itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Thú vị chuyện nông dân Hàn Quốc

Thú vị chuyện nông dân Hàn Quốc

Hàn Quốc từng được biết là một trong những nước nông nghiệp nghèo nhất thế giới, nhưng từ năm 1962, nông dân Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế một cách hết sức nghiêm túc và cần mẫn. Chưa đầy 4 thập kỷ sau, đất nước này đã đạt được những thành tựu vượt bậc, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Khám phá "kỳ tích bên sông Hàn", tôi đặc biệt quan tâm đến những gì có liên quan đến đời sống và việc làm của nông dân ở "xứ sở kim chi".

Từ nhà máy sữa thế kỷ 21...
Một thương gia từng mách khéo, bạn có thể nhìn thấy chất lượng cuộc sống của người Hàn Quốc thông qua tìm hiểu những sản phẩm dinh dưỡng chính hiệu nội địa. Dạo một vòng qua các siêu thị lớn ở thủ đô Seoul, tôi ước lượng có khoảng dăm trăm nhãn hiệu sữa tươi, sữa bột cùng những mặt hàng dành riêng cho trẻ nhỏ, người già và bà bầu!
Ấn tượng đầu tiên của tôi là hầu hết đều được sản xuất "từ A đến Z" tại Hàn Quốc, rất ít sản phẩm dinh dưỡng của nước ngoài hoặc pha chế từ nguyên liệu nhập ngoại. Tôi hiểu, đây là kết quả sau chặng đường dài hơn 4 thập niên... kiên trì thực hiện chiến lược "hướng ngoại" của Chính phủ Hàn Quốc. Vâng, "hướng ngoại" theo kiểu Hàn nghĩa là tập trung đầu tư và khai thác tối đa nguồn lực nội địa nhằm đáp ứng ngày càng cao chỉ tiêu xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc chỉ cho phép nhập khẩu những gì thiết yếu nhất mà trong nước không có và không thể sản xuất được.
K.S Jin Hyun Seok - cha đẻ sản phẩm sữa X.O, một nhãn hiệu nổi tiếng suốt hơn 40 năm qua của Nam Yang - tập đoàn bơ sữa số 1 Hàn Quốc - cho hay: "Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp sản xuất bơ, sữa phụ thuộc vào sự tăng trưởng vững chắc của các dự án chăn nuôi bò ở khu vực nông thôn và khả năng cung cấp nguồn sữa tươi hết sức ổn định của hàng chục vạn nông dân".
Thành lập từ tháng 3.1963, trải qua 44 năm nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn Nam Yang đã góp phần quan trọng đưa ngành công nghiệp chế biến dinh dưỡng của Hàn Quốc vươn tới đỉnh cao của khoa học dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới. Từ nhà máy sữa quy mô nhỏ đầu tiên xây dựng năm 1964, đến nay Nam Yang đã có 4 nhà máy tự động hoá khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ và Hàn Quốc; tổng công suất mỗi năm khoảng 450 tấn sản phẩm và gần 145 triệu lít sữa, tổng doanh thu xấp xỉ 1 tỉ USD/năm. Riêng Nhà máy sữa Cheonan mới (lớn nhất ở Hàn Quốc), được chính phủ chọn làm nhà máy kiểu mẫu của thế kỷ XXI.
Sau gần 2 giờ từ trung tâm thủ đô Seoul đến Cheonan, xe ôtô đưa chúng tôi vào một toà nhà được ngăn cách bởi những bức tường thuỷ tinh trong suốt. Cảm giác vô cùng khoan khoái khi tầm nhìn lay động dưới tán phong rực vàng... cuối thu thay lá. Không bụi, không tiếng ồn, khu vực sản xuất gồm có 8 dây chuyền lặng lẽ vận hành theo chỉ dẫn những "cánh tay" robot. Khâu duy nhất không thể thiếu đôi bàn tay con người là kiểm nghiệm chất lượng sữa bò tại cửa nhập nguyên liệu.

Trưởng phòng nghiên cứu của Nhà máy sữa Cheonan mới khẳng định: "Tất cả xe bồn chở sữa từ trang trại về nhà máy đều dừng tại đây, nếu nhận được thông báo không đạt chỉ số an toàn, cánh cửa tự động khép chặt cho đến khi lái xe "quay đầu" đưa nguyên liệu kém chất lượng đến nơi tiêu huỷ, tất nhiên chủ trang trại sẽ không được bồi hoàn. Bởi vì, người chăn nuôi đã vi phạm quy định vệ sinh-an toàn-chất lượng".
Thì ra, ngay từ lúc "đặt vấn đề" xây dựng nhà máy, đại diện các cơ quan chuyên ngành của chính phủ, cùng các công ty sản xuất sữa của Hàn Quốc đã "cắm chốt" ở nông thôn để quy hoạch vùng nguyên liệu và tập huấn cho nông dân cách thức nuôi dưỡng bò sữa, đồng thời ký kết trách nhiệm cụ thể giữa 3 bên. Hệ thống trang trại bò sữa được hình thành theo 2 nhóm: Chăn nuôi tập trung và "giao khoán sản phẩm đến từng hộ gia đình".
Nhà máy cung cấp giống, thức ăn và khung tiêu chuẩn vệ sinh-an toàn-chất lượng. Nông dân không phải xoay xở vốn đầu tư ban đầu, bởi vì mọi chi phí đều trừ dần vào sản phẩm. Thu nhập ổn định của 1 lao động chăn nuôi bò sữa ở những nông trại quy mô nhỏ (50-70 con bò) bình quân khoảng từ 28-52 triệu won/năm (gần 32.000-55.000USD, cao gấp 2 -3,5 lần mức bình quân chung của người dân Hàn Quốc). Tập đoàn bơ sữa Nam Yang hiện quản lý 874 nông trại chăn nuôi bò sữa, bao gồm 4 nông trại chăn nuôi tập trung hàng ngàn con bò và 870 nông trại quy mô nhỏ.
Tai nghe, mắt thấy...chuyện "bò sữa" và "sữa bò" ở Cheonan, tôi thực sự xúc động bởi những giá trị nhân văn... ngân ngấn in vào lòng. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cái đói bao trùm khắp nơi, đa số đàn ông Hàn Quốc buộc phải... ra trận tìm kế sinh nhai. Tất thảy công việc đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ. Biết bao bà mẹ vắt kiệt sức để làm việc đến khô cạn cả bầu sữa và biết bao trẻ thơ khóc lịm đi trong đói, khát... Ước mơ tìm nguồn sống cho con trẻ như ngọn lửa thiêu đốt tâm can những người đàn ông trí thức.
Hong Won Sik - Chủ tịch Tập đoàn Nam Yang bây giờ - là một trong những người tiên phong tìm ra phương cách pha chế một loại sữa bột từ sữa bò cùng tinh chất của hàng chục loại thảo dược và tinh dầu một số loài cá biển. Đó là lý do vì sao sau bao năm nghiên cứu, phát triển, các dòng sản phẩm sữa X.O của Nam Yang vẫn giữ nguyên phẩm chất ban đầu.

... đến chợ nông dân
Tóc húi cao, giọng nói át cả tiếng sóng, bước chân thoăn thoắt, dáng vẻ mạnh mẽ, dứt khoát, tư thế lúc nào sẵn sàng... đón khách - đó là những gì tôi cảm nhận ngay khi gặp Kang Dae Heeng ở sân bay Jeju. Người đàn ông 56 tuổi này rất tự hào vì "mình là nông dân Jeju... thứ thiệt!". Sinh ra, lớn lên trên đảo; dấu ấn sau nửa đời gắn bó với làng biển lồng lộng gió khơi là thói quen "ăn to, nói lớn".
Kể chuyện Jeju, Kang Dae Heeng vẫn nhớ như in những năm tháng đói nghèo, cơ cực trên đảo đá, nhưng tôi có cảm giác "niềm kiêu hãnh" trào lên trong giọng nói, tiếng cười của ông khi giới thiệu "nông thôn ngày mới!". Đảo Jeju rộng gần 11.000 cây số vuông, dân số khoảng 450.000 người; hơn 70% lao động trên đảo chuyên sống bằng nghề nông và khai thác hải sản.
Kang Dea Heeng kể: "Trước năm 1964, Jeju rất hoang vắng bởi hoàn toàn cách biệt. Jeju là đảo của nông dân, bởi vì nơi này chưa bao giờ có nhà máy. Nhưng, thế hệ nông dân mới ở Jeju đã biết thêm nhiều nghề và đang ra sức biến hòn đảo này trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất Châu Á".
Tôi tin Kang Dae Heang là một "điển hình nông dân tiên tiến" , bởi vì ông từng là công dân đầu tiên của Jeju được cấp bằng lái xe ôtô và được chính thức hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Kang Dae Heeng khẳng định: "Không gì hạnh phúc hơn khi ngồi sau tay lái kể chuyện Jeju với du khách bốn phương!".
uả thật, ngọn lửa nhiệt tình trong trái tim Kang Dae Heeng đã cuốn hút đoàn nhà báo Việt Nam chúng tôi "theo chân" ông đến rất nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng và không ít "hang cùng, ngõ hẻm" của Jeju - từ đỉnh núi đầu rồng, xuống bãi đá nham thạch, đến bảo tàng dân tộc học, vãn cảnh chùa Lạc An, hay ghé thăm con tàu gỗ đầu tiên của người phương Tây cập đảo Jeju cách nay khoảng 4 thế kỷ..., kể cả lang thang với biển đêm nghe sóng hát, ngắm trăng lên...
Tôi đặc biệt thích thú khi được Kang Dae Heeng dẫn đi "Chợ nông dân". Đó là 3 dãy nhà cao lớn, xây dựng liên hoàn theo kiểu các siêu thị ở Seoul, nhưng không có tầng lầu. Hàng hoá ngút ngàn, lô sạp phân theo chủng loại. Tôi rất thích gian hàng nông sản và các sản phẩm làm ra tại đảo Jeju. Tại đây có bày bán các loại ngũ cốc cao cấp thu hoạch từ những cánh đồng hơn 3 năm không sử dụng hoá chất và phân hoá học. La liệt cam, lê, dưa, táo... và các loại bánh, kẹo được làm đúng theo công thức của "nàng Dae Jang Geum".
Tôi thích thú chọn mua mấy gói bánh của "nàng Dae Jang Geum". Càng vui hơn khi mang bánh cho mọi người cùng thử, ai cũng nhận ra hương vị "nhà quê"... bởi cũng là bột nếp, bột tẻ lẫn trứng, đường với dầu mè, dầu lạc... Bỗng nhớ, trước khi vào chợ, hướng dẫn viên Kang Dae Heeng còn chỉ tấm bảng hiệu viết bằng tiếng Anh "The farm market", tủm tỉm cười và nói: "Chợ bán tất cả những gì nông dân có và có tất cả những gì nông dân cần!".
Tôi biết thêm, mới đây Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun đã ban hành quyết định công nhận Jeju là khu vực thiên tai đặc biệt, theo đó chính phủ sẽ bồi thường đến 90% thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các trang thiết bị công cộng và cư dân trên đảo được miễn - giảm tất cả các loại thuế.

Theo Bảo Chân (Lao Động)