itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Thảm họa làng Nành ngày ấy...

Thảm họa làng Nành ngày ấy...chuyện bây giờ mới kể

Làng Nành bây giờ

ItaExpress - Những cơn gió quái ác đã bốc lửa từ chỗ này ném sang chỗ kia. 32 ngôi nhà tranh vách đất cùng với vật nuôi, đồ dùng và kể cả tính mạng con người đã biến thành tro bụi trong sự cố gắng đến tuyệt vọng của người dân xóm Tám…

Câu chuyện ấy giờ chỉ còn trong trí nhớ của của những người già trong làng Nành xưa, nay gọi là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đã gần 70 năm trôi qua, thời gian đã đủ để làm mờ đi nhiều thứ, nhưng đối với cụ Lâm Văn Chuẩn thì cái ngày 22 tháng 9 năm Mậu Dần (tức năm 1938), khi cụ mới 7 tuổi mãi mãi là cơn ác mộng kinh hoàng…

Đứa trẻ mồ côi và cú vấp oan nghiệt

Cậu bé Chuẩn không may mắn như những đứa trẻ khác, mất bố từ khi trong bụng mẹ, lên ba tuổi thì mất nốt mẹ. Cậu sống với người chị cùng mẹ khác cha. Chị nuôi được mấy năm thì hai vợ chồng chị bỏ nhau. Thế là cậu phải làm lấy mà ăn, đó là khi đó cậu mới 6 tuổi. Làng cậu vốn có nghề chế biến dược liệu truyền thống nên hàng ngày, cậu sống bằng nghề chặt hạt sen, cả nghề thông tâm sen và dỗ trẻ, làm cho người ta thì có cái mà ăn thôi. Cũng như mọi ngày, hôm ấy, cậu bé Chuẩn quấn một cái giẻ bằng ngón tay, sang bên nhà ông Bành xin lửa. Về đến đúng cửa bếp, không may, bé Chuẩn bị vấp ngã. Sẽ như mọi cú vấp như những đứa trẻ khác nếu như trên tay cậu không có mồi lửa vừa xin về.

Nông thôn ngày ấy và cả bây giờ, nhiều nơi chất đốt chủ yếu là rơm rạ, trời hanh khô, ngọn lửa bén nhanh như bị phù phép. Những cơn gió quẩn lên, bốc lửa từ nơi này ném sang nơi khác như một trò chơi tai quái của tự nhiên. Tất cả những gì mà bây giờ cụ Chuẩn còn nhớ là cụ lấy chầy đập, múc nước dội vào…nhưng ngọn lửa vẫn cứ bốc cao như đổ dầu. Những ngôi nhà tranh vách đất lần lượt biến thành những cột lửa và đổ sụp trong sự cố gắng đến tuyệt vọng của người dân làng Nành. Cụ Chuẩn bây giờ tức là cậu Chuẩn ngày ấy đã bỏ chạy trong cơn hoảng loạn. Chạy mãi… chạy mãi…như bản năng sống còn và của sự sợ hãi, cậu chạy vào nhà cụ lang Tứ, cậu ruột mình ở xóm Một. Cậu nằm trên giường, chả hiểu run quá thế nào mà bật cả xuống đất.

Mấy hôm sau cậu mới trở về chỉ mong sao tất cả chỉ là cơn ác mộng. Nhưng… mới đấy là ngôi nhà của bà quả Tếch, nhà cụ Quý, ông Na, ông Tiến, ông Gián, nhà họ Lâm…32 ngôi nhà của xóm Tám, làng Nành giờ chỉ là những đống tro tàn, trống hoác trước mặt cậu. Cụ lý Tư và ông chưởng bạ Khê đưa cậu lên phủ Từ Sơn, quan phủ sai đưa cho một cái nồi, gạo và yêu cầu cậu nấu cơm cho quan phủ xem bởi họ không tin một đứa trẻ bé như thế lại biết đi xin lửa về để nấu cơm, họ nghĩ ai đó đã xui cậu nhận tội thay. Dưới bàn tay khéo léo của cậu bé mồ côi ấy, nồi cơm chả mấy chốc toả mùi thơm. Và thế là cậu được trả tự do. Nhưng…

Cuộc sống tha hương

Dẫu cho đó chỉ là một tai nạn của đứa trẻ lên 7, nhưng khắp làng trên xóm dưới chỉ rặt những tiếng khóc than, chửi rủa, nhiếc móc cậu. Một người chết cháy, bao nhiêu người bị bỏng, 32 ngôi nhà cùng dược liệu, vật nuôi, tài sản ki cóp được trong phút chốc biến thành tro bụi đồng nghĩa với việc cháy rụi sự cảm thông và vị tha của dân làng đối với cậu bé mồ côi tội nghiệp ấy. Cậu đã bỏ làng ra đi như một kẻ chạy trốn, chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi rằng : đến năm 18 tuổi cậu sẽ bị bỏ tù, chạy trốn khỏi những giấc mơ kinh hoàng về cái ngày oan nghiệt ấy. Cậu lang thang khắp Phú Thọ, Thái Nguyên… tiếp tục cuộc sống ở muớn, làm thuê. Đến năm 1951, khi 20 tuổi, ông yêu và lấy người con gái cùng cảnh tha hương là bà Nguyễn Thị Bắc quê Thái Bình lên Yên Phong, Bắc Ninh làm mướn. Khi ấy, vụ thảm hoạ làng Nành đã lùi vào thời gian được 13 năm …

 
Sau gần 70 năm, ám ảnh vẫn không nguôi trong lời kể của cụ Chuẩn. Ảnh Nguyễn Cát  

Cậu vẫn không trở lại quê dẫu cho bấy giờ cậu không còn sợ người ta bỏ tù cậu như lời oán trách năm nào. Cái xóm Tám toàn nhà tranh vách đất cháy rụi, hoang hoác ngày nào vẫn hằn sâu như một nỗi ám ảnh

Thời gian lang bạt xứ người cậu đã học được nghề đóng giầy dép, và từ cái nghề ấy cậu đã mua được chiếc xe đạp. Khi chiến dịch Điện Biên phủ nổ ra, cậu đã cùng chiếc xe đạp ấy hoà vào đoàn dân công hoả tuyến, chung sức cho thắng lợi cuối cùng của toàn dân tộc...

Ông già đóng giày lặng lẽ

Khi tôi tìm về đến làng Nành xưa, nay là xã Ninh Hiệp, tôi chỉ thấy sự thay da đổi thịt của một làng quê năng động trong thời buổi kinh tế thị trường. Ninh Hiệp giờ đây giàu có, nhộn nhịp kẻ bán người mua bởi chợ vải với sức tiêu thụ nổi tiếng, nó, đủ sức cung cấp vải cho toàn miền Bắc. Hầu như cả làng đi buôn bán vải. Tôi tìm đến với xóm Tám, nơi xảy ra vụ hoả hoạn khốc liệt năm nào. Chả còn đâu chút tàn tích đau xót của năm xưa, đã gần 70 năm, cuộc sống không ngừng sinh sôi nảy nở và cái xóm nhỏ có truyền thống chế biến dược liệu, cái xóm duy nhất trong tổng số 9 xóm của Ninh Hiệp không buôn bán vải ấy cũng không nằm ngoài qui luật… Cụ Chuẩn đã trở về làng dẫu chỉ là thăm họ hàng hay nhân dịp giỗ chạp nào đó. Cũng chả còn ai nhắc lại với cụ về vụ hoả hoạn thuở xưa. Người ta có nhiều việc phải làm hơn hoặc giả họ cũng không muốn nhắc đến chuyện đau xót ấy. Chả thế mà cụ Vạn, nay đã 85 tuổi, một trong rất ít người còn minh mẫn nhớ như in cái ngày khủng khiếp ấy, cái ngày cụ mới 15 tuổi mếu máo bồng em chứng kiến những ngôi nhà của xóm làng bốc cháy, cụ đã xua tay bảo lũ chúng tôi : “… thôi, lâu ngày rồi, nhắc lại người ta mắng cho. Sợ quá, nhắc đến người ta đau xót, mình còn nhắc đến làm gì. Đau xót quá mà người ta đã đặt vè đấy. Hai cái người đặt vè ấy xong là họ đi Nam kỳ, một ông tên là Thơm, giờ thì họ chết hết cả rồi…”.

Dấu vết về trận hỏa hoạn kinh hoàng chỉ còn trong ký ức của người già. Ảnh Lại Thu Giang

Cụ Chuẩn có biết bài vè ấy không? Có, cụ có biết, nhưng cụ đã không thể đọc hết bài vè ấy cho tôi nghe. Giờ đây, cụ sống cùng con cháu ở phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nôi. Nơi cách làng Nành của ông không mấy là xa. Đã gần 70 năm qua, giờ bước sang tuổi 78, câu chuyên ngày nào cụ chôn chặt ở trong lòng. Có lẽ cụ đã cảm thấy suốt quãng đời của mình sau đó đã làm hết khả năng có thể của mình để phục vụ đất nước nên cụ đã không ngần ngại mà kể lại cho tôi nghe. Cụ tự hào với những ngày tham gia dân công hoả tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên phủ, cụ tự hào với những ngày tham ra tự vệ của khu phố, biến nhà mình làm nơi trung chuyển cán bộ trong những ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Hoà bình rồi, sau bao nhiêu lần đổi nghề, cụ lại cặm cụi sống một cuộc sống khiêm nhường với nghề đóng giày dép học được từ cuộc sống tha hương. Ký ức thời gian chỉ còn lại trong trí nhớ và trong tấm huy chương kháng chiến hạng Nhất. Nhìn vào tấm huy chương, cụ buồn rầu kể: “Đáng lẽ là tôi được trong đợt xét tặng năm 1999, nhưng chả hiểu vì lí do gì đó mà tên tôi bị viết nhầm thành tên một người khác. Các con tôi phải kiến nghị mãi đến vừa mới năm ngoái đây tôi mới được đấy, mà chỉ được nhận về tấm bằng đó thôi chứ không hề có một đồng tiền thưởng nào. Mặc dù, không có nó tôi cũng chả đói đi mà có nó tôi cũng chả giầu lên được, nhưng với tôi, nó là danh dự…”.

Phải, với những người như cụ, nó không chỉ là sự xác nhận của nhà nước về công lao của mình, hơn thế, nó còn là danh dự của con người. Tôi hiểu rằng cái danh dự ấy đối với cậu bé Chuẩn 7 tuổi ngày nào bây giờ là cụ Chuẩn còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần…

Khi tiễn tôi ra cửa, như chợt nhớ ra điều gì, cụ cười hấp háy: “Mai tôi mời cháu về làng Nành của tôi ăn giỗ nhé!”

Nhuệ Giang đêm …

L. T. G

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.