itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Sống ý nghĩa từng ngày còn lại

Sống ý nghĩa từng ngày còn lại

Ông Michael R. Doyle (giữa): “Không lạc quan thì sẽ chết”.

“Cuộc đời có lúc đặt tôi vào một ranh giới mong manh, nếu không lạc quan thì sẽ chết” – Michael R. Doyle, người Mỹ – một doanh nhân có hơn hai mươi năm sống tại Việt Nam đã nói như thế. Tôi không nghĩ rằng người đàn ông trước mặt mình với nụ cười tươi rói, gương mặt bình thản lại đang mang trong người căn bệnh quái ác, và thời gian sống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Năm 1992, ông Doyle đến Việt Nam với cương vị giám đốc điều hành một tập đoàn tài chính. Sự nghiệp đang trên đà thành công thì năm 2008, trong một lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, bác sĩ cho biết ông bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối! “Khỏi phải nói tôi lúc đó khủng hoảng đến mức nào. Cả bầu trời sụp đổ trước mắt. Trước đó tôi chẳng gặp triệu chứng nào bất thường từ cơ thể. Căn bệnh như là bản án tử thần khi bác sĩ bảo tôi chỉ còn sống được nhiều nhất là năm năm” – Doyle thổ lộ.

Chẳng có phương pháp điều trị nào cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, bác sĩ chỉ cho thuốc nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh. Doyle đã về Mỹ, sang Singapore tìm hiểu, điều trị bệnh nhưng ở đâu cũng chung một kết quả. Ông chia sẻ: “Căn bệnh này không có bất cứ biểu hiện nào. Bên ngoài mọi người có thể nhìn thấy tôi là một người bình thường, nhưng lắm khi bệnh hành, tôi bị đau buốt khi đi tiểu, gặp nhiều vấn đề về tiêu hoá, đường ruột và thường xuyên đau, khó chịu ở vùng lưng, hông. Bệnh gây khó cho công việc hàng ngày. Nghĩ đến những lời bác sĩ nói, có khi tôi đếm mình còn bao ngày được sống. Cái chết cũng là nỗi ám ảnh hàng đêm. Có lúc tôi nghĩ mình đã thua cuộc... Nhưng tôi may mắn có vợ luôn bên cạnh. Cô ấy theo tôi đến khắp các bệnh viện trong và ngoài nước”.

“Tôi không muốn bất cứ đứa trẻ nào ra đi trong đớn đau”

Từ sự ủng hộ của người vợ và gia đình, Doyle quyết tâm chạy đua với căn bệnh tử thần. Ông kể: “Không có thuốc điều trị, tôi làm theo cách mà nhiều bệnh nhân khi đối diện với bạo bệnh đã làm. Đó là tập sống lạc quan, mạnh mẽ, một tinh thần thanh thản, một chế độ ăn uống và luyện tập điều độ mỗi ngày. Cũng bốn năm trôi qua rồi, tôi chuẩn bị đối diện với năm thứ năm theo như bác sĩ phán đoán. Nhưng tôi vẫn khoẻ mạnh và sống tốt với những gì mình đang có”.

Trong quá trình điều trị, Doyle đã đến thăm nhiều bệnh viện và trung tâm ung bướu tại Việt Nam. Ông nhận thấy việc nghiên cứu điều trị ung thư ở trẻ em nhận rất ít sự hỗ trợ, tỷ lệ thành công cũng không cao. Bệnh nhi ung thư Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn bệnh nhi các nước. Đau đáu với những cơn đau hiện qua ánh mắt của các bệnh nhi bé nhỏ, tháng 11.2011, Doyle tự lập nên quỹ Vì trẻ em ung thư Việt Nam (Kids with Cancer Foundation of Vietnam). Ông chia sẻ mục đích của mình: “Tôi đặt ra cho mình một mục tiêu cũng quan trọng như mục tiêu tiếp tục cuộc sống của mình. Đó là nâng cao tiếng nói của bệnh nhi ung thư ở Việt Nam, gia đình các cháu, để xã hội hiểu biết thêm về căn bệnh quái ác này và chung tay giúp các cháu chữa chạy hiệu quả. Tôi được biết tỷ lệ sống thêm năm năm của bệnh nhi ung thư ở Việt Nam hiện chỉ có 10%, và tôi muốn tỷ lệ này tăng lên 50% trong ba năm tới”.

Với mong muốn đó, Doyle duy trì hoạt động của quỹ bằng chính tiền túi của mình. Bên cạnh đó, ông làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho quỹ và các chương trình huấn luyện bác sĩ nhi Việt Nam về kỹ thuật chẩn đoán ung thư sớm, lên phác đồ điều trị phù hợp với những kết quả nghiên cứu mới nhất. Tháng 3.2012, Doyle tìm được đối tác phù hợp tại viện Nghiên cứu ung thư trẻ em Greehey, đại học Texas (Mỹ). Và viện Greehey đã cam kết tiến hành một chương trình huấn luyện nhiều năm cho các trung tâm ung bướu nhi khoa Việt Nam, kết hợp với các bệnh viện Huyết học TP.HCM, bệnh viện Ung bướu và bệnh viện Nhi đồng 2.

Với tâm nguyện “dù chỉ còn một ngày cũng phải sống thật ý nghĩa”, Doyle cho biết: “Tôi đang lên kế hoạch tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ nước ngoài để có thể thiết lập một ngân hàng dự trữ tuỷ Việt Nam, xây dựng mô hình trung tâm chăm sóc và giúp giảm đau cho trẻ em. Tôi không muốn bất cứ đứa trẻ nào ra đi trong đớn đau”. Với nguyện ước đó, Doyle vừa tiếp tục sự nghiệp kinh doanh, vừa chăm lo cho quỹ Vì trẻ em ung thư Việt Nam, và không quên hàng tháng đến bệnh viện Huyết học để điều trị cho mình. Sự quyết tâm không thể thua bệnh tật đã mang đến cho Doyle món quà lớn, đó là hai cô con gái xinh xắn.

Nguyên Cao (ảnh nhân vật cung cấp)

GS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh, trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Bình Dân, TP.HCM:

Bệnh nguy hiểm vì không có triệu chứng báo trước

Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư chiếm tỷ lệ cao ở nam giới (thường tuổi trên 50), có diễn tiến thất thường nhưng âm thầm và hoàn toàn không có triệu chứng. Đa số bệnh nhân phát hiện ra bệnh là do tình cờ, thông qua kiểm tra sức khoẻ định kỳ hoặc phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt. Người ta chưa biết nguyên nhân gây ung thư, chỉ có thể nghi ngờ một số yếu tố như: di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, làm việc trong môi trường hoá chất. Việc điều trị tuỳ thuộc vào các nhân tố, giai đoạn của ung thư. Nếu bệnh nhân quá nhiều tuổi hoặc có các vấn đề khác về sức khoẻ thì việc phẫu thuật cắt bỏ, hay các thủ thuật khác không hẳn có lợi cho bệnh nhân. Nếu gặp phải một số dấu hiệu như rối loạn tiểu tiện, đi tiểu bị đau buốt, thường xuyên bị đau các vùng lưng, hông, mất ngủ... bệnh nhân nên đến bệnh viện để thăm khám. Ở tuổi năm mươi trở lên, nam giới nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt mỗi năm một hoặc hai lần. Nếu trong gia đình có người từng bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên khám, kiểm tra từ tuổi bốn mươi.