itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tháng 7 về thăm Đồng Lộc

Tháng 7 về thăm Đồng Lộc

Dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc

(ảnh: Blog 360)

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên cung đường Trường Sơn, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từ lâu đã trở thành một địa danh huyền thoại với câu chuyện mười cô gái Thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu hy sinh ở tuổi đôi mươi. Rất trẻ…

Thời kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là con đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc và chiến tuyến miền Nam. Chính vì giữ một vai trò quan trọng về mặt quân sự, nơi đây từng hứng chịu nhiều đợt bom đạn tàn phá khốc liệt.

Các cô gái Thanh niên xung phong đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Thường thì mọi hoạt động ở Ngã ba Ðồng Lộc đều diễn ra về đêm vì ban ngày máy bay Mỹ bắn phá rất dữ dội. Nhưng ngày 23/7/1968, đội TNXP của các cô gái nhận được lệnh đặc biệt của Ðại đội là phải thông đường. 10 cô gái với cuốc xẻng trên vai đã ra ngã ba giữa ban ngày làm nhiệm vụ, chỉ có mấy chiếc hầm sơ sài ở chân đồi che chở, sự sống sót chỉ hoàn toàn trông chờ vào may mắn. Sau mấy lần máy bay trinh sát điện tử A35 rẹt qua, buổi chiều hôm ấy 15 lần các tốp máy bay địch lao tới trút bom vào mục tiêu nhỏ xíu phía dưới ngã ba mù mịt vì khói bom. Tiểu đội các cô bị bom vùi hết lần này đến lần khác, các cô vẫn kiên trì, dũng cảm rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Nhưng điều gì đến phải đến, lượt bom thứ 15 ấy, một quả bom đã rơi ngay trước cửa hầm của các cô gái. Một phút trôi qua...rồi năm phút trôi qua, trên đài quan sát không thể nào nhìn thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy và các cô gái ấy vĩnh viễn bỏ dở công việc ngày hôm đó. Các cô đã hy sinh! Mặc cho nhân dân xóm Bãi Địa gọi khản cổ tên từng người. Chỉ còn trước mắt mọi người một hố bom sâu hoắm; những chiếc xẻng, chiếc cuốc văng xa lăn lóc. Không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên nức nở, tiếng khóc của những người đồng đội.

Xác các cô gái được đồng đội đau đớn tìm thấy, ngoại trừ cô Hồ Thị Cúc. Cả mặt trận quyết tâm phải tìm bằng được Cúc bởi 10 cô gái đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như chị em một nhà, nên phải tìm bằng được Cúc rồi mới tổ chức an táng cho các cô. Ba ngày sau, đồng đội tìm thấy thi thể cô nằm sâu trong lòng đất đá, đầu vẫn đội nón, vai vác cuốc, các đầu ngón tay thâm tím. Mọi người đóan rằng cô đã trải qua những thời khắc khủng khiếp cố gắng bới đất chui lên nhưng không thể, có lẽ vì hầm sâu quá... Vào ngày định mệnh ấy, Cúc đang nấu bữa cơm chiều và cũng là bữa cơm cuối cùng của cô gái tuổi đôi mươi.

Cuối cùng thì các cô cũng lại được quây quần cùng nhau dưới lòng đất mẹ. Khu mộ của 10 cô gái tuổi đôi mươi nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải. Đặc biệt ở khu mộ có 2 cây bồ kết xanh tươi xòe bóng mát, gợi nhớ chuyện kể các cô gái trẻ dọc ngang đường Trường Sơn thời máu lửa chỉ ước ao có quả bồ kết, chiếc khăn mùi xoa thêu. Bồ kết thì gội đầu, khăn tay để tặng người chiến sĩ gặp gỡ trên đường hành quân ... Ước mơ giản dị ngày ấy của các cô nhưng mãi làm nhói lòng người ở lại, làm rưng rưng các anh năm xưa từng là bộ đội lái xe Trường Sơn …

40 năm đã qua, kể từ ngày đau thương mất mát xảy tại Ngã ba Đồng Lộc. Đêm nay, nghe lại bài thơ “Cúc ơi!” của nhà thơ Yến Thanh qua giọng ca da diết thiết tha của Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền lòng không khỏi bồi hồi xúc động như câu chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua…

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân- Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vết cuốc
Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Ðất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn

Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!

Để mở đường trong bom đạn, mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh. Như núi Hồng, sông La trường tồn với thời gian, như đất Hà Tĩnh trung kiên thắm nghĩa tình, câu chuyện về các cô sẽ mãi còn được lưu truyền và xanh mãi như lứa tuổi đôi mươi.

Ngọc Bích