itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đông Hồ, còn - mất một làng tranh

Đông Hồ, còn - mất một làng tranh

Đông Hồ

Đình Đông Hồ

Trong trí nhớ của các nghệ nhân thì nghề làm tranh của làng Đông Hồ có từ lâu lắm, vào khoảng thế kỷ XVIII đã có người nổi tiếng, từng được mời vào cung vẽ hầu cho Vương phi. Tranh Đông hồ đã có thời cực thịnh, vượt trội trong lòng tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam.

Ký ức làng tranh

Một làng nhỏ của huyện Thuận Thành bên bờ sông Đuống, đi qua cầu Hồ, rẽ vào đường bờ đê khoảng một cây số, làng Đông Hồ (xã Song Hồ - Bắc Ninh) hay còn gọi là làng Mái hiện ra với những ngôi nhà lớp ngói nép mình bên những bụi tre xanh êm ả, thanh bình. Tục truyền, cứ hễ giáp Tết, những chuyến thuyền cập bến chở tranh, những hình ảnh xưa không còn, nhưng nghề làm tranh thì vẫn còn, như một mạch ngầm lưu giữ nét xưa quý báu của ông cha.

Từ vốn hiểu biết sâu sắc và nhuần nhuyễn, nghệ nhân làng Hồ đã tái tạo cuộc sống xã hội vào tác phẩm của mình, không sao chép. Hình và sắc trong tranh Đông Hồ vì thế được xếp chặt chẽ, màu sắc trong tranh thật vững vàng. Màu quyện lấy hình chắc chắn. Mầu của tranh Đông Hồ là màu của thiên nhiên, màu của đất đai, cỏ cây, hoa quả và tre gỗ đậm đà, đanh quánh, ấm cúng và thân thuộc.

Tranh làng Hồ có 5 màu cơ bản, ngày xưa các cụ lấy con điệp (bột tán từ vỏ sò) trộn với hồ nếp ra màu trắng. Màu đỏ từ viên sỏi nâu, lá cây chàm chế ra màu xanh, màu vàng của hoa hoè, lá tre đốt thành màu đen. Nền tranh được làm từ vỏ cây dó tạo thành giấy dó. Giấy do dai xốp, đã bền nhẹ lại chịu ăn màu. Với màu trắng ngà lại được quét lên những lớp điệp thớ ngang thớ dọc, khiến cho màu nguyên đặt lên thêm lung linh ấm cúng. Ván in tranh là một thứ gia bảo, được làm từ gỗ thị. Bất kể ai trong dòng họ cũng phải có ý thức giữ gìn. Giờ người nào có bản khắc gỗ coi như của quý trong nhà. Một bức tranh Đông Hồ có nhiều bản khắc, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu bản khắc, đó là chưa kể bản in nét đen.

Trong trí nhớ của các nghệ nhân thì nghề làm tranh của làng Đông Hồ có từ lâu lắm, vào khoảng thế ký XVIII đã có người nổi tiếng, từng được mời vào cung vẽ hầu cho Vương phi. Tranh Đông hồ đã có thời cực thịnh, vượt trội trong lòng tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam. Trước năm 1945, mỗi năm làng Hồ có năm buổi chợ phiên bán tranh họp tại đình làng vào các ngày 6, 11, 21, 26 tháng Chạp. Ngày đó có 150 gia đình làm tranh. Chợ tranh nằm giáp bờ sông Đuống. Người quê hồ hởi mua tranh gà, lợn, đánh ghen, đánh vật… về treo trong nhà và làm quà Tết tặng nhau. Phường buôn đến từ các tỉnh cất tranh rồi xuôi con đò dọc mang đi rao bán khắp nơi. Những năm 70, 80 tranh Đông Hồ đã vượt ra khỏi phạm vi Bắc Bộ sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Cả hợp tác xã làm tranh lúc đó nhộn nhịp tiếng cười, luôn nấp nập xa ra vào chở tranh đi xuất khẩu…

Làng tranh thành làng hàng mã?

Ngày nay, cái tên làng tranh Đông Hồ không còn nhiều người dùng đến, họ hay nhắc đến hàng mã Đông Hồ hơn bởi không còn cảnh phơi tranh như xưa nữa mà tràn trên tất cả những nơi nào có thể phơi nắng được là đồ hàng mã. Từ ghép làng tranh Đông Hồ có nguy cơ bị mai một. Người ta chỉ còn thấy làng tranh Đông Hồ xưa qua những tấm bia, những trang sử và lời kể của người già.

Người người làm hàng mã Tận dụng mọi lứa tuổi, mọi thời gian

Khoảng 300 hộ của làng Đông Hồ giờ đã chuyển sang làm hàng mã, chỉ còn 3 gia đình là gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Nhật Tấn vẫn giữ nghề làm tranh. Đông Hồ đã trở thành nơi sản xuất hàng mã lớn nhất xứ Bắc. Đường vào làng vắng bóng người mua tranhvà làng tranh nhưng tấp nập xe ra vào chở hàng mã. Hàng mã theo thuyền xuôi sông, theo các ngả đường bộ đi khắp miền. Vào những ngày cuối năm, đến Đông Hồ, nhìn vào nhà nào cũng tràn ngập giấy màu và đồ mã. Màu sắc toàn màu cơ bản: đỏ chót, tím ngắt hoặc xanh lè. Trẻ em, người lớn túm tụm ngồi quết hồ, cắt dán, uốn hình giầy dép, quần áo, nhà tầng giấy… Đồ hàng mã phong phú như đồ dùng của người trần theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Không kể đến đủ loại tiền còn có đầy đủ các loại đồ đạc, trang sức, trang thiết bị nội ngoại thất. Riêng xe máy cũng đủ loại từ rẻ tiền đến cao cấp như Dylan, @... Có thể nói chợ hàng mã Đông Hồ không thiếu một thứ gì so với cõi trần, chỉ có điểm khác duy nhất là rẻ hơn vì toàn đồ giấy và tre. Nhưng giá rẻ ở đây cũng phải 300.000đồng/1 xe Dream, còn bộ quần áo xịn thì “nhà em xin bác chẵn năm chục bạc”. Giá cả được phát ra cũng còn tuỳ vào khách hàng, người nào có vẻ giàu thì giá cao hơn bình thường, còn nghèo nghèo thì lấy giá bình dân. Từ hàng mã Đông Hồ mỗi năm xã hội đốt bao nhiêu tiền thật?

Đình làng mái, chợ tranh nay còn đâu

Hàng mã Đông Hồ được sản xuất chuyên môn hoá. Mỗi gia đình chỉ sản xuất một vài mặt hàng. Nhà nào có “công nghệ cao”, khéo léo thì làm loại đắt tiền, phức tạp như ô tô, xa máy… còn nhà bình thường thì làm quần áo, giầy dép… Cụ già bán quà vặt, tóc bạc phơ, chép miệng nói: “Tranh không nuôi nổi người nữa rồi. Trông vào cây lúa thì chết đói. Vì miếng ăn phải chuyển nghề thôi”.

Các con cụ cũng làm hàng mã. Thu nhập nghề này rất khá so với trồng lúa và càng khá hơn nhiều lần so với làm tranh. Người già và trẻ em, mỗi ngày làm cũng được 10 – 12 nghìn đồng, những người khéo tay, làm các công đoạn phức tạp đòi hỏi kỹ thuật thì được khoảng 120 – 170 nghìn đồng/ngày. Các chủ thu gom lớn còn được nhiều lãi hơn. Sản xuất đồ cho người cõi âm đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Đông Hồ nên cũng thật dễ hiểu khi số hộ giữ nghề làm tranh trong làng chỉ còn có 3.

Nỗ lực giữ nghề.

Làm thế nào để giữ được nghề? Đó là câu hỏi thường trực trong đầu các nghệ nhân còn lại của làng Hồ. Chúng tôi vào thăm nhà ông Nguyễn Đăng Chế, người có truyền thống 20 thế hệ làm tranh. Ông Chế đã 71 tuổi, chai nước hoa quả nhỏ từng giọt, trên nền nhà là bức tranh cá chép lớn ông đang vẽ dở, kín bốn bên tường nhà là tranh, tranh và tranh. Một chiếc tủ lớn để những bản khắc cũ, mới… nằm trên giường bệnh, ông vừa kể về một thời vang bóng của lang tranh giọng đầy tiếc nuối. Theo ông Chế thì hiện nay, tranh không còn được mùa nữa, tranh được bán quan năm cho khách du lịch chủ yếu là người nước ngoài, nhưng số lượng rất hạn chế. Để giữ nghề tranh, ông và những nghệ nhân còn lại của làng vừa sưu tầm, phục chế lại những bản khắc cổ, vừa sáng tác mẫu mới và “túc tắc” sản xuất tranh phục vụ nhu cầu của người chơi tranh.

Không giấu nổi niềm mãn nguyện, ông chế khoe về “tài sản vô giá” của mình, đó là hơn một nghìn bản khắc tranh vừa sưu tầm vừa phục chế, vừa sáng tác mới, trong đó có nhiều bản khắc rất cổ, được trả giá cao nhưng ông không bán. Rồi ông lại trầm ngâm: “Bây giờ chỉ có khách nước ngoài, các nhà nghiên cứu về tham quan nhiều, khách nước ngoài rất thích tranh Đông Hồ, họ tìm hiểu sâu xa nguồn gốc, ý nghĩa của từng tranh và các công đoạn làm tranh, một năm tôi bán được khoảng 5.000 tập tranh (mỗi tập là 20 bức), 2.000 bộ tứ bình, những bức tranh vẽ tay lớn như thế kia cũng phải được đôi ba trăm bức. Nhà tôi có tới 6 cuốn sổ ghi lưu niệm của khách…âu nó cũng là một động lực”. Còn ông Sam kể: “Mấy năm trước có một đoàn người Nhật Bản về Đông Hồ đến thăm nhà tôi, họ xem tranh một cách thích thú và đặt làm hơn 3.000 bản tranh để mang về nước”. Nói rồi ông đem cho tôi xem hai quyển sách hướng dẫn du lịch và một tạp chí có tất cả 18 tranh ảnh giới thiệu về tranh Đông Hồ và tranh của gia đình ông. Hiện nay, ngoài sản phẩm tranh Đông Hồ thuần tuý, gia đình ông còn lấy mẫu tranh Đông Hồ làm lịch tranh, tranh gỗ, bưu thiếp, tranh trổ, với mục đích cách thể hiện mới này, tranh Đông Hồ sẽ được quảng bá rộng rãi…

Mảng màu tối trong chuyện làng tranh

Theo như lời ông Chế, ông Sam kể, thì các ông đều sống được với nghề, thậm chí, như ông Chế nói, ông khá lên được, các con ông khá lên được như ngày nay là nhờ tranh, vậy tại sao gần như cả làng Mái, cái làng từng tự hào trong câu ca dao:

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có ao tắm mát, có nghề làm tranh

lại không thể tiếp tục làm tranh mà phải chuyển sang làm hàng mã? Tôi xin phép được thận trọng trong câu trả lời, chỉ xin trích lại một đoạn trao đổi với ông Chế như một sự dè dặt cần thiết:

- Lại Thu Giang: Ông nhận xét thế nào về chuyện cả làng chuyển sang làm hàng Mã?

- Ông Nguyễn Đăng Chế: Làm ra bán được cho ai? Thị trường tranh này gần như tôi nắm hết

- Lại Thu Giang: Ông có dự án nào để khuyếch trương thị trường không?

- Ông Nguyễn Đăng Chế: Nói chung là khó lắm, làm gì cũng phải giữ chữ tín, đấy có người dùng phẩm màu để in tranh, có người “mượn” cả nhà đài về quay hẳn một chương trình, gớm, có cả các ông Tây phát biểu này nọ, thế mà chính bản thân họ lại bảo màu đen được làm ra từ than củi…

- Lại Thu Giang: Ông có ý định truyền nghề không?

- Ông Nguyễn Đăng Chế: Có chứ, đấy, 3 đứa con tôi, hai trai, một gái đều có cửa hàng lớn về tranh.

- Lại Thu Giang: Thế còn người làng?

- Ông Nguyễn Đăng Chế: Tôi đang tiến hành thủ tục để thành lập doanh nghiệp, thuê 5.500m2 đất ở đầu làng với mục tiêu: sưu tầm và bảo tồn nghề tranh, đào tạo nghề, mở quần thể du lịch..

- Lại Thu Giang: Ồng đã nói, làm tranh, hơn nhau là bí quyết pha chế màu, thế ông có truyền những bí quyết ấy cho cái lớp ông định đào tạo không?

- Ông Nguyễn Đăng Chế: Người làng thì tôi phải dậy cẩn thận.

Đang trao đổi thì bà vợ ông Chế ra vỗ vào vai tôi nhắc nhở: “Cô có viết thì viết cho nó cẩn thận nhé, đừng có bêu ông nhà tôi, đấy, có một cái tờ báo kia kìa, nói ông nhà tôi thậm tệ”.

“…tay nhà báo ấy được một kẻ mớm lời, nói tôi không ra cái gì, ông Chế tiếp lời bà vợ. Tôi cười, có lẽ cái cười hơi kém tươi mà bảo: “Vầng, cháu sẽ chỉ viết như người thuật chuyện thôi”…

Hàng mã tràn mọi ngõ ngách của làng Mái

Ở ngõ nhà ông Chế ra, đường làng ngập một màu xanh đỏ của giấy màu làm đồ mã, đây đó có những mũi tên chỉ dòng chữ: “Tranh Đông Hồ”…

Nhuệ Giang đêm tháng 4

L. T. G