itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / “Hoa Trạng Nguyên” trên chiến khu xưa

“Hoa Trạng Nguyên” trên chiến khu xưa

Ngoài giờ học, học sinh vùng cao vẫn phải lao động giúp gia đình

Hoa Trạng Nguyên – loài hoa tượng trưng cho sự thành đạt, loài hoa gắn với những ước mơ thao thức của tuổi học trò như một nhà thơ nào đó đã viết: "Bên góc nhỏ hun hút lòng hẻm nhỏ/Nắng mưa giữa trời mà xuân vẫn xuân/Bờ giậu nhỏ trạng nguyên bừng sắc đỏ/Xuân đến trường lá cỏ rạng ngời hoa”…

Câu chuyện tôi kể dưới đây cũng nói về những vẻ đẹp Hoa Trạng Nguyên. Nhưng đó là những bông hoa cuộc đời bình dị mà đáng quý trên mảnh đất chiến khu xưa…

Làm sao định nghĩa được…hoa Trạng Nguyên

Tôi trở lại Thái Nguyên một ngày cuối mùa hè thật tình cờ. Câu chuyện bắt đầu từ Nguyễn Thanh Liêm, nhân vật trong bài viết “Chàng trai xin một trăm, tặng…một tỷ” đăng trên báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số ra ngày 24-2-2008 điện thoại đến toà soạn, mời chúng tôi tham gia hành trình về chiến khu xưa, đi tìm những học sinh phổ thông trung học xuất sắc nhất của năm học này, các em sẽ được tặng học bổng mang tên “bông hoa Trạng Nguyên” ngay trước thềm năm học mới. Nghe Liêm thông báo, tôi rất mừng. Không phải ngẫu nhiên mà báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có một phóng sự chân dung về Liêm, chàng trai thuộc thế hệ 8X, trẻ nhưng đầy nghị lực. Từ một làng quê nghèo ở xứ chiêm trũng huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thi đỗ đại học phải chật vật vừa học vừa làm thêm, xin được suất học bổng 100.000 đồng/ tháng, Liêm, đứa con trai người thương binh nghèo quê lúa đã vươn lên trở thành Trưởng phòng nhân sự một tập đoàn lớn nhưng vẫn không quên đi tìm, giúp đỡ những sinh viên nghèo vượt khó bằng việc vận động được nhiều chương trình tài trợ trị giá hàng tỷ đồng. Bữa nay, Liêm lại đang giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình trao học bổng Hoa Trạng Nguyên cho cho những học sinh, sinh viên xuất sắc nhất của hơn 2.000 trường THPT và ĐH, học viện trên cả nước, đặc biệt là thủ khoa đầu vào kỳ thi ĐH năm học 2008-2009. Giải thưởng "Hoa trạng nguyên" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn Tân Tạo (ITA Group), Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam trao tặng. Như vậy là “chàng trai xin một trăm, tặng một tỷ” vẫn đang tiếp tục hành trình đầy nghĩa cử cao đẹp của mình…

Hoa trạng nguyên - biểu tượng của sự thành đạt

Chúng tôi bắt đầu hành trình bằng “định nghĩa” hoa Trạng Nguyên khi trong đoàn đi tìm “hoa Trạng Nguyên” hôm ấy, có đồng chí Lưu Văn Kiền, Phó Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng giải thưởng. Vừa xuất phát, anh Kiền đã “cảnh báo”:

- Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng lạm dụng danh hiệu “Trạng Nguyên” đấy! Có nơi, người ta còn đưa hàng trăm em học sinh vừa đỗ thủ khoa đầu vào đại học, cho vào Văn Miếu, trống giong cờ mở, trao bằng danh dự, tặng mũ áo cân đai rồi tung hô các em, xếp ngang hàng các tiền nhân thuộc hàng “nguyên khí của quốc gia” đã được khắc văn bia. Cách làm, cách hiểu ấy thật tai hại. Đỗ đại học thật ra mới là nấc thang đầu tiên trên con đường học vấn, lập thân, lập nghiệp, đừng nên tôn vinh các em một cách dễ dàng, thái quá…

Câu chuyện gợi mở của anh Kiền nghe thật sâu sắc. Nguyễn Thanh Liêm kể thêm: Hôm trước, họp Hội đồng giải thưởng, giáo sư Trần Hồng Quân cũng nói nhiều về hai chữ “Trạng Nguyên”. Nhưng ở đây, “hoa Trạng Nguyên” không phải là…Trạng Nguyên. Hoa Trạng Nguyên chỉ là một loài hoa tượng trưng cho sự thành đạt, cho khát vọng học tập, cống hiến và trưởng thành. Tôn vinh như thế là vừa tầm, là tinh tế, chứ không phải kiểu “khen nhau không đúng, bằng mười hại nhau”…

Cuộc sống có những điều đơn giản mà không…giản đơn. Trên chuyến xe hôm ấy, chúng tôi đã được “bổ túc” thêm nhận thức về một loài hoa. Hoa Trạng Nguyên, nghe quen thuộc thế nhưng nó gốc gác từ đâu? Người thì bảo là hoa Việt Nam, người lại bảo hình như nó được du nhập từ…Trung Quốc? Nếu như ở phương Đông, hoa Trạng Nguyên tượng trưng cho sự thành đạt, là một trong những loài hoa của tuổi học trò thì ở phương Tây hoa Trạng Nguyên lại gắn liền với lễ Nô-en. Theo các nhà khoa học, thật ra loài hoa có cái tên rất Á Đông này lại có xuất xứ từ Mehico và vùng Trung Mỹ. Tên tiếng Anh của hoa được đặt theo tên của một đại tá người Mỹ: Joel Roberts Poinsett. Ông vừa là một nhà khoa học, vừa là một người làm vườn lành nghề. Đại tá Poinsett là đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Mehico, quê hương của hoa trạng nguyên, giai đoạn 1825 – 1829. Chính tay ông đã trồng những cây hoa trạng nguyên rồi gửi về Mỹ. Người Aztec cổ đại coi trạng nguyên là biểu tượng của sự trong sạch. Hàng thế kỷ sau, những người Mexico theo Cơ đốc giáo đầu tiên đã chấp nhận trạng nguyên như là hoa Nô en cao quý của họ. Trạng nguyên Mexico, còn được biết đến như là hoa Nô en (Christmas flower) tại Bắc Mỹ, được sử dụng trong nhiều đồ trang trí trong dịp lễ Nô en.

Đất nghèo nở…hoa Trạng Nguyên
Bông “hoa Trạng Nguyên” đầu tiên ở Thái Nguyên mà chúng tôi đến thăm là em Dương Thị Khánh Ly, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, người vừa đoạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2008. Anh Hữu Minh, Giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Thái Nguyên tâm sự rằng: Lần đầu tiên Thái Nguyên có 4 em học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn lịch sử, trong đó có một em đoạt giải Nhất không đơn giản là thành tích cao mà thực sự là một “dấu ấn” đối với Thái Nguyên. Mấy năm về trước, chuyện học sinh “mù lịch sử” từng là nỗi đau không chỉ của riêng các thầy cô giáo. Có năm, chấm thi tại một trường đại học ở Thái Nguyên, số bài thi môn Lịch sử được 0 điểm lên tới 5.000 bài.

“Hoa Trạng Nguyên” Dương Thị Khánh Ly là con một gia đình nghèo. Bố làm công nhân Mỏ than Bá Sơn, mẹ ở làm ruộng, Ly phải khăn gói quả mướp trọ học trên thành phố để học cấp 3 với chi phí thuê nhà, tiền ăn học 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Tôi lặng lẽ quan sát góc học tập của Ly. Một chiếc bàn cũ kỹ, ọp ẹp làm từ gỗ tạp có lẽ trị giá không tới 100.000 đồng. Một giá sách nhỏ xíu chừng mươi cuốn, chẳng có nhiều sách tham khảo như học sinh thành phố. Góc học tập không có gấu bông, không ảnh ngôi sao Hàn Quốc, “hoa Trạng Nguyên” bắt đầu buổi học với những cuốn sách giáo khoa, với những tư liệu mà em vừa vội vã kiếm tìm được từ google trên mạng internet. Chưa có tiền mua nổi máy vi tính nhưng em đã biết kiếm tìm thông tin trên nét phục vụ cho học tập, không lãng phí thời gian cho những game, chat. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao Ly đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử?

"Hoa Trạng Nguyên" bên bếp lửa

Hình ảnh em Trần Thị Minh Nhâm, một “hoa Trạng Nguyên” ở huyện Đại Từ học bài bên bếp lửa lúc bóng chiều nhập nhoạng đọng mãi trong tôi sự trân trọng về những ước mơ tuổi trẻ. Nhà Nhâm cũng nghèo, bố là thương binh, mẹ làm nương, thu nhập cả nhà chỉ chừng mươi triệu mỗi năm. Đã thế, bố em lại bị viêm túi mật, mẹ bị bệnh thân kinh niên, bà bị bệnh đau cột sống…Ở cái xóm nghèo quê Nhâm, chỉ chừng 30% các em đi học cấp 3, bao năm rồi chưa có ai đỗ đại học. Tôi hiểu cô bé ấy nghĩ gì khi vừa nấu cơm, vừa học bài bên bếp lửa, học bài nhờ ánh sáng hắt vào từ ô cửa sổ con con mà bên ngoài là bầu trời rộng mở…Bố Nhâm, anh Trần Đức Tuyên, nguyên là bộ đội sư đoàn 10, Quân đoàn 3, là thương binh. Mười năm quân ngũ với chiến trường và quãng đời vất vả cơ cực sau này đã khiến anh già hơn nhiều so với tuổi. Trong thư gửi về Ban tổ chức giải thưởng “hoa Trạng Nguyên”, Nhâm đã tâm sự rằng: Em ước mơ trở thành bác sỹ xuất phát từ nỗi đau của những người nông dân nghèo quê em, trực tiếp là ông bà, bố mẹ em. Mỗi khi bệnh tật, họ đã phải vô cùng vất vả tới bệnh viện. Bệnh tật, khó khăn là thế, vậy mà khi tôi hỏi về các dự định, người cựu chiến binh ấy nói như đinh đóng cột: “Người lính không có vàng bạc cho con mà chỉ có thứ quý nhất là truyền cho con nghị lực và giúp con học tập để có tri thức bước vào đời. Dù có phải vay mượn hay…bán nhà tôi cũng sẽ lo cho con vào đại học!”. Nhe anh nói, tôi hiểu thêm những gì cố bé Nhâm đã tâm sự: “Gia tài y nghĩa nhất trong nhà chỉ vẻn vẹn tấm huy chương nhà nước đã tặng cho cha em vì những đóng góp trong kháng chiến. Có lần bật ti vi xem bộ phim về các anh hùng tận Tây Tàu xa lắc, em bỗng giật mình nhận ra: anh hùng nào ở đâu xa, bố em cũng chính là một người “anh hùng” giữa đời thường đã vượt lên khó khăn, bệnh tật, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho sự thành đạt của con cái!”.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, trong số 40 em học sinh được nhận giải thưởng “hoa Trạng Nguyên” năm nay, hầu hết đều là con em những gia đình nông dân nghèo. Con số này khiến tôi nhớ đến một “hiện tượng” của mùa thi đại học năm ngoái: có hàng chục em học sinh thủ khoa 30/30 điểm là con em các gia đình nghèo, có em đến trường với cặp sách là bao cám “Con Cò”, có em một ngày chỉ được 4 tiếng học bài vì còn phải cùng ba mẹ lao động…Cuộc sống chưa hết gian lao nhưng cuộc sống luôn công bằng với những ai biết hướng về phía trước. Vùng đất chiến khu xưa nơi chúng tôi trở lại, cùng với nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên vẫn còn nhiều vùng đồi lau lách, nhiều mái tranh nghèo. Nhưng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi “hoa Trạng Nguyên” đã, đang và sẽ nở ngày một nhiều hơn trên vùng đất ấy…

Theo QĐND