itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Xuất khẩu gạo: Đổi vị thế trong “3 chân vạc”

Xuất khẩu gạo: Đổi vị thế trong “3 chân vạc”

Hai năm qua, đứng đầu là Ấn Độ, sau đó đến Việt Nam và thứ ba là Thái Lan, đang chi phối thị trường gạo thế giới. Song, vị thế trong “3 chân vạc” đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. 9 tháng đầu năm 2014, Thái Lan xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn cả năm 2013. Nhiều kinh tế gia dự đoán, câu chuyện “đổi ngôi” diễn ra ngay trong năm 2014, Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo, tiếp theo là Ấn Độ 8,4 triệu tấn và Việt Nam 6,6 triệu tấn. Thái Lan đang giành lại những gì đã mất.

Nhìn ngược thời gian, chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ Thái Lan từ cuối năm 2011 khiến đất nước chịu khoản lỗ khổng lồ khoảng 390 tỷ baht do giá mua lúa gạo cao hơn giá thị trường tới 40- 50%, hậu quả là các nhà xuất khẩu Thái Lan “ôm” tới 18 triệu tấn gạo với giá “trên trời”. Gạo Thái Lan thực sự khủng hoảng khi năm 2012 chỉ xuất khẩu được 6,9 triệu tấn, nhường vị trí số 1 cho Ấn Độ (9,5 triệu tấn), tụt xuống thứ 3, sau Việt Nam (7,8 triệu tấn). Năm 2013, dù đã rất cố gắng nhưng Thái Lan cũng chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, kém xa mục tiêu 8 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với kỷ lục 10,6 triệu tấn trong năm 2010.

Thế nhưng, hiện nay, nhiều nhà phân tích nhận định: Giá gạo Thái Lan đã có thể cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Việt Nam. Theo trang oryza.com, ngày 24/10/2014, giá gạo trắng hạt dài chất lượng cao của Thái Lan 435- 445 USD/tấn, Ấn Độ 415- 425 USD/ tấn, Việt Nam 440- 450 USD/tấn...

Chưa hết, với tuyên bố “sẵn sàng bán gạo bất cứ giá nào” cùng lượng gạo lớn trong kho được “giải phóng” nhờ chính quyền mới đã chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo từ tháng 5/2014, khiến Thái Lan sẽ nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu.

9 tháng đầu năm 2014, Thái Lan xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn cả năm 2013. Nhiều kinh tế gia dự đoán, câu chuyện “đổi ngôi” diễn ra ngay trong năm 2014, Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo, tiếp theo là Ấn Độ 8,4 triệu tấn và Việt Nam 6,6 triệu tấn. Thái Lan đang giành lại những gì đã mất.

Trước xu hướng “đổi ngôi” đó, một câu hỏi được đặt ra: Gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt xấp xỉ 5 triệu tấn, trị giá hơn 2,28 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng, 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Và, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, năm 2015 sẽ đầy khó khăn vì gạo Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của gạo Thái Lan.

“Truyện dài nhiều tập” về tạo chuỗi giá trị bền vững cho hạt gạo Việt Nam chưa biết bao giờ đến tập cuối? Bài học trợ giá lúa gạo của Thái Lan vẫn còn “nóng hổi”. Mong sao chính sách hỗ trợ lúa gạo Việt Nam không “đi theo vết xe đổ”!

Trần Phương

công thương