itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Xe ba gác, những ngày cuối cùng...

Xe ba gác, những ngày cuối cùng...

Xe bán bánh sắn dạo - Ảnh Hà Dịu

Từ ngày 1/1/2008, nghị quyết 32 của Chính phủ trong đó có quy định cấm lưu hành xe ba bánh tự chế trong thành phố bắt đầu có hiệu lực. Bao nhiêu người đang còn ngơ ngác chưa biết sẽ sống như thế nào khi giờ G đã gần kề…

Xe ba bánh: cứu cánh của người nghèo

Buổi sáng, chỉ chạy một đoạn đường ngắn từ Thống Nhất ra Quang Trung rồi vòng lên đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp) đã thấy không biết bao nhiêu xe ba bánh lướt qua. Ba gác máy, xích lô, xe đẩy trái cây, xe chở nước đá, xe chở rác len lỏi trong từng ngõ ngách, từng con hẻm đang nhọc nhằn mưu sinh…

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Lê (quê Hà Nam) phải vất vả đẩy xe hơn chục cây số, đi vào các phố, len sâu đến các ngõ hẻm, đội nắng, đội mưa bán từng mớ rau, từng quả bí, con cá để kiếm sống. Quê vốn nghèo nên vợ chồng chị gửi con lại cho bà nội rồi vào Sài Gòn sắm hai chiếc xe ba gác mưu sinh. Chị bán thực phẩm còn chồng bán trái cây dạo.

Tờ mờ sáng hai vợ chồng chia tay mỗi người một hướng, đến tận 10h tối mới gặp lại nhưng cũng chỉ dành dụm được vài trăm để hàng tháng gửi về quê cho ông bà nội nuôi hai đứa con. Hai chiếc xe ba gác trở thành tài sản quý giá, thành vật bất ly thân để anh chị kiếm sống.

Không chỉ vợ chồng chị Lê, đã từ lâu, chiếc xe ba bánh trở thành vật hữu dụng cho nhiều người nhập cư nghèo dùng làm phương tiện mưu sinh. Đủ mọi loại thực phẩm từ chuối, trái cây, chè, bánh khoai mì, xôi, bắp… được chất lên chiếc xe ba bánh len lỏi đến khắp hang cùng ngõ tận. Đi bất cứ con đường nào của TP.HCM cũng sẽ thấy đội ngũ này hiện diện đông đảo.

12 năm vào thành phố, chiếc xe ba gác máy cũng là phương tiện quan trọng để anh Trần Văn Liêm (Quảng Ngãi) nuôi sống gia đình. Mỗi ngày chạy xe chở hàng thuê, anh Liêm kiếm được khoảng hơn trăm ngàn. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền học cho con trông chờ cả vào chiếc xe ba gác máy. Những ngày trời mưa tầm tã, không có ai kêu chở hàng là những ngày cái gia đình nhỏ bé ấy chao đảo không biết ngày mai trông chờ vào nguồn thu nào để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Với Lê Văn Thành (ĐH Văn Lang), chiếc xe ba gác máy đích thực là chiếc cần câu cơm của cậu. Nhờ nó, tiền nhà, tiền ăn, tiền học phí, tiền sách vở được giải quyết. Mồ côi cha mẹ nên Thành phải tự lo cho bản thân. Hàng ngày, những lúc không đến trường, Thành chạy xe ba gác chở hàng thuê lấy tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên. Cùng nhà với Thành có Hùng quê ở Thanh Hóa cũng ban ngày chạy xe ba gác, tối về đi học bổ túc lớp 12.

“Vất vả là thế nhưng vì miếng cơm manh áo chúng tôi phải cố thôi. Bây giờ công việc cực nhọc ấy cũng bị cấm thì chúng tôi sẽ biết sống ra sao?”. Đó là tâm sự của chị Lê khi được hỏi về nghị quyết cấm xe ba bánh lưu hành trên địa bàn thành phố. Và quả thật, từ ngày 1/1/2008, những chiếc xe ba bánh sẽ đi về đâu? Những gia đình như gia đình của chị Lê, của anh Liêm sẽ sống thế nào?

Đường về quê...xa ngái

Khi được hỏi sẽ chuyển hướng làm gì nếu quy định cấm xe ba gác lưu hành trong thành phố có hiệu lực, ông Tí quê ở Huế cho biết sẽ chuyển sang làm phụ hồ. “Bất đắc dĩ thôi vì làm phu hồ vừa cực, vừa bấp bênh. Muốn đi làm công nhân nhưng lớn tuổi như tôi chả công ty, xí nghiệp nào nhận.”

Những người lớn tuổi này rồi sẽ đi về đâu? - Ảnh Hà Dịu

Với chiếc xe ba gác, anh Tâm cùng mấy người bạn đã làm công việc thu gom rác hơn 3 năm nay dọc con đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp). Giờ cấm xe ba gác lưu hành anh đã nghĩ đến việc sẽ vay tiền bạn bè mua một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục công việc. Nhưng anh cho biết: “Dùng xe ba gác tiện hơn nhiều vì có thể len lỏi được vào các ngõ hẻm chứ xe tải thì chỉ đậu ở ngoài đường lớn thôi. Tính thì tính thế nhưng cũng chẳng biết sẽ thực hiện như thế nào? Khó quá thì bỏ công việc gom rác chuyển sang công việc khác.”

Đấy là với những người còn sức khỏe, hay có thể vay được tiền như chú Tí, như anh Tâm… Còn những người không có điều kiện như vậy thì sẽ làm gì?

Ông Tống Xuân Ba năm nay hơn 60 tuổi, đã chạy xe ba gác từ năm 1978 đến giờ ngậm ngùi: “Những người có sức khỏe còn có thể đi khuân vác, làm phu hồ chứ già yếu như tôi sao làm được những công việc ấy. Chắc phải nghỉ ở nhà thôi. Mà nghỉ thì biết lấy gì sống? Con cái cũng nghèo làm sao nuôi nổi cha mẹ.”

Nhiều người nghĩ đến việc sẽ về quê sinh sống. Nhưng đường về quê cũng mù mịt. Chị Hoa quê ở Thanh Hóa cho biết: “Chồng tôi vào Nam bán chuối dạo cả 10 năm mới dành dụm được ít tiền mang về quê xây một căn nhà nhỏ. Nhưng bão quật đổ nhà nên tôi và hai đứa con phải dắt nhau vào TP.HCM bán trái cây dạo sinh sống. Giờ phương tiện mưu sinh bị cấm, muốn về quê cũng làm gì có nhà mà về.”

Rồi đây đường phố sẽ vắng bóng những chiếc xe quen thuộc này? - Ảnh Hà Dịu

Ngoài số ít những người đã nghĩ đến phương án chuyển hướng thì đa số đều chưa biết sẽ sống ra sao, sẽ chuyển hướng về đâu. Họ là những người lao động nghèo ít học nên chả bao giờ biết tính toán xem bước tiếp theo phải làm gì, sẽ thay đổi ra sao như các nhà kinh tế chiến lược vẫn tư duy. Khái niệm “chuyển hướng kinh tế” với họ quá xa lạ. Họ rơi vào thế bị động, chấp nhận để cuộc sống đẩy đưa đến đâu thì đến.

Tại căn phòng trọ chỉ 12m2 nhưng có đến 10 người ở, chị Lành quê ở Thái Bình đang đi bán chè dạo rơm rớm nước mắt: “Không có vốn mở quán nên tôi mới phải đi bán dạo. Giờ không cho bán nữa thì chả biết phải làm thế nào. Chị em chúng tôi ở quê cực lắm mới phải kéo nhau vào đây tha hương cầu thực…”.

Cùng phòng với chị Lành, những người khác cũng đang trong tâm trạng hoang mang như vậy. Rất nhiều người chưa hình dung được mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Trớ trêu nhất là trường hợp của anh Tùng từ Nghệ An vào TP.HCM, đi vay mượn mãi mới được 10 triệu để mua chiếc xe ba gác máy. Chạy chưa đầy 1 năm, thì có quy định cấm xe ba gác máy lưu thông. Nợ chưa trả hết, xe bán chẳng ai mua, bán cho ve chai may ra được vài trăm nghìn. Mấy hôm nay, khi báo chí đưa tin về vấn đề này, ruột gan anh cứ sôi lên vì chưa nghĩ ra được cách gì nuôi sống gia đình.

"Giá như có thể thư thư..."

“Tôi đồng ý với việc cấm xe ba bánh lưu thông trong thành phố, nhưng nên thư thư thêm 1 thời gian nữa, ít nhất là 1năm để chúng tôi có thời gian chuẩn bị chứ bây giờ làm ngay thì chưa biết xoay thế nào.” Đó là nguyện vọng của ông Mai Văn Đường chạy xe ba gác máy ở khu vực Gò Vấp.

Rồi đây đường phố sẽ vắng bóng những chiếc xe quen thuộc này? - Ảnh Hà Dịu

Còn bác Toàn và bác Thủ (quận Gò Vấp) chạy xe ba gác đã hơn 30 năm nay thì đề xuất: “Chúng tôi nghĩ nên cấm xe ba bánh chạy trong thành phố vào một khoảng thời gian nào đó thôi, ví dụ như cấm lưu thông vào giờ cao điểm chẳng hạn chứ cấm luôn thì 60 nghìn người sử dụng xe ba bánh làm phương tiện mưu sinh trong thành phố này sẽ đi đâu về đâu?”.

Nhà nước có chủ trương hỗ trợ vốn để những người chạy xe ba bánh và dùng xe ba bánh làm phương tiện sinh sống nhưng cũng chưa làm cho người lao động yên tâm. Anh Lê Văn Công quê ở Tiền Hải (Thái Bình) bày tỏ: “Nhà nước bảo sẽ hỗ trợ vốn nhưng chúng tôi là dân nhập cư, vào đây thuê nhà, nay sống chỗ này, mai sống chỗ kia thì lấy gì thế chấp để vay vốn làm ăn? Và cho vay cũng phải ở mức nào chứ 1, 2 triệu thì chúng tôi cũng chả cách nào mà chuyển hướng được. Tôi mong Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn nhưng phải hỗ trợ thế nào cho hiệu quả và cũng phải tạo điều kiện để chúng tôi có thể thực hiện chứ tôi thấy cơ chế bây giờ muốn làm ăn cũng rất khó khăn”.

Và cho đến thời điểm này, khi chỉ còn vài ngày nữa là quy định cấm xe ba bánh lưu hành trong thành phố có hiệu lực. Nhưng nhiều người dân lam lũ ngày ngày mưu sinh trên đường phố vẫn đang dò dẫm lần mò, họ chưa biết rời chiếc xe ba gác, cuộc sống sẽ đi về đâu.

Theo Hà Dịu (VietNamNet)