itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Tân Tạo: Doanh nhân thành đạt phải song hành đức và tài

Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Tân Tạo: Doanh nhân thành đạt phải song hành đức và tài

Bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo

Không chỉ năng động, sáng tạo ở lĩnh vực kinh tế, bà còn sôi nổi trong hoạt động từ thiện. Quan điểm của bà, việc làm giàu phải luôn song hành với từ thiện, giúp đỡ những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Nhân ngày doanh nhân VN, Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2008 Đặng Thị Hoàng Yến.

PV: Cảm xúc của bà khi nhận được cúp Thánh Gióng trong ngày Doanh nhân Việt Nam 2008?

Thực sự cách đây vài năm, không có một doanh nhân nào dám mơ ước đến một ngày mình lại được phép phát biểu nói lên những tiếng nói của daonh nghiệp đóng góp vào sự hoạch định chính sách của Đảng, của nhà nước.

Đã nhiều thập kỷ, nhiều người coi đội ngũ doanh nhân như những công dân hạng 2, vẫn còn bị coi là “các con buôn”…Những năm gần đây sau khi xa đất nước nhiều năm qua trở về tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy xã hội đã có sự nhìn nhận vai trò quan trọng của doanh nhân đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, nhà nước đã tôn vinh doanh nghiệp…

PV: Là một doanh nhân đã tham dự và hợp tác với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, bà có nhận xét gì về đội ngũ doanh nhân của Việt Nam hiện nay?

Thật sự đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay cũng chưa đủ tầm vóc để hội nhập và xứng tầm với thế giới. Nếu chúng ta nhìn ra thế giới sẽ thấy: Những người doanh nhân thành đạt là những người tri thức thật sự, họ có kiến thức rất rộng và ngay từ nhân cách cũng thể hiện đẳng cấp trong xã hội.

Có một số điều phải xem lại: từ tác phong đến ý thức tôn trọng tập thể có nhiều người còn rất yếu…Xã hội cần đề cao doanh nhân với phong cách lối sống của người có tri thức để giới doanh nghiệp hiểu rằng: không phải người có tiền đã là người có tri thức để bản thân doanh nhân cần phải không ngừng học tập, rèn dũa nhân cách cá nhân và nâng cao sự hiểu biết….

PV: Theo bà, doanh nhân cần phải làm gì để đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng?

Việc doanh nghiệp làm ăn mở rộng thêm, lợi nhuận ngày càng tăng thì là một điều rất bình thường mà mỗi doanh nhân đều phải làm. Nhưng làm gì để giúp đỡ cộng đồng(?) Tôi nghĩ, việc kiếm tiền luôn phải song hành cùng với hoạt động từ thiện. Các hoạt động xây dựng nhà tình thương tình nghĩa, tri ân những bậc ông cha, giúp đỡ những vùng dân tộc thiểu số…Cần coi đây là tiêu chí, là thước đo để đánh giá các doanh nghiệp trong các đợt xét duyệt giải thưởng và tôn vinh. Hầu như vừa qua, chất lượng của việc tôn vinh các doanh nghiệp, các doanh nhân chưa phản ánh đúng mà còn nhiều vấn đề phải bàn cãi…Chính sách của nhà nước đến nay vẫn chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ VNAH… do vậy doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế trên các khoản từ thiện này.

PV: Bà có nhận xét gì về doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh?

Trong những năm gần đây các công ty ngoài quốc doanh cũng đã đạt được quan tâm hơn trước rất nhiều, tuy nhiên nếu so sánh với các doanh nghiệp quốc doanh thì vẫn còn có khoảng cách lớn. Trong khi khối doanh nghiệp nhà nước nắm toàn bộ tài sản quốc gia, được độc quyền hoạt động kinh doanh từ mấy chục năm qua, luôn được nhà nước cấp vốn, vay ưu đãi, bảo lãnh… nhưng năm 2007 cừa qua chỉ làm ra 31% GDP, trong khi ngoài quốc doanh hoàn toàn tự lực và vô cùng non trẻ mới được phat triển mấy năm gần đây do chính sách thật sự đổi mới, nhưng đã đóng góp 69% GDP của cả nước.

PV: Theo bà, cách tốt nhất để mỗi doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong xã hội?

Cách tốt nhất để mỗi doanh nghiệp đứng vững và phát triển là phải làm sao để họ tự chủ, tự suy nghĩ với “đồng tiền, bát gạo của mình”. Chỉ có bỏ những đặc quyền đặc lợi, tạo một sân chơi bình đẳng và cho phép các cổ đông được tham gia vào giám sát các hoạt động kinh doanh băng chứng hầu hết các công ty cổ phần hóa đã hoạt động tốt hơn nhiều. Trong đó, một vấn đề quan trọng là vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp. Vừa qua, một tổng công ty của Việt Nam đã tổ chức thi tuyển Tổng giám đốc, đây cũng là tín hiệu tốt cần được nhân rộng để những người có tài và có đức có thể thật sự tham gia vào điều hành và phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Với tư cách là Chủ tịch HĐQT của một trong những Tập đoàn được đánh giá lớn mạnh nhất cả nước và có nhiều đối tác nước ngoài, bà có giải pháp nào kiến nghị?

Nhà nước nên khuyến khích doanh nhân cụ thể hóa bằng nhiều hình thức. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành, có sự cống hiến hơn nữa trong công cuộc xây dựng và nhập phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới (WTO). Muốn vậy, nhà nước phải cụ thể hóa bằng các chính sách được đi vào cuộc sống. Trong đó, nhà nước tạo môi trường để doanh nhân phát huy năng lực và khả năng của mình, bảo đảm môi trường thực sự dân chủ để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo và cống hiến của mỗi doanh nhân. Đồng thời, tận dụng, phát huy lợi thế lực lượng dân số trẻ: 70% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Chính phủ cần có chính sách rõ ràng thu hút nhân tài tham gia vào điều hành đất nước. Cần có tiêu chí và quy hoạch rõ ràng cho việc bổ nhiệm những công chức ở các bộ ngành đặc biệt quan trọng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng.

Ân Thi