itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Lênh đênh đời thợ dớn

Lênh đênh đời thợ dớn

Vừa nghe tôi đề nghị: "Một đêm theo chân thợ đặt dớn", gương mặt sạm đen màu nắng mưa sau hơn 30 năm sống bằng nghề đâm hà bá của Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ) bỗng tái xanh: "Trời đất, hổng được đâu".

Anh nói thêm: "Nguy hiểm lắm, nếu không sóng to gió lớn thì.. súng đạn vô tình... sống - chết mỏng manh như sợi tóc". Không ai ngờ sang bên kia biên giới thuê đồng săn cá là loại nghề hạ bạc, lại có thêm góc khuất đến nao lòng....

Chuyến nhập môn kinh hoàng
Sau một ngày nài nỉ, cuối cùng Chín Kỳ đồng ý cho chúng tôi tháp tùng theo nhóm dân làm nghề cá ở Phú Lộc (Tân Châu- An Giang) sang bên kia biên giới đặt dớn, với điều kiện: "Hồn ai nấy giữ".
5 giờ sáng, lạnh cắt da. Sau một hồi nghe ngóng thời tiết, Chín Kỳ đã nổ máy ghe ngược kênh Bảy Xã, hướng lên cánh đồng mênh mông nước bên kia biên giới thẳng tiến, với lời giải thích: "Đi lúc này cho đỡ sóng gió".
Dù lên đường với phương án an toàn nhất, thế nhưng chỉ chưa đầy nửa giờ sau tôi đã bị hút vào vòng xoáy hung tợn của thiên nhiên. Ra khỏi kênh Bảy Xã được hơn 2 cây số, vừa đặt chân lên cánh đồng thuộc xã Omsano, huyện Lekdek, tỉnh Kandal, Campuchia thì bất ngờ trời nổi gió dồn dập.
Sóng từ biển nước lồng lộn khiến chiếc ghe lảo đảo như người say rượu. Cứ mỗi lần chiếc ghe chồm lên rồi đổ ập xuống theo cơn sóng là ruột gan tôi thắt lại, tim như chực vọt ra khỏi lồng ngực.
Vừa điều khiển chiếc ghe "né" sóng gió giữa "mê trận" của hàng trăm miệng dớn giăng mắc khắp biển nước mênh mông, Chín Kỳ vừa hét trong tiếng gió gào: "Mùa lũ, thời tiết thay đổi nhanh như trở bàn tay".
Rồi cái giọng "chém to, kho mặn" của Chín Kỳ bỗng chìm xuống khi thấy tôi ói thốc, ói tháo: "Ráng ngồi im một chỗ, đừng di chuyển... Xung quanh là đồng trống, nước sâu đến 3-4 mét, lật ghe là khó... sống".
Người tôi run bần bật một phần vì cái lạnh của tiết trời, một phần vì ám ảnh về cái chết. Tôi lả người ra vạt ghe thiêm thiếp thì bị Chín Kỳ đánh thức bằng cái giọng đầy sợ hãi: "Có ghe kiểm của tỉnh xuống, giấu kín máy chụp ảnh lại nghe".
Ghe kiểm tức ghe của lực lượng kiểm ngư tỉnh Kaldal. Theo lời Chín Kỳ, trong trường hợp này, nếu bị kiểm ngư phát hiện, chẳng những mất sạch túi mà còn cầm chắc bị ... ở tù.
Chưa kịp mừng ra mặt khi được Chín Kỳ thông báo chiếc ghe kiểm tra đột ngột quay trở về, mắt tôi tối sầm trở lại với nền trời đầy mây đen khói đèn. Theo kinh nghiệm của dân chuyên nghề hạ bạc, mây khói đèn xuất hiện thì nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa to, gió lớn.
Ngay lập tức, Chín Kỳ rú ga cho ghe lao vút về Chòm Gáo - nơi có 6 cây gáo cổ thụ quơ ngọn vượt khỏi mặt nước.
Được xem là địa điểm trú nạn duy nhất trên đồng nước Omsano, nhưng nhìn từ xa, những chiếc lá gáo lất phất theo gió trông như những cánh tay của những người sắp chết đuối đang vẫy cứu... vô vọng. Sau khi dùng sợi thừng gần 10 mét cột ghe vào chòm gáo, Chín Kỳ trấn an: "Đi "tàu bay" kiểu này tuy có chóng mặt, nhưng không sợ bị sóng nhận chìm ghe".
Gió rú liên hồi khiến chiếc ghe quay như chong chóng quanh chòm gáo. Hết lượn bên này lại vút sang bên kia, lúc này tôi cảm nhận được thế nào là đi ghe "tàu bay". Mãi đến khi mặt trời đứng bóng, sóng gió mới yên trở lại.
Nghệ nhân sông nước
"Không có tay nghề là lỗ thấu xương liền" - bằng giọng "Hai lúa" chính hiệu, Chín Kỳ đã đưa tôi trôi vào thế giới bí ẩn của nghề thợ dớn. Theo lời Chín Kỳ, ngoài tiêu chuẩn "số má" về tiền của và mối "quan hệ quốc tế", người làm dớn còn phải có nghệ thuật săn cá vào hàng cao thủ mới có thể tồn tại với nghề.
Nghề làm dớn bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 âm lịch. Chi phí vật tư cho mỗi miệng dớn khoảng trên 30 triệu, nhưng để thuê được mặt bằng để đặt dớn, người ta phải đầu tư gấp đôi - ba lần. Mấy năm gần đây, giá mỗi mét ngang của cánh đồng trải dài 3-4 cây số là 50-70 ngàn đồng.
Nhưng không phải cứ có tiền là thuê được chỗ. Cái lệ làm ăn ở đây rất tốn kém. Chín Kỳ thật lòng: "Gắn bó lâu năm như tôi và phải gởi gối đầu trước tiền thuê 3- 4 năm cũng chỉ kiếm được đồng nhì. Với lính mới nhập môn, may mắn lắm là thuê được đồng năm".
Thấy tôi ngẩn tò te, Chín Kỳ giải thích: Dân làm dớn chia cánh đồng thành 5 cấp. Đồng nhất là phía đầu nguồn nước, chỉ dành riêng cho các đại gia. Xuôi dần về biên giới Việt Nam độ 1-2 cây số là đồng nhì. Tương tự là đồng ba, đồng tư, đồng năm.
Khi nước lũ tràn đồng độ hơn nửa thước là bắt đầu mùa đặt dớn. Nhưng trước đó, các chủ dớn đã phải mất cả tháng ròng rã nghiên cứu để đưa ra quyết định vị trí đặt miệng dớn.
Chín Kỳ khẳng định: "Vị trí miệng dớn quyết định đến 90% thành bại. Nhiều lúc đang thất trắng, nhưng chỉ điều chỉnh lại vị trí miệng dớn, cá vô đông ken liền. Vì vậy, dân làm dớn nghiên cứu rất kỹ "thiên văn địa lý" và cũng giữ bí mật ngón nghề này một cách tuyệt đối".
Tuỳ theo kinh nghiệm gia truyền mà người làm dớn chọn vật quan sát, nhưng theo Chín Kỳ, phần lớn vẫn là đọc và giải mã bí ẩn từ vị trí tọa lạc, độ cao thấp, rồi cả màu sắc, hướng mặt tiền của ổ ong ruồi, hay hướng nở của bông điên điển, loài cây đặc sản của mùa lũ ĐBSCL.
"Nói là vậy, nhưng để phân tích cho được các ẩn ngữ này lại là một thách thức. Nhiều khi phải lấy hiện tượng chủ lực soi xét trong rất nhiều yếu tố phụ trợ khác, như sự di cư của đàn kiến lửa..., rồi qua nhiều phương án cộng - trừ - nhân - chia, kết hợp với kinh nghiệm từ nhiều năm trước mới có được phương án tốt cho vị trí đặt miệng dớn" - Chín Kỳ nhấn mạnh.
Phận bạc của nghề hạ bạc
Chú có biết vì sao người đời gọi cái nghề "đâm hà bá" này là hạ bạc không? Vì nó bạc bẽo đến không còn chỗ để bạc hơn được, giọng Chín Kỳ xúc động: "Những gì chú thấy chỉ mới là râu ria bên ngoài, còn sự thật bên trong thì... đời người làm dớn lênh đênh như con thuyền không lái. Khô mái dầm là khô túi ngay. Vì nghèo mà phải chọn nghề. Khi đã đầu tư tài sản vào rồi thì chẳng khác gì lỡ leo lưng cọp. Đến lúc này thì đi không nỡ, nhưng ở cũng không xong"...
Chín Kỳ bồi hồi nhớ lại quãng đời hơn 30 năm làm dớn của mình: Quê tôi ở vùng rốn của huyện cù lao Phú Tân (An Giang), vì trốn đi quân dịch mà chạy lên xã biên giới Phú Lộc (Tân Châu-An Giang) sống và gắn bó với nghề sang Campuchia thuê đồng đặt dớn".

Nhưng cá ngày một ít dần, còn chi phí ngày một cao, lại thêm bất trắc luôn rình rập nên nhiều năm lỗ, phải lấy tiền nhà bù vào. Cứ thế, sau 30 năm hành nghề, 30 lượng vàng gia bảo của Chín Kỳ lần lượt ra đi cho những cuộc đầu tư không hẹn ngày trở lại.
Ngoài mức lương 40.000đ/người/ngày, cộng bao cơm nước, cuối ngày chủ dớn còn phải bao luôn cả chi phí những tiệc nhậu quắc cần câu mới giữ được thợ. Như Chín Kỳ có 3 miệng dớn phải thuê 20 người, chi phí mỗi ngày lên đến bạc triệu. Rồi tiền phí cho mỗi lần thợ qua lại biên giới...
Mới đây, Chín Kỳ phải chạy vay nóng 3.000USD để chuộc 3 nhân công bị lực lượng kiểm ngư nước bạn tạm giữ không rõ lý do. Theo dân trong nghề đặt dớn trên tuyến biên giới Tây Nam, đây chính là nỗi kinh hãi mà tính chất hiểm nguy và khả năng dẫn đến con đường phá sản của nó cao gấp ngàn lần so với tai hoạ mà thiên nhiên mang lại.
Đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng trên gương mặt anh Nguyễn Văn Minh - một trong 4 công dân ở xã Thường Phước 1 (Hồng Ngự-Đồng Tháp), bị lực lượng kiểm ngư Campuchia bắt và giam giữ suốt 45 ngày đêm - vẫn chưa hết kinh hoàng.
Từ ngày bán gấp 3 công đất cuối cùng của ông bà để lại lấy tiền chuộc mạng, anh Minh về nhà như xác không hồn. Dường như gánh nặng của mấy chục triệu tiền nợ đã tiếp sức cho bệnh tật từ nhà tù quật ngã anh. Giờ đây, gia đình có 4 miệng ăn này trông chờ vào tiền mò ốc bươu vàng của người vợ.
Trước lúc chia tay, tôi đưa 20.000 đồng tặng cho 2 đứa con anh Minh. Ngay lập tức, cháu gái lớn chạy ào ra đường: "Con đi đong gạo chiều nghe ba". Hình ảnh tờ bạc 20.000 cong queo và cái âm thanh trong trẻo "đong gạo chiều" cứ ám ảnh tôi suốt chuyến đi và phần nào giúp tôi hé mở được một góc sự thật về thân phận bạc bẽo của người làm nghề hạ bạc trên biên tuyến giới Tây Nam này.

Theo Lao Động