itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Phố tiệc cưới - những chuyện vui buồn

Phố tiệc cưới - những chuyện vui buồn

Bên cạnh nỗi lo thời tăng giá, nỗi lo tăng ca, nỗi lo làm sao mua được tấm vé về quê ăn Tết thì rất nhiều công nhân trẻ ở “phố công nhân” xa lộ Đại Hàn, KCN Sóng Thần (Bình Dương) còn có một nỗi lo cho... đám cưới.

Những người công nhân ở đây đa số đều là người xa quê và còn rất trẻ. Làm lụng tuy vất vả nhưng họ vẫn cùng nhau dệt nên những câu chuyện tình yêu, tuy nghèo nhưng cũng đầy lãng mạn.

Và những lo toan để có một đám cưới, dù là đám cưới nhỏ nhưng ít ra cũng phải đầy đủ lệ bộ trong thời buổi tăng giá chóng mặt là điều họ phải trăn trở rất nhiều.

Đoạn trường tìm nơi tổ chức

Nguyên - chàng trai đến từ Nam Định hiện đang làm công nhân nhà máy sản xuất chế biến đồ dùng gia đình tại Linh Trung. Sau 3 năm “đóng chốt” nơi đây, Nguyên đã đem lòng yêu Hà - cô gái người Hà Nam - làm ở một công ty may và ở gần phòng trọ.

Bén duyên, giờ chuyện cưới đang là nỗi lo đối với họ. Cứ hết giờ làm, Nguyên lại đi tới các nhà hàng chuyên tổ chức đám cưới để tranh thủ tìm hiểu. Kể ra nếu đủ tiền thì không thiếu gì địa điểm có thể tổ chức. Nhưng đằng này gom góp cả mấy năm trời, cả hai cũng chỉ dư được khoảng 10 triệu, trừ các khoản chi như chụp hình, quần áo cũng đã mất hết hơn nửa. Còn lại thì tiền lễ ăn hỏi, lễ cưới.

“Nhưng đấy là em tính hồi cách đây 2 tháng, còn giờ giá cả tăng, nhà hàng nào cũng tăng giá cỗ nên khó quá” - Nguyên không giấu vẻ lo lắng.

Sau khi tham khảo giá cả ở một số trung tâm tiệc cưới, cuối cùng Nguyên rủ tôi đến “phố tiệc cưới” ở khu công nghiệp Sóng Thần. Đây là một dãy nhà hàng nằm trên xa lộ Đại Hàn, gần cầu vượt Sóng Thần.

Lợi thế ở khu tiệc cưới này là giá cả và dịch vụ rất…công nhân. Một bàn ăn “hoành tráng” giá chỉ từ 450 - 600 ngàn đồng, chưa kể thức uống. Khách đặt 5 bàn cũng được, 10 bàn cũng xong.

Nhà hàng được thiết kế theo kiểu… dã chiến: Nghĩa là có những bức ngăn di động, muốn phòng tiệc rộng bao nhiêu thì che bấy nhiêu. Lối đi vào bàn tiệc cũng rộng thoải mái, 3 đám, 5 đám cũng có thể tổ chức cùng lúc trên một diện tích mà chỉ cần vài cái cổng hoa bày dàn hàng ngang, khách của ai thì tự tìm cổng đó mà vào.

Tiếp chúng tôi tại nhà hàng Hoàng Long - cô gái tiếp tân cười rất tươi: “Xin lỗi các anh, ngày các anh đặt đã kín chỗ rồi”. Cô đưa cho chúng tôi cuốn sổ nhận đặt tiệc, buổi trưa, buổi chiều các ngày thứ Bảy, Chủ nhật dịp cuối năm ngày nào cũng gần 20 tiệc cưới (với diện tích của cả nhà hàng gần 2.000 m2 thì quả thực đây xứng đáng là con số kỷ lục).

Chạy qua Nhà hàng Thanh Minh gần đấy, tình trạng cũng tương tự như vậy - đều hơn chục đám cho những ngày cuối tuần.

Đi gần chục nhà hàng, cuối cùng cũng có nhà hàng Quốc Thanh nhận lời chúng tôi, nhưng vị trí đặt bàn là ở vỉa hè và chỉ đặt được 12 bàn là tối đa. Nguyên thở phào: “Được rồi! em chỉ cần 10 bàn là được”.

Đặt cọc tiền, khảo sát từng món ăn, cô nhân viên dặn đi dặn lại: “Đây là giá thời điểm này, trước ngày cưới nhà hàng sẽ nêu giá cụ thể”.

Cô giải thích với chúng tôi kỹ lưỡng về giá cả chợ búa, dù nhà hàng có mua tận gốc thì giá vẫn tăng từng ngày nên không thể có mức giá cố định.

Những dịch vụ giản đơn

Nhưng đãi tiệc chỉ là một phần nhỏ trong nhiều “hạng mục” của một lần cưới xin. Trang điểm, quần áo, chụp hình rồi đưa đón dâu…, tất cả những thứ đó đều ngốn tiền cả.

Chẳng dám đòi hỏi những dịch vụ cưới cao cấp có giá từ chục triệu trở lên, những cặp uyên ương ở các khu công nghiệp thường chỉ chọn những điểm dịch vụ có sẵn ngay tại nơi mình ở.

Giá trang điểm một lần chỉ 50 - 100 ngàn đồng, giá thuê bộ áo cưới cô dâu chỉ 100 đến 200 ngàn, giá chụp hình một cuốn album chỉ trên một triệu đồng... Nghĩa là, chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với giá ở các dịch vụ tại Trung tâm TPHCM. Nhưng đúng là tiền nào của nấy!

Chúng tôi đi xem giá một số dịch vụ, những chiếc áo cưới cô dâu dường như đã được mặc tới cả chục lần, vết sờn vẫn còn lưu trên tay áo. Một cuốn album thì cũng chỉ có chừng 15 tấm ảnh, studio là “cây nhà lá vườn”, chắp ghép giản đơn bằng bìa các tông, mút xốp giả làm núi non, biển nước. Còn trang điểm thì toàn những mỹ phẩm rẻ tiền.

“Nhưng biết sao được anh - Nguyên bảo - Đời người chỉ cưới có một lần, ai chẳng muốn có đầy đủ lệ bộ. Thôi thì ít tiền mình chọn cái ít tiền vậy”.

Sau khi tham khảo giá, Nguyên chọn dịch vụ bao trọn gói, gồm một bộ veston cho chú rể, hai bộ áo cưới cho cô dâu cùng trang điểm chụp hình… với giá 2 triệu đồng.

Chuyện chọn “giờ G”

Ngày được các đôi uyên ương chọn là ngày tổ chức thường là buổi trưa Chủ nhật. Giải thích của nhiều đôi đã kinh qua ngày cưới này là: Ngày Chủ nhật công nhân mới được nghỉ và vào buổi trưa thì những bà con, anh em ở xa mới có điều kiện dự xong rồi kịp về.

Cũng có những đôi đã chọn vào buổi tối các ngày khác, thế nhưng không ít đôi gặp tình cảnh trớ trêu như đúng ngày cưới thì xí nghiệp phải tăng ca gấp để kịp hàng cho khách. Dù có linh động lắm thì Giám đốc xí nghiệp chỉ đồng ý giải quyết cho một vài người tham dự. Thế là mâm cỗ ế gần hết.

Rồi chuyện cúp điện vào buổi tối cũng là điều đáng lo ngại. Đã có những đám phải ăn tiệc trong ánh nến bởi nhà hàng giá bình dân thì đào đâu ra máy phát điện.

Điều không kém phần quan trọng là tổ chức tiệc vào Chủ nhật, các nữ công nhân còn có thời gian để mà trang điểm son phấn, chuẩn bị váy áo… Cũng là một chút khoe nhan sắc của mình để hy vọng sẽ lọt mắt xanh chàng trai nào đó. Nhiều đôi bạn đã nên vợ nên chồng từ những lần đi dự đám cưới, bởi suốt ngày cắm đầu vào công việc, thời gian đâu mà gặp gỡ làm quen hay là tán tỉnh.

Hạnh phúc bình dị

Ngày đám cưới quả thực là ngày hội đối với những người công nhân.Thoát khỏi bộ đồng phục công nhân, khoác những bộ cánh mới, họ tụ tập thành từng nhóm, đi bộ hay đi xe đạp đến đám cưới. Nơi đó, hàng chục cô dâu chú rể đã đứng sẵn ở từng cổng hoa, mỗi cổng chỉ cách nhau chừng …vài mét. Tiếng chào hỏi, tiếng chọc ghẹo bằng ngôn ngữ đủ các miền vang lên ồn ào.

Bên trong, những bàn tiệc được kê gần sát nhau, thậm chí các bàn của đám nọ cách bàn đám kia chỉ bằng một sợi dây giăng ngang. Bàn sát bàn, những chiếc quạt dù bật hết công suất cũng không làm giảm đi cái nóng hầm hập, lại thêm những món ăn nóng khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Nhưng không hề gì. Mọi người vẫn ăn uống, chúc tụng. Dường như những khó khăn không làm đám cưới giảm đi những niềm vui ngày cưới.

Tiệc tan khá nhanh, hàng loạt cô dâu chú rể lại đứng tiễn khách. Nụ cười vui trên khuôn mặt mà son phấn đã bị nhoà đi vì mồ hôi. Khách cuối cùng ra về, giờ mới tới lượt các cặp uyên ương ngồi cộng sổ.

Tiền mừng được mở ngay ra tại chỗ để thanh toán tiền đãi tiệc. Đám của Nguyên trừ hết mọi chi phí còn dư ra được gần 3 triệu đồng. Nguyên thở phào: “Như vậy là tốt quá rồi anh ạ! Số dư ra này chắc hai chúng em gửi vào tiết kiệm. sống chung sẽ còn nhiều khoản phải chi lắm”.

Hai vợ chồng Nguyên lên xe máy. Họ đi về nơi phòng trọ của Nguyên, nơi đó mấy người bạn đã thu xếp để có được phòng tân hôn dù giản dị nhưng cũng có hoa, có nến.

Họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc, dù rằng vẫn còn rất khó khăn bởi đồng lương eo hẹp của người công nhân. Nhưng họ sẽ cố để vượt qua như nhiều vợ chồng công nhân khác.

Theo TPO