ông thầy vì trước kia đi vượt biên có coi ngày lành tháng tốt từ thầy, giờ mỗi dịp về nước đều ghé thầy để tạ lễ. Thằng con 22 tuổi của bà chủ ở nhà phụ bưng bê phở rồi lông bông. Về nước lần rồi, bà chủ quen với người hàng xóm có đứa con gái 18 tuổi đi bán vé số dạo, nhìn mặt cũng xinh xắn. Thấy vẻ kết, bà đem chuyện hỏi thầy, thầy nghe qua tuổi tác hai nhỏ rồi phán: hạp!

Chỉ chờ có thế là bốn ngày sau, bà chủ đưa cô dâu lên Sài Gòn tổ chức đám cưới. Vào tiệm thuê đồ cưới ở đường Đinh Bộ Lĩnh, cô dâu chú rể còn ngại ngùng đến độ chưa quen gọi tên nhau. Bà chủ nhẩm tính đơn giản: “Thầy phán hợp là an tâm rồi, cưới xong tụi nó tìm hiểu nhau sau cũng đâu có sao. Mai mốt đưa nó sang bên đó, phụ bán phở cho tui còn sướng gấp mấy ở Việt Nam bán vé số. Thuê người bê phở ở quán, ngày tốn hết 100 đô, để nó sang phụ mình, vừa có thêm đứa con, vừa đỡ tốn, thằng nhỏ tui có vợ cho nó bớt lông bông…”. Ngày cưới được thầy ấn định, tổ chức linh đình khu Tân Cảng, bà chủ thuê hẳn 10 chàng pê đê về tiệc cưới biểu diễn ca múa hát tung trời, vui tới bến. Chưa biết rồi bà có quay lại thăm thầy hay không.

Cưới hỏi chỉ là một phần nhỏ trong sự “định đoạt” của các thầy, những thầy coi tử vi, tứ trụ, xem tướng… Mỗi gia đình đều có quen một, hai thầy để khi có chuyện lại tìm đến. Ở Hà Nội, trên chùa Quán Sứ, có hai thầy xem ngày cưới hỏi được nhiều người đồn là tốt phước. Mỗi lần coi ngày nhẹ nhàng thông thường thì phong bao 50.000 đồng, với những gia chủ quen thân với thầy thường có quà cáp, nuôi thầy còn hơn nuôi bác sĩ để gia đình có việc là í ới mời thầy phán cho vài lời.

Theo SGTT