itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Chủ tịch xã tuổi 24

Chủ tịch xã tuổi 24

Năm 2004, Vàng Seo Sài được bầu làm Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) khi mới 24 tuổi. Hiện, anh vẫn là chủ tịch xã trẻ nhất của tỉnh Lào Cai.

Người Mông ở Lử Thẩn còn chưa quên chuyện cậu bé họ Vàng mới 16 tuổi đã là công an viên của xã. Không phải là con cháu cán bộ gì, mà do cậu có năng lực về công tác đoàn thể.

Tuy trẻ nhưng Vàng Seo Sài đã hăng hái trong công tác bảo vệ tuần tra an ninh biên giới, dám một mình mật phục ở vùng biên tóm được bọn trộm trâu bò của dân mang sang bán bên kia biên giới.

“Người Mông mình lấy vợ sớm lắm. 18 tuổi mình đã đi bắt vợ rồi”. Hỏi anh lấy vợ khi còn trẻ thế, công tác có bị ảnh hưởng không, Vàng Seo Sài cười rất tươi: “Đi cả đêm, vợ trẻ nó không thích đâu, nhưng mình bảo dân bản nó tin mình thì phải cố thôi, lúc nào ở nhà mình yêu bù mà!”.

Cô vợ hơn Vàng Seo Sài một tuổi, rất chịu khó việc ruộng nương, nhà cửa, se lanh kéo sợi, nuôi gà lợn để chồng yên tâm công tác.

Năm 20 tuổi, Vang Seo Sài được Đảng bộ chính quyền xã tin tưởng giao nhiệm vụ mới là phó trưởng công an xã. Việc xã hội càng nhiều, những ngày hội họp ngoài huyện cũng lắm. Đôi lúc cô vợ cũng ghen bóng gió.

“Chồng trẻ đẹp giai thế, đi họp với những cô cán bộ cũng đẹp, lo lắm chứ. Nhưng được cái chồng nó cũng đứng đắn” - chị vợ Vàng Seo Sài cười bẽn lẽn. Bây giờ ông chủ tịch xã vừa lo việc dân, vừa lo phụ giúp vợ nuôi hai con nhỏ học hành.

Vàng Seo Sài học đến lớp 9 thì nghỉ. Anh tham gia công tác xã từ năm 18 tuổi, bắt đầu là công an viên, mấy năm sau lên phó công an xã, rồi chủ tịch xã.

“Xã Lử Thẩn có 267 hộ, 1597 khẩu thì người Mông chiếm 98%. Lử Thẩn là xã của người Mông vì 2% dân số còn lại toàn là cán bộ, giáo viên từ miền xuôi lên công tác. Một xã vùng cao của Si Ma Cai lại toàn người Mông, không nói thì các anh cũng biết nhiều khó khăn như thế nào” - ông chủ tịch xã nói.

Là người tham gia công tác địa phương từ khi còn là công an viên, Vàng Seo Sài hiểu tường tận những điểm mạnh yếu về kinh tế, đời sống xã hội ở địa phương, nhất là những phong tục tập quán của người dân tộc mình, mà trong xu hướng phát triển chung của xã hội, nhiều cái không còn hợp lý nữa cần phải thay đổi. Và anh đã “xắn tay” vào làm các phần việc ấy.

“Người Mông mình hay sa đà vào chuyện cỗ bàn của ma chay, cưới xin lắm. Một nhà có việc là cả bản xúm vào giúp, rồi ăn uống cả tuần mới xong. Xét về tình đoàn kết thì tốt, nhưng cũng ảnh hưởng đến sản xuất, học tập rất nhiều. Cứ một nhà có cỗ là nương rẫy bị bỏ quên, hay sĩ số của trường học mấy hôm liền bị giảm” - Vàng Seo Sài tâm sự.

“Người Mông bụng nghĩ thế nào thì nói ra thế ấy, hiện có nhiều cái lợi người ta chỉ cho mà người dân chưa làm được. Ví như trồng ngô lai cho năng suất cao gấp 4 lần giống ngô cũ, giá bán lại cao nhưng bà con không thích làm, cứ trồng giống ngô cũ, bắp vừa nhỏ, năng suất lại thấp, bán giá rẻ.

Lý do bà con không thích làm là vì giống ngô mới đến vụ phải thu hoạch ngay, phơi phóng kỹ không sẽ hỏng mất, vậy lỡ lúc đó trong bản có đám ma, đám cưới thì sao?

Giống ngô cũ có thể cứ bỏ mặc trên nương, cho nó “treo đèn” đến khô thì thôi, lúc nào có thời gian thì bẻ về treo trên gác. Như vậy dân bản không “bị động” khi có cỗ tiệc.

Bây giờ mình vận động được bà con bớt thói quen đi giúp nhau ăn cỗ cả tuần rồi. Đám cưới chỉ tổ chức hai ngày, đám ma ba ngày, không được kéo dài, còn dành thời gian mà lên nương chứ”.

Anh lại nói đến chuyện vận động chị em phụ nữ cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Họ cứ sợ tiêm thuốc vào thì con bị chết. “Con tao chết ai đền cho tao chứ?” – Cánh phụ nữ có con nhỏ nói thẳng với Chủ tịch xã điều ấy.

Thế rồi, chị em địu con trốn vào rừng mỗi khi có đợt tiêm phòng của y tế xã. Vàng Seo Sài không biết giải thích cách nào, liền đem con mình đi tiêm phòng dù thằng bé đã 7 tuổi. Thấy con chủ tịch xã không bị chết, phụ nữ mới đưa con mình đi tiêm phòng.

Nét mặt của ông chủ tịch xã trẻ có vẻ ưu tư: “Xã mình rộng 1.556 ha mà chỉ có 60 ha trồng lúa 1 vụ, đất trồng ngô cũng chỉ có 175 ha, làm sao đủ lương thực nuôi gần 1.600 con người, huống hồ nghĩ đến chuyện làm giàu.

Mấy năm nay có chính sách hỗ trợ của nhà nước trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, đời sống trong dân bản thay đổi nhiều lắm, nhưng làm cách nào cho dân mình biết vươn lên làm giàu cũng là chuyện khó.

Chỉ riêng cái việc nhà nước xây cho bể chứa nước sạch, bắc ống dẫn về trong thôn mà bà con mình còn chưa có ý thức giữ gìn. Đường dẫn thì bị tắc mà không biết sửa; vòi nước không khóa lại cứ để chảy suốt ngày đêm. Con gái Mông giặt váy không thích vòi nước chảy chậm còn đập cả khóa vòi cho nước chảy to thêm, cuối cùng hỏng cả bể nước”.

Năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế của xã chỉ khiêm tốn có 652 tấn lương thực mà phấn đấu vất vả đấy.

Những lời tâm sự của Vàng Seo Sài chân chất như núi đá cao ngất quê anh, không hề giấu giếm cái khổ, cái lạc hậu để tìm cách khắc phục. Nhưng nhìn lại, trong mặt bằng kinh tế chung của Si Ma Cai, xã Lử Thẩn đang như chú gấu qua kỳ ngủ đông, vươn mình đứng dậy đi những bước vững chắc trên con đường xoá đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên quê hương.

Đã có nhiều hộ biết nghĩ xa, nhìn rộng, làm kinh tế giỏi như Lý Séo Phú, Lý Seo Lùng ở Chu Sà Phình; Sùng A Sài, Giàng Seo Sài ở Chẻ Lử Thẩn; như Thào Séo Lùng, Thào Sa Pao…

Họ đã biết vận dụng vốn nhà nước giúp đỡ, biết đổi mới cách nghĩ, cách làm kết hợp giữa sản xuất chăn nuôi, làm rừng, thả cá, làm dịch vụ… Những đổi thay tích cực đó có đóng góp không nhỏ của “ông” chủ tịch xã trẻ tuổi Vàng Seo Sài.

Theo Tiền Phong