itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Massage của người khiếm thị

Massage của người khiếm thị

Một suất tẩm quất là 30 nghìn đồng. Khách đến đây ít người có thói quen boa tiền như những nơi có phòng riêng và những cô gái lành lặn lắm thủ thuật khiến khách mê mẩn bởi họ không phải là những cô gái có đôi mắt ướt biết cách đầy lòng đen đầy ngụ ý để khách hào hiệp móc hầu bao boa…

Nằm trong một con ngõ của phố Khâm Thiên cơ sở có tên là Minh Trường Xuân. Hình như tên của ba người sáng lập. Lâu lắm không đến, hình như đã hai năm. Nhưng nghe giọng của tôi nữ nhân viên tẩm quất khiếm thị Hường đã nói rằng quen, nhưng cô chưa nhớ ra. Khi tôi nhắc kỷ niệm một vài lần đến từ năm 2005 theo lời giới thiệu của anh Trường, chị Minh. Hường nhớ ra và kể lại vanh vách những lần tôi đến. Trí nhớ của Hường thật tuyệt vời, có những chi tiết mà cô nhắc tôi mới nhớ ra. Phải chăng ngoài cảm giác của đôi tai rất tốt, những người khiếm thị như cô còn có một trí nhớ hơn người bình thường. Hường làm ở đây đã 4 năm, những chàng trai cô gái khiếm thị cùng làm với cố cách đây 2 năm đã một người một hướng. Có cô đi lấy chồng, anh đi làm cơ sở khác. Duy nhất Hường còn trụ lại. Người ta cứ đến rồi đi, buồn lắm anh ạ. Cô đứng tần ngần khi nói đến một cô bạn làm cùng vừa đi lấy chồng năm ngoái. Đó là cái Lý, anh nhớ không. Tôi nhớ cái Lý trắng trẻo xinh xắn, Lý sinh năm 1982 nói luôn mồm. Rất hồn nhiên vui tính, đó là cô gái mù hay cười nói và nghịch ngợm nhất trong những nhân viên ở đây.

Tự tìm niềm vui

Cậu Tú đứng bên cạnh Hường bò người nằm trên bàn cười bảo:

- Lý là người yêu em đấy!

Hường quát:

- Thằng ôn con này, mày kém nó đến 5 tuổi mà yêu à!

Tú cười khúc khích, thì ra cậu trêu chị Hường. Tú vừa tẩm quất cho một phụ nữ chừng 28 tuổi đeo kính trắng có vẻ giàu có. Thấy Tú có vẻ thích đùa tôi trêu:

- Anh bảo, lần sau có chị nào đến, mày gọi anh đến làm hộ cho. Mày bảo anh là nhân viên mới. Làm cho chị ấy xong anh cho mày gấp đôi tiền.

Cậu chàng này thật vui tính, hầu như những người khiếm thị ở đây đều vui tính, thích bông đùa, họ rất hồn nhiên. Tú nghe tôi bảo vậy xổ ra một tràng:

- Được thôi, bao giờ có em gọi, có cả em gái 20 tuổi nữa nhé. Anh tưởng em làm cho họ thích lắm à. Khổ bỏ xừ đi được (đến đây cậu cười rất tinh quái) nhiều khi như cực hình. Khó nói lắm.

Hường nghe tiếng cười tinh nghịch ngụ ý của Tú mới chợt nhớ ra điều gì cô chỉ tay về phía Tú:

- A cái thằng này, bây giờ mới nhớ. Có một bà hơn bốn mươi tuổi lần nào đến cũng gọi điện trước đòi nó làm. Có lần không gặp nó, bảo người khác thay bà ấy nhất định không chịu. Hôm nào phải rình xem mày làm gì người ta.

Tôi không nhịn được cười với câu chuyện chị em nhà cô ta, tôi phì cười thành tiếng khi hỏi Hường là cô tự rình được hay thuê tôi rình hộ. Tú lại chen vào:

- Nói đến chuyện nhìn, hôm nọ có ông khách đứng làm gì em không biết, em đang đứng ở đây ông ấy hỏi là mày nhìn gì tao ghê thế. Em cũng chẳng nhịn được cười như anh bây giờ. Em bảo cháu có nhìn được gì đâu.

Tất cả đều rộ lên tiếng cười khi nghe xong câu chuyện khôi hài của Tú.

Massage của người khiếm thị

Cần mẫn làm việc. Ảnh: Hiếu Thanh

Hường mời chúng tôi lên phòng làm. Phòng tẩm quất kê 6 chiếc giường, có máy lạnh và quạt. Mát xa ở đây không phải mỗi người một phòng với tiếp viên nữ như ở nơi khác. Khách nằm dài thành dãy cho nhân viên xoa bóp. Một ông khách trung niên gáy khò khò mặc kệ cậu nhân viên muốn xoa bóp gì thì xoa. Một bài tẩm quất bài bản kéo dài đúng 1h. Cô nhân viên Trang người Huế làm cho tôi, Trang mới 20 tuổi. Cô làm ở đây được 2 tháng khi ra trường. Qua lời kể thì không phải người khiếm thị nào cũng làm việc được ở đây. Hàng năm người ta chọn trong số những người mù ở địa phương một số người, sau đó cho họ đi học nghề trên Hà Nội. Học xong sẽ được về nơi làm việc ổn định.

Nhà Trang ở huyện Hương Trà, cô là chị lớn , còn 2 đứa em trai nữa. Một năm cô về nhà một lần. Tự cô đi ra xe ô tô về nhà. Tôi nằm để cô bóp hai cẳng chân nhức mỏi vì chuyến tháp tùng khách du lịch. Hình dung một cô gái mù qua mấy lần chuyển xe trên quãng đường 700km về nhà. Lại còn tay xách, nách mang quà cáp Hà Nội trong một chiều giá rét của ngày tháng Chạp. Tôi hỏi cô có biết ca khúc Nam Ai không ? Trang gật đầu, cô bảo điệu Nam Ai khó hát và buồn lắm, hát lên rất nhớ nhà. Tôi thuyết phục mãi cô mới vừa bóp chân cho tôi vừa hát. Lúc đầu cô hát nhỏ, dần dần cô nhập hồn vào bài hát. Giọng cô mảnh như sợi tơ, da diết. Những người khách và nhân viên trong phòng im lặng. Họ cố không gây tiếng động để ảnh hưởng tới lới hát mong manh như sợi tơ của Trang. Điệu Nam Ai vốn dĩ đã buồn, nhưng ở đây hôm nay, một người con gái mù xa quê hương cất lên điệu hát quê nhà, trong lúc gồng cánh tay con gái yếu mềm bóp chân cho kẻ khác điệu hát trở nên não nùng, ai oán. Có thể tôi là kẻ vốn hay ngẩn ngơ trước những điều nhìn thấy, khiến tấm trạng trở nên đa cảm mới nghĩ vậy. Chứ mọi người quanh tôi và những người khiếm thị kia họ vô tư lắm. Họ có công việc để kiếm tiền, không phải trông mong vào lòng thương hại, bố thí như có lần Hường đã thổ lộ. Họ đã cảm thấy mình sống có ích, nuôi được bản thân và giúp đỡ được gia dình dù chút ít.

Sự thân thiện quý hơn những đồng tiền boa

Một suất tẩm quất là 30 nghìn đồng. Khách đến đây ít người có thói quen boa tiền như những nơi có phòng riêng và những cô gái lành lặn lắm thủ thuật khiến khách mê mẩn. Giá ở nơi kia là 100 nghìn, tiền boa ít nhất là 50 nghìn. Những cô gái có đôi mắt ướt biết cách đầy lòng đen đầy ngụ ý để khách hào hiệp móc hầu bao boa có bao giờ biết mình hạnh phúc lắm so với đồng nghiệp ở đây không. Chúng tôi ra về còn thấy Hường đứng tần ngần. Chắc cô cảm động vì chúng tôi đã nhẹ nhàng để lại cho các cô tiền bo. Hay những lần đến bao giờ chúng tôi cũng trò chuyện với các cô, các cậu như những người bạn thân. Không có khoảng cách. Đối với những người như họ, sự thân thiện ấy còn quý hơn những đồng tiền boa.

Hiếu Thanh