itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Chân dung người “nã đạn” vào một “thành luỹ tham nhũng”

Chân dung người “nã đạn” vào một “thành luỹ tham nhũng”

Một tập tài liệu chứng minh sai phạm

của ông Khánh do ông Long thu thập

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ấy, ông - một công chức bình thường - đã dám đứng ra “chống lại” cả vị Tổng giám đốc vốn như “vua con” đầy quyền sinh quyền sát ngay tại cơ quan mình đang công tác.

Ông như “con châu chấu đá xe”, ai dè, “xe” đã “đổ” hẳn, chứ không chỉ là nghiêng”.
Ông là Lê Thiên Long, người khai hoả những “loạt đạn” đầu tiên bắn phá “thành luỹ tham nhũng” ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Vào một ngày hè nắng như đổ lửa của mùa hạ 2007, quãng đầu tháng 5, thông qua sự giới thiệu của một đồng nghiệp bên báo Nhân Dân - một nhà báo mà ông rất tin cậy, ông Long đồng ý gặp tôi. Nêu ra mấy chỗ hẹn trong phố, lúc thì quán nước, lúc thì hàng ăn, ông đều từ chối. Cuối cùng, ông hẹn ra một quán cà phê tít trong xóm ven sông Hồng, ngoài cửa khẩu Bạch Đằng. Dăm cái bàn gỗ mộc, mấy cái ghế xếp xộc xệch, dưới chân là sông Hồng đỏ lừ nước phù sa, trên đầu là bụi tre đứng im phắc cuối một ngày hè Hà Nội không một ngọn gió.
Gầy gò mà nhanh nhẹn, chỉn chu mà giản dị, bộc bạch mà thận trọng, đôi mắt lấp lánh như có lửa sau cặp kính cận dày cộp loé lên sự nhạy bén thông tuệ, người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần với mái tóc đã lốm đốm bạc ấy xuất hiện đầy đột ngột trong quán, tay ôm khư khư một cái cặp da đã cũ sờn. Trong chiếc cặp của ông là toàn bộ bộ hồ sơ do chính ông lập ra để chống lại kẻ tham nhũng.
“Tôi có 12 tập hồ sơ thế này. Tôi vay tiền bạn bè để sắm hẳn một dàn vi tính kèm máy in cho việc lập hồ sơ. Và tôi cất mỗi nơi một bộ, để trong trường hợp xấu nhất, có mất bộ này thì bộ kia vẫn còn” - ông mở đầu câu chuyện đầy vẻ không tin tưởng và thiếu hi vọng ở người đối thoại với mình.
Ông thiếu hi vọng cũng phải thôi. Đã 20 lần Tổng giám đốc Trần Văn Khánh có đơn tố cáo tham nhũng. Cả 20 lần sự tố cáo rơi vào “im lặng đáng sợ”. Đã 20 lần có đơn tố cáo, bây giờ là lần thứ 21 do chính ông đứng ra, liệu có hi vọng, có tin tưởng gì hơn? Ngay cả báo chí có lúc, có nơi cũng ngại ngần đăng thông tin về ông Khánh, còn ông Long thì vì thế đã gặp bao phiền toái.
Mời nước cam cho mát, ông lắc. “Hay rượu cho “bốc” nhé?”, ông càng lắc. Nhận cốc cà phê đen đá từ cô chủ quán, nhấp từ tốn như đếm từng giọt, ông nói, nhỏ nhẹ như nói thầm với chính lòng mình: “Tôi là một đảng viên, một cựu chiến binh, một trí thức, nên tôi đã cân nhắc rất kĩ trước khi bước vào cuộc đấu tranh này. Tôi sẽ chỉ nói những gì mình biết chắc, cho dù có “đấu tranh thì tránh đâu”, thì tôi vẫn quyết chiến đấu. Không phải là để mỗi việc hạ bệ ông Tổng giám đốc, mà là để ông ta và bè lũ, đã “ăn” của Nhà nước, của tập thể nhiều quá rồi thì phải ngừng đi, để cái gì là của công thì phải được trả lại cho của công, cho Nhà nước, cho tập thể...”.
Mong muốn của ông Long giản dị vậy thôi, nhưng, cuộc đấu tranh để thực hiện mong muốn ấy thì thật muôn vàn cam go. “Mặc dù những điều tôi biết về ông Tổng giám đốc, và nhiều người khác trong cơ quan cũng biết, còn kinh khủng hơn những gì tôi tố cáo, nhưng, khi viết đơn tố cáo, tôi chỉ viết những gì mình có tài liệu chứng minh được. Nếu không, tôi sẽ bị coi là “kẻ vu khống” ngay...
Họ tham quá, họ muốn biến cả cái tổng công ty này sau khi cổ phần hoá thành của riêng nhà họ. Vì thế, tôi nung nấu quyết tâm thu thập tài liệu từ cuối năm 2006 về những sai phạm của ban lãnh đạo tổng công ty, rồi sắp xếp, lựa chọn chứng cứ, xâu chuỗi sự việc để viết sao cho người nhận đơn hiểu rõ được vấn đề”.
Và thế là suốt 3 tháng trời ròng rã, cứ sau khi đi làm về, sau khi làm xong những việc gia đình, bên ngọn đèn thắp sáng thâu đêm, bên chiếc bàn nhỏ trong căn phòng chật chội, nghèo nàn, ông lại trầm ngâm đọc, hí húi ghi chép, rồi cành cạch gõ máy cho tới 2-3 giờ sáng. Toàn bộ tài liệu thu thập được, ông chia thành từng cặp theo năm tháng, vụ việc.

“3 tháng, in hết 15 gram giấy, đổ 3 lần mực máy in. Đến nỗi mấy cậu thợ thay mực cứ thắc mắc không hiểu sao cái ông này dùng máy in nhà riêng mà in khoẻ như làm nhật báo ấy...” - ông Long kể. Mỗi lá đơn tố cao kèm theo một bản giải trình. Nếu thấy người nhận đơn quan tâm, ông lập tức “bồi tiếp” hồ sơ chi tiết. Thấy ai có thiện chí là ông tiếp cận, quan sát thêm, tìm hiểu thêm rồi tranh thủ sự ủng hộ.
Sau khi gửi đơn công khai tới một số cơ quan chức năng, lãnh đạo tổng công ty bắt đầu tỏ thái độ với ông.
“Họ ngăn không cho tôi tiếp xúc với các tài liệu, chứng từ, sổ sách của cơ quan. Họ li gián tôi với các đồng nghiệp. Họ thường xuyên cử tôi đi công tác xa để “cách li” với cuộc tranh đấu. Họ xếp tôi vào những vị trí “ngồi chơi xơi nước”. Họ doạ nạt và mua chuộc tôi. Đó là chưa kể đôi khi ngay cả những người bạn cũ, nay có chức quyền, thấy mình đến đặt vấn đề đấu tranh chống tham nhũng là lắc đầu nguây nguẩy. Buồn lắm chứ. Nhưng, “đánh giặc tham nhũng” là phải bền chí, vì mình đấu tranh đâu phải vì quyền lợi của riêng mình...”.
Những lá đơn vẫn bền bỉ được gửi đi, những cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc.
“Chân lí đã thuộc về kẻ... yếu”!
Rõ ràng trong cuộc đấu tranh với tệ tham nhũng ở tổng công ty vật tư nông nghiệp, so với ông Tổng giám đốc Trần Văn Khánh và những cộng sự của ông ta, thì ông kế toán Lê Thiên Long là “kẻ yếu”. Nhưng, ông đã làm ngược lại được cái tổng kết tưởng chừng như bất biến của người đời, rằng chân lí hoàn toàn có thể thuộc về những người không phải là “kẻ mạnh”.
Hơn 2 tháng sau cuộc gặp ông Long trong quán cà phê bên bến sông Hồng, sau khi đã lần hồi nghiên cứu tài liệu của ông cung cấp, gặp gỡ tìm hiểu thêm một số nhân chứng, tôi đã hoàn thành bài báo viết về những tiêu cực xảy ra tại tổng công ty vật tư nông nghiệp và những hành vi tham ô, lãng phí của cá nhân ông Tổng giám đốc Trần Văn Khánh. Lãnh đạo Thời báo Kinh tế Việt Nam đã thật sự quan tâm đến đề tài này, dù rất thận trọng kiểm tra đi kiểm tra lại tài liệu nhưng cũng đã quyết định cho in bài báo đó với cái tít “Của công đâu phải tiền chùa” trên trang Kinh tế - Pháp luật số báo 180 ra ngày 27/7/2007.
Báo phát hành buổi sáng, trưa, tôi vui mừng điện cho ông Long, những định gặp biếu ông chục tờ. Ông cám ơn, giọng run run vừa là cảm động vừa là lo lắng , nhưng lại bảo để ông tự ra sạp báo mua cũng được. Cái cách cám ơn của ông qua điện thoại có cái vẻ gì đó của “con chim bị tên sợ gặp phải cành cong”, vui đấy mà cũng hồ nghi đấy! Thương quá! Thế rồi sau đó, trên một số tờ báo khác, cũng bắt đầu xuất hiện những bài báo về vụ tiêu cực ở tổng công ty vật tư nông nghiệp. Tôi đọc, hiểu ngay rằng ông đã chiếm được niềm tin và sự chia sẻ của công luận ngày một rộng rãi. Tôi đọc, mừng cho ông đã không đơn độc trong cuộc đấu tranh của mình vì lẽ phải, lẽ công bằng của xã hội.
Thực hiện Công văn số 4301/VPCP ngày 19/7/2007 của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Tổng giám đốc Trần Văn Khánh và yêu cầu Bộ Công an kiểm tra, làm rõ thực chất những sai phạm ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, đến đầu tháng 12/2007, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố ông Khánh về tội tham ô.
Những biện pháp cương quyết của lãnh đạo Chính phủ và của Cơ quan điều tra, Cơ quan chống tham nhũng Bộ Công an trong vụ việc này lại một lần nữa cho thấy những người như ông Long không hề đơn độc. Ít hôm sau khi ông Tổng giám đốc bị bắt giữ, ông Long mới lại gặp tôi. Lần này là một quán rượu nhỏ bên hồ Trúc Bạch, khi thành phố đã lên đèn.

Tôi đã nhầm khi tưởng hôm ấy ông sẽ vui lắm. Nào ngờ, hết cả chầu rượu, ông vẫn trầm ngâm: “Mình thắng là vì lẽ phải thuộc về mình, thuộc về tập thể những người lao động chân chính ở cơ quan mình. Nhưng, thật tiếc cho ông Tổng giám đốc và những người đi theo ông ta. Sao họ tham thế? Sao họ không biết điểm dừng? Mình chỉ muốn họ đừng ăn không của tập thể, của Nhà nước, đừng xa hoa phè phỡn trên mồ hôi của người lao động, trên đôi vai gầy nặng trĩu vất vả lo toan của bà con nông dân, vậy thôi... Họ có đi tù thì vẫn là Nhà nước mất tiền, là cơ quan mất cán bộ, buồn chứ vui gì...”.
Đêm ấy, muộn lắm rồi, ông Long vẫn lưu lại với tôi. Lao xao sóng hồ Trúc Bạch khoắt khuya. Văng vẳng cầm canh nhịp chuông chùa Trấn Quốc. Xa kia, đường Thanh Niên vẫn nườm nượp người xe. Ai trong kia cứ là sám hối, ai ngoài này cứ là bon chen. Dòng đời cứ xuôi ngược vậy mà trôi. Chính lúc ấy, ông Long mới tâm sự đôi điều về bản thân...
Lê Thiên Long quê gốc Hoài Đức, Hà Tây. Tháng 5/1971, tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Chiến đấu 4 năm liền từ Quảng Trị tới Sài Gòn. Đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về, thi vào đại học Kinh tế Quốc dân, theo học Khoa Kinh tế vật tư từ 1976 đến 1980. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Tổng công ty Vật tư nông ngiệp suốt 27 năm cho đến tận hôm nay. Hơn chục năm làm Phó phòng Kế toán, trải qua 4 đời Tổng giám đốc, ông hiểu việc cơ quan như việc nhà.
Giữa năm 2002, sau khi lên làm Tổng giám đốc một thời gian, ông Khánh bắt đầu thay đổi một loạt vị trí nhân sự trong cơ quan để kéo bè kéo cánh tham ô tham nhũng. Phòng kế toán của ông Long bị thay đổi ghê nhất. Ông bị điều xuống làm Phó ban Quản lí dự án thức ăn chăn nuôi, rồi ban sản xuất lương thực, thực phẩm.
Sau vì thấy ông Long đấu tranh dữ quá, người ta mua chuộc, cho ông về Ban kiểm soát. Nhưng chính ở vị trí này, có điều kiện tiếp xúc với nhiều chứng từ, hồ sơ tài chính của cơ quan, người kĩ sư kinh tế năm nào lại càng phát hiện ra nhiều sai phạm của ông Tổng giám đốc, lại càng nung nấu thêm quyết tâm của người lính chiến đấu chống tham nhũng trong ông.
Tôi hiểu ông Long muốn giữ độ khách quan cho công việc viết báo của tôi nên đến đêm nay, đến tận lúc tâm sự bên hồ Trúc Bạch này, ông mới kể cho tôi về đời tư của mình. Nhưng, ông Long ơi, có một điều bây giờ tôi mới kể với ông, vào cái lúc Đông đã qua, Xuân đang về này. Có một chi tiết trong câu chuyện của ông khi gặp nhau lần đầu, đã làm tôi sau ít phút nghi ngại lập tức tin tưởng ông. Đấy là một câu ông kể lướt qua về gia cảnh của mình. “Vợ tôi bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường đã 3-4 năm nay. Con trai tôi - đứa con duy nhất của vợ chồng tôi - đua đòi chúng bạn mà nghiện ngập vừa phải đi cai nghiện mới về. Việc nhà trăm mối tơ vò, buồn nhiều hơn vui...”.
Vâng, việc nhà buồn nhiều hơn vui, vậy mà ông vẫn lo cho tập thể, lo cho cơ quan. Và cao hơn hết, khác với một số người đấu tranh chống tiêu cực mà tôi đã từng tiếp xúc trong đời làm báo của mình, ông là người luôn nói ra sự thật, dù là sự thật chẳng vui vẻ gì của chính gia đình mình, của chính bản thân mình. Những người không tìm cách che dấu nỗi đau của bản thân, họ đôi khi lại chính là người luôn biết cách xoá dịu đi nỗi đau của những người sống bên mình.
Ông thật lắm, ông Long ạ, nên chiến thắng của sự thật thuộc về ông âu cũng một lẽ đời. Và rốt cuộc thì ông - người khai hoả, người nã loạt đạn đầu tiên góp phần làm sụp đổ tan tành một “thành luỹ tham nhũng” - ông là kẻ mạnh chứ đâu là kẻ yếu, ông Long?

Theo TBKTSG