itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người mắc nợ những kiếp nghèo

Người mắc nợ những kiếp nghèo

"Đội trưởng" Bùi Văn Oanh.

Gần mười năm kể từ ngày ông Bùi Văn Oanh (thường gọi Ba Oanh) đập ống heo tiết kiệm để mua năm bộ đồng phục đưa đám, đến nay ông cũng không nhớ chính xác đã làm thiện nguyện cho bao người lầm than, khốn khó khuất mặt trên khắp nẻo đường. Địa chỉ quen thuộc của Đội mai táng Phước thiện Oanh lập tại số nhà 334/33A Đoàn Văn Bơ, Quận 4, TP HCM từ lâu đã được nhiều người biết đến.

Từ cái chết của người cha…

Mơ ước được làm việc thiện cho những người cùng khổ không có khả năng lo tang gia cho người thân xuất phát từ khi cụ thân sinh của ông Ba Oanh qua đời. Ngày ngày, trên chặng đường rong ruổi mưu sinh, mỗi khi trông thấy gia đình cùng cảnh ngộ như mình, ông Ba không khỏi chạnh lòng. Nỗi ám ảnh về người cha đã khuất lại hiện về. Hình ảnh những đêm đi ăn trộm cơm khô dùng làm thức ăn cho heo đem về nấu cháo như hiển hiện trước mắt ông… Món nợ kiếp nghèo khiến ông càng cảm thông sâu sắc với những người cùng khổ, nhất là người xa xứ.

Đầu những năm 80, gia đình ông lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cha nhắm mắt xuôi tay đã hai ngày mà vẫn không có áo quan để chôn cất, ông phải tới nhà đồn mua chịu cỗ quan tài với giá 200 ngàn. Bán hết gia sản trong nhà, vay mượn bà con lối xóm nhưng ông vẫn còn thiếu nợ 50 ngàn. Hơn ba năm chạy xe ba gác hốt xà bần và chở hàng thuê, ông mới trang trải xong món nợ ấy. Nhưng cũng từ đó, ông thấy mình mắc nợ nhiều hơn. Ấy là nợ nỗi đau của những người cùng khổ như mình phải khóc hết nước mắt vì không có tiền ma chay cho người nằm xuống.

Ba Oanh tự nhủ, một ngày nào đó có đủ tiền, ông sẽ thành lập đội từ thiện chuyên giúp đỡ những người nghèo khổ xấu số. Ông bắt đầu bỏ tiền tiết kiệm vào ống heo, hôm thì hai, ba ngàn, nhiều thì dăm, mười ngàn. Đằng đẵng gần hai mươi năm tích cóp, đến ngày 27/1/1997, ông quyết định đập ống heo. Số tiền dành dụm trong ngần ấy năm cũng đủ cho ông mua sắm một số trang thiết bị phục vụ đám hiếu như áo quần, cờ xí, màn treo, giá đỡ, nhang đèn…

… Đến ước mơ làm thiện nguyện

Có “đồ nghề”, ông bắt đầu đi vận động thanh niên trong các xóm lao động chung tay góp sức với mình. Nghe ông trình bày, nhiều người có hoàn cảnh như ông đã bằng lòng cùng làm thiện nguyện nhưng cũng không ít người nói ông là “gàn dở”, “làm chuyện không công”…

Khó khăn nhất với ông là tìm cách thuyết phục vợ để bà hiểu công việc mình làm. “Không chỉ ôn lại chuyện ngày xưa với bà mà nhiều khi đi chôn cất người ta, tôi nhắn bà tới phụ gia chủ lo trà nước cho người đến viếng, để bà nghe những người xung quanh nói về công việc của tôi và anh em trong đội làm… riết rồi bà ấy bị thuyết phục”, ông Ba chia sẻ.

Cuối cùng ông cũng tập hợp được 20 người để thành lập “đội mai táng phước thiện Oanh Lập”. Thành viên cao tuổi nhất đội là ông Nguyễn Văn Số, 76 tuổi; còn anh Nguyễn Hữu Phúc, 26 tuổi là người ít tuổi nhất. Anh em trong đội đều là dân lao động nghèo trên địa bàn quận 4 và vùng lân cận. Có người làm bảo vệ, người chạy xe ôm, lượm bao ni lông kiếm sống nhưng tất cả đều chung ý nguyện được làm công quả cho phước thiện. “Nhận thấy đó là việc làm rất có ý nghĩa, anh em góp sức, chung tay cùng nhau lo hữu sự cho bà con xóm nghèo”, ông Nguyễn Văn Long, đội phó đội mai táng phước thiện, tâm sự.

Ngôi nhà gần 20m2 nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở đường Đoàn Văn Bơ - quận 4 là nơi sinh hoạt của 11 thành viên trong gia đình ông cũng vừa là “đại bản doanh” của đội. Bốn người con của ông Ba Oanh đều tham gia vào đội mai táng với nhiệm vụ khiêng hòm. Một trong những “tiêu chí kén rể” của ông là “đồng ý để con theo đội khiêng hòm thì tôi mới chịu làm sui”!

Với kinh nghiệm từ việc học nghi lễ mai táng ở Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh), ông Oanh đã tổ chức những buổi thực tập cho các “tình nguyện viên” để họ nắm vững nghi lễ ma chay. “21 thành viên cũng đồng thời là 21 người đội trưởng”, ông Oanh giải thích việc “ai cũng có thể đứng ra chủ trì tang lễ khi ông vắng mặt” như vậy.

21 "tình nguyện viên" trong đội từ thiện.

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Bảng nội quy “bất di bất dịch” được đề ra ngay từ ngày đầu thành lập trên tinh thần đồng tâm tình nguyện của các thành viên trong đội mai táng: “tình nguyện làm công quả phước thiện, không nhận hoặc đòi hỏi làm phiền tang lễ, khi đến đem lại niềm an ủi, chăm lo mai táng, phục vụ hết mình khi người nằm xuống”.

Khi nhận được tin báo ở đâu có người xấu số nghèo khó qua đời, việc đầu tiên ông Ba Oanh làm là tập hợp anh em trong đội, phổ biến mỗi người một việc và cấp tốc đạp xe đi xin hòm. Đến nơi có tang gia, tùy khả năng của mỗi người mà đem theo lon gạo, nải chuối hoặc bó nhang… để phụ lo tang ma cho người quá cố.

Từ năm 2006 đến nay, trại hòm Liên Đức Thọ đã “ngừng cung cấp hàng” cho ông vì “nhu cầu quá nhiều, trại hòm không đáp ứng nổi”. May thay, một ân nhân đã chung tay cùng là cô Linh ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. “Nhưng đi khắp nơi, thuyết phục bằng mọi cách mà người ta không thương tình cho bộ áo quan thì tôi mới tới nhờ cô Linh. Ai cũng phải lo cho cuộc sống gia đình người ta nữa chứ…”.

Tính đến nay, “khách hàng” của đội mai táng do ông lập nên không kể trong Nam ngoài Bắc, từ 11 quận nội thành Sài Gòn đến Phan Thiết, Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau…, không phân biệt tuổi tác, giới tính, bệnh tật… Ông cũng không nhớ mình đã làm thiện nguyện cho bao linh hồn được siêu thoát, chỉ biết rằng, mỗi năm ông đi xin khoảng 400 chiếc hòm… Giấy khai tử của người chết, thư cảm ơn của thân nhân người quá cố dành cho đội… ông đều giữ lại đến ngày cuối năm mới đốt để “trả căn cước cho người ta”.

“Hãy cùng tôi chăm lo cho người bất hạnh…”

Đó là câu trả lời của ông Ba mỗi khi có người hỏi: “Ông cần giúp đỡ gì không?”. “Khó khăn thì rất nhiều nhưng tôi chưa bao giờ mở miệng xin tiền bạc của ai. Tôi chỉ ghé các trại hòm xin áo quan thôi. Tôi ngại người ta nghĩ mình lợi dụng mác từ thiện để trục lợi cho bản thân lắm…” - Những điều ấy được ông Ba khắc ghi trong lòng.

Nguyện ước của ông mong có một nhà tang lễ dành cho những người khốn khó. “Nếu có một miếng đất 2m x 3m ở bất cứ nơi nào, tôi sẽ dựng cột, che mái để cất những chiếc quan tài xin được, hơn nữa, đó sẽ là nơi làm tang lễ cho những người không chốn nương thân chẳng may qua đời”. Hiện nay, xe ba gác không được lưu thông nữa, việc vận chuyển quan tài sẽ gặp nhiều trở ngại nhưng “tôi và anh em trong đội sẽ khắc phục mọi khó khăn để giúp đỡ người nghèo xấu số”, ông Ba Oanh khẳng định.

Tâm nguyện suốt đời làm việc thiện của ông còn được minh chứng bằng việc ông sẽ hiến xác cho bệnh viện để “không ai phải bận tâm cho mình”. Ông cũng mong mỏi lập ra một quỹ tương trợ anh em trong đội chứ “cả năm theo mình làm việc thiện nhưng Tết đến mỗi người chỉ được ký gạo và gói thuốc lá, tôi xót xa lắm…”. Giọng ông nghèn nghẹn, giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già làm câu chuyện giữa chúng tôi như dài hơn…

Sau mỗi chuyến đi thiện nguyện, ông Ba Oanh lại trầm tư hơn. Dẫu biết công việc mình làm phần nào đem lại chút ấm áp cho người đã khuất cũng như thân nhân của họ, nhưng ông vẫn thấy chạnh lòng vì “cuộc sống còn nhiều người cực khổ quá”. Hình ảnh những em nhỏ lang thang kiếm sống qua ngày, tối co quắp bên vỉa hè, góc phố lại khiến ông day dứt. “Những người bị nhiễm HIV tôi vẫn chăm lo chu đáo như những người nghèo khác. Bởi sinh ra, họ cũng là những phận người. Họ có lỗi với người thân, với xã hội chứ họ không mắc lỗi với mình. Khi họ xong phận sự là một - con - người trên cõi đời thì mình giúp linh hồn họ được thanh thản về nơi chín suối”.

Giáng Tiên