itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Mới từ đất cũ

Mới từ đất cũ

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng gốm mỹ nghệ như bình hoa, bát đĩa, chao đèn, tượng… trên chất liệu đất đỏ và men da lươn cho thấy Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho làng gốm cổ truyền.

Theo dòng thời gian, gốm Thổ Hà từ lâu đã tắt lửa, gốm Bát Tràng trở nên lai tạp, chỉ còn gốm Phù Lãng ít nhiều giữ được vẻ chân chất, với các sản phẩm đặc trưng phủ men màu vàng thẫm, màu da lươn…

Nhưng các sản phẩm như chum, vại… dùng để đựng lương thực, thực phẩm vừa to, vừa nặng và dễ vỡ của gốm Phù Lãng dần dần không còn được ưa chuộng khi so với những sản phẩm có cùng công dụng, giá thành thấp, lại đẹp, bền ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Đứng trước nguy cơ trượt dốc và “tắt lò” (còn khoảng hơn 100 hộ làm nghề) của làng nghề, UBND xã Phù Lãng cùng những nghệ nhân làng nghề đã không tiếc công sức, tiền của để tìm cách giữ được nghề mà cha ông để lại; đồng thời phát triển, tạo cho nó một chỗ đứng trong xã hội. Thế là gốm mỹ nghệ Phù Lãng ra đời.

Làng gốm Phù Lãng

Người đi đầu và có công lớn phải để đến anh Vũ Hữu Nhung, người con của làng Phù Lãng. Tốt nghiệp khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1999; với tâm huyết và lòng yêu nghề, anh đã cùng với một số bạn bè đầu tư công sức vào làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ: bình hoa, đĩa bát trang trí làm bằng men sần… dựa trên màu sắc và chất liệu cổ truyền (da lươn, đất đỏ). Sản phẩm làm ra không chỉ mang tính hàng hóa mà ẩn sâu trong đó là lòng say mê nghệ thuật tạo hình, cùng ý tưởng sáng tạo của những người nặng lòng với vốn cổ quê hương. Họ đã thổi hồn vào đất làm cho mỗi sản phẩm có một sức sống và khả năng lay động cảm quan lạ lùng.

Tác phẩm mới từ đất cũ

Ngày nay, các sản phẩm như bình hoa, tượng thiếu nữ, đầu rồng… đã có mặt không chỉ ở trong nước mà còn ở cả một số nước châu Âu, châu Úc… Sản phẩm gốm mỹ nghệ Phù Lãng nhanh chóng được đón nhận bởi nó là sự đúc kết những tinh hoa mà cha ông ta đã mất hàng nghìn năm tạo dựng, hướng con người về cội nguồn dân tộc. Xưởng gốm của anh Nhung đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Dự tính đến cuối năm nay, anh Nhung sẽ đầu tư khoảng 800 triệu đồng để xây dựng lò nung, nhà xưởng, dây chuyền, máy nghiền đất, đá…. thay vì phải làm thủ công như trước đây.

Chính sự tích cực sáng tạo mẫu mã, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân để sản xuất ra nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, những cơ sở sản xuất như của nghệ nhân Vũ Hữu Nhung đã tạo cho gốm Phù Lãng một bộ mặt mới trên nền tảng truyền thống của “đất và lửa”.

Thu Giang