itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hốt bạc từ mở lớp dạy chứng khoán

Hốt bạc từ mở lớp dạy chứng khoán

Ảnh: Phạm Trung Kiên

Chỉ cần 5 ngày, tôi đã cầm trong tay bằng chứng nhận “chứng khoán học” vì đã hoàn thành khoá học “Hướng dẫn đầu tư chứng khoán” do một trường đại học uy tín cấp. Song, giấc mơ làm giàu của tôi từ thị trường chứng khoán (TTCK) chẳng biết có đúng như những gì lớp học đã dạy hay không.

Chỉ chắc chắn một điều: Các lớp học về đầu tư chứng khoán đang hốt bạc không thua gì cổ phiếu lúc tăng giá kịch trần (Tố Như)

Giờ học 50 triệu

“Nhớ nhờ người đến sớm để giữ chỗ ngồi đấy”, một người bạn nhắc khẽ tôi khi để lộ ý định tham gia một lớp học hướng dẫn chứng khoán – CK11 mới mở tại một trung tâm trực thuộc một trường đại học nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội. Mặc dù đã đến sớm gần 15 phút trước giờ học mà tôi vẫn chỉ giữ được một vị trí cuối cùng của lớp. Tội nhất mấy người có tuổi làm công sở về muộn, lại không có người quen giữ chỗ trước nên đành phải đứng để nghe giảng.

Từ lớp học đến sàn. Ảnh: Đặng Trung Tâm

Nhìn quanh, mỗi bàn học có ba người thì chỉ có hai cái ghế. “Ban tổ chức” đã nhanh ý trưng dụng bộ bàn ghế sofa cũ rích để làm ghế học. Góc lớp, hai cô bé phải kê một tấm gỗ để làm bàn viết tạm. Hội trường rộng gần ngàn mét vuông thế mà thật nhỏ bé so với số lượng học viên đang háo hức. Chẳng thế mà dù ngoài trời se se, song vẫn nhiều người đòi bật quạt để xua đi cái ngột ngạt của hội trường. Nhìn lớp học kín đặc học viên, giảng viên T (người khá quen thuộc trong giới giảng dạy chứng khoán) “cảm thông”: “Đáng lẽ lớp này chỉ nhận 250 người mới đảm bảo chất lượng. Nhưng cứ 5 phút lại có một người bảo: thầy ơi, nhận nốt 5 người chúng em nữa thôi. Cứ như vậy, con số học viên tăng 320 lúc nào chẳng biết”. Tuy nhiên, chi phí để được ngồi chen nhau này đâu rẻ, 150.000đ/buổi kéo dài hơn hai giờ đồng hồ (cộng cả thời gian 30 phút nghỉ giải lao ăn lót dạ). Tính sơ qua, mỗi buổi như thế nhà tổ chức lớp học thu đủ 48 triệu đồng. Trừ tiền giảng dạy của giáo viên, tiền thuê phòng học, âm thanh, ánh sáng, cộng với bữa ăn lót dạ giữa giờ... có lẽ số còn lại hơn đứt lãi do đầu tư cổ phiếu bluchip của bất kỳ công ty uy tín nào.

Có nơi còn thu mức học phí cao hơn. Trung tâm đào tạo Chứng khoán nhà nước áp dụng tại Hà Nội vì lý do: “Có thầy giỏi với nhiều kinh nghiệm trên thị trường”. Chính vì thế bây giờ từ tường rào, cột điện, cổng trường hay ở tất cả các sạp báo lớn, nhỏ đâu cũng nhan nhản pa - nô, áp phích chiêu sinh mở lớp chứng khoán với nhưng thông tin vô cùng hấp dẫn, như “sau khoá học, học viên có thể thấu hiểu những tác động của các chỉ số kinh tế, chỉ số thị trường chứng khoán, thấu hiểu hanh vi của cổ phiếu”...

Nhập nhằng chất lượng

“Chỉ sau 5 ngày các bạn đã có thể trở thành những cử nhân tài ba trên thị trường chứng khoán”, đó là lời mào đầu của giảng viên T. Vị giảng viên này phân tích: “OTC là thiên đường cho những người “mù” chứng khoán, vì trên sàn OTC cứ mua mấy hôm là có lãi, không cần quan tâm đến cổ phiếu như thế nào của công ty gì, hoạt động ra sao...” Cách thức giảng giải về những lý thuyết đầu tiên cũng khá... dân dã: “Khi mới đầu tư cổ phiếu của bất kỳ công ty nào, các bạn chỉ cần chú ý đến chỉ số P/E của công ty đó (P/E là tỉ lệ giữa giá trị một cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu). Nếu P/E nhỏ hơn 10 thì nhắm mắt đầu tư, P/E trong khoảng từ 10 đến 10,5 là rất tốt, P/E từ 12,5 đến 15 là tốt, từ 15 đến 20 là có thể đầu tư. Nếu P/E vượt trên mức 20 thì các bạn có thể bán, giữ sẽ rất nguy hiểm vì như vậy sẽ lỗ nặng hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng”.

Nơi ôm mộng đổi đời của rất nhiều người. Ảnh: Đặng Trung Tâm

Rồi vị giảng viên này “trấn an”: “Các bạn yên tâm, nếu ai ở khoá học trước mà nghe tôi khi mua cổ phiếu của một công ty không lớn lắm thì chắc chắn giờ đây đã trở thành những ông chủ giàu có rồi?!”. Dưới lớp, một vài học viên gật gù: “Chắc thầy phải giàu có lắm. Bởi thầy phán cứ như Khổng Minh”. Giảng viên T còn tự hào khoe: “Tôi có thể hướng dẫn cho các bạn trở thành những nhà đầu tư thành công, lãi hàng nghìn phần trăm mỗi năm. Nhưng các bạn cứ yên tâm, thị trường chứng khoán càng náo động thì việc đầu tư càng có lãi, miễn là các bạn phải có lòng kiên nhẫn sau... vài chục năm nữa (?!)”.

Thật là chẳng biết nên bàn thế nào bởi có ai đủ lòng kiên nhẫn khi để hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng tiền mình vất vả tích cóp cả đời “hoá giá” thành những mệnh giá cổ phiếu là những tờ giấy trắng? Ngay cả tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội khi nhận xét về làn sóng đầu tư ồ ạt vào chứng khoán hiện nay, cũng thừa nhận: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển theo hình chữ V giống như đàn vịt đang bơi trong ao. Các nhà đầu tư nối đuôi nhau theo con đầu đàn, nhưng chính con đầu đàn cũng không biết mình đang đi đâu, đích đến là gì nên nó vẫn cứ luẩn quẩn mãi trong chiếc ao hẹp”.

Ai quản lý?

Địa chỉ tin cậy số 1 trong việc đào tạo kiến thức về chứng khoán hiện nay là Trung tâm đào tạo đầu tư khứng khoán của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Song, cũng với “chiếc áo” nhà nước, nhiều trường đã “mượn” để cùng kết hợp mở lớp dạy ngắn hạn. Bàn về trách nhiệm quản lý chất lượng của các trung tâm chứng khoán này, ông Trần Bá Giao, phó chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Chứng khoán là một ngành mới song đã chính thức trở thành một chuyên ngành đào tạo của trường đại học thì theo nguyên tắc, trường nào mở ra các lớp dạy về chuyên môn, nghiệp vụ thì phòng đào tạo của đơn vị đó cũng phải có trách nhiệm thường xuyên kết hợp cơ quan liên ngành như Sở GD-ĐT, chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra về các hoạt động của các lớp dạy, về giáo trình, giảng viên và những quy định tối thiểu của một lớp học.

Không phải lớp học nào cũng như thế này. Ảnh: Phạm Trung Kiên

Còn theo ông Nguyễn Thế Mỹ, Trưởng phòng giáo giục thường xuyên thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội. Việc quản lý chất lượng lớp học chứng khoán trên địa bàn chưa thể. Ông Mỹ lý giải, tuy các lớp chứng khoán ngắn hạn mọc lên như nấm sau mưa, mô hình đào tạo gần giống như các trung tâm ngoại ngữ hay các lớp thi cấp tốc nhưng “chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu, có ai chỉ đạo đâu mà làm”. Ông Mai Quốc Doanh, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại thương cho hay, những lớp học ngoài giờ dù có mang tên trường chúng tôi nhưng phòng đào tạo cũng không có chức năng quản lý. Tất cả giáo án chương trình, giảng viên là do Khoa Tài chính ngân hàng chịu trách nhiệm?!... Cứ như vậy, chẳng ai nhận trách nhiệm quản lý. Phải chăng, những lớp học này còn mới quá chăng?

Ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Đào tạo Chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: nhu cầu học chứng khoán tăng gần 4 lần so với năm 2006. Bởi theo ông Huy, cả nước hiện có khoảng 70 công ty hoạt động chứng khoán, quy mô mỗi công ty cũng không ngừng mở rộng, song cũng không đủ đáp ứng nhu cầu về người học chứng khoán. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã cấp 10 nghìn chứng chỉ. Ông Huy cũng thừa nhận, với nhu cầu như hiện nay, trong khi trung tâm chỉ có 7 – 8 giảng viên thường xuyên lên lớp, dù có cố gắng chạy sô 3 ca/ngày cũng không đủ. Vì vậy, các giảng viên chỉ cố gắng có mặt ở lớp là “may” lắm rồi, huống chi nói đến chất lượng nữa!

T. N