itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / George Soros: một triết gia thất bại - một nhà tiên tri thành công

George Soros: một triết gia thất bại - một nhà tiên tri thành công

George Soros có thể là một triết gia thất bại, nhưng ông chính là một nhà tiên tri thành công trong lãnh vực thị trường tài chính.

Cuốn sách The New Paradigm for Financial Markets là ấn phẩm mà George Soros rất muốn viết, có lẽ không phải vì nhiều độc giả mong muốn được đọc nó. Nhưng cuốn sách chỉ ra những suy tư sâu sắc của ông về cách thức hoạt động của các thị trường, mà vào thời của mình Soros đã đi trước vài thập kỷ.

The New Paradigm for Financial Markets (Mô hình mới dành cho các thị trường tài chính) đề cập đến nhận định của Soros về cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Ông nghĩ rằng đó là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ những năm 1930, điều đã được loan tin một cách rỗng rãi, và nó đánh dấu hồi kết sau 25 năm “thời đại của sự bùng nổ tín dụng dựa trên đồng đô la như một nguồn dự trử tiền tệ quốc tế”.

Ông cũng đưa ra một số giải pháp, tập trung vào cách điều hành mới đối với các thị trường, và làm sao để tránh sức ép kinh doanh đối với những người sở hữu nhà ở Mỹ. Vốn đầu tư của ông đã được chuyển đi trong ba tháng đầu năm nay, khi sự rối loạn xẩy ra xung quanh vụ bán tháo của ngân hàng Bear Stearns lên đến cực điểm.

Những hiểu biết sâu sắc của ông được trình bày rõ ràng và chính xác. Đối với những người quan tâm đến chủ đề này thì những suy tư đó đáng giá để đọc. Nhưng điều hấp dẫn nhất chính là tư chất triết lý mà ông đã triển khai để giải thích những vấn đề trừu tượng của các thị trường hoạt động như thế nào, và hiển nhiên điều đó cũng khiến cho Soros mất nhiều công sức hơn cả. Thậm chí trước khi xuất hiện các giả thuyết về thị trường hiệu quả, vốn đã thống trị tư duy học thuật về thị trường ít nhất trong ba thập kỷ, thì Soros đã sử dụng công cụ lý thuyết của riêng mình để chứng minh thị trường không hiệu quả. Ông biện giải về triết lý của mình với tư cách là một nhà đầu tư có những kết quả thành công ngoạn mục.

Triết lý đó bắt nguồn từ những nghiên cứu của ông lúc còn là sinh viên tại Trường Kinh tế London dưới thời Karl Propper [triết gia Karl Popper (1902-94) gia nhập trường này năm 1945 và được bổ nhiệm làm giáo sư năm 1949 – ND]. “Mối quan hệ giữa tư duy và thực tiễn” được Soros gọi là “hiện tượng phản thân” (complexivity). Nó trở thành trung tâm trong nhiều chương của cuốn sách, điều mà ông thừa nhận là nhiều người sẽ cảm thấy “tẻ nhạt”. Trên các thị trường, Soros nói, tư duy của những người tham gia vào thị trường đóng một chức năng kép: Họ cố gắng hiểu rõ tình hình (chức năng nhận thức), và thay đổi nó (chức năng thao tác). Hai chức năng này có thể tác động và can thiệp qua lại, và khi điều đó xẩy ra thì thị trường bộc lộ “hiện tượng phản thân”.

Chính vì vậy, sự nhận thức sai của một nhà đầu tư về thực tế [của thị trường] có thể giúp làm thay đổi thực tế đó, khi điều đó diễn ra thì sẽ có nhiều nhận thức sai lầm hơn nữa. Một khi các quyết định của diễn viên thị trường [nhà đầu tư] ảnh hưởng đến nhiều kết quả, các dạng thức mới sẽ xuất hiện. Nếu có nhiều người làm tăng giá cổ phiếu trực tuyến thì giá của chúng tăng lên. Soros thường sử dụng lý thuyết này để tiên đoán, và thu lợi nhuận từ một chuỗi “hưng thịnh-suy sụp (boom-bust) hay các bong bóng”. Mỗi một bong bóng “bao gồm một xu hướng và một nhận thức sai lầm vốn có tác đống theo cách thức phản thân”.

Hàm ý cốt lõi của hiện tượng này chính là các thị trường không có khuynh hướng chuyển về “trạng thái quân bình” (equilibrium), như đã được tiên đoán trong lý thuyết đầu tư hiện đại. Và chúng sẽ không dịch chuyển theo một “bước đi ngẫu nhiên” (random walk) được tuyên truyền bởi lý thuyết thị trường hiệu quả, vốn cho rằng giá cả luôn luôn phù hợp với thông tin được công bố và nhờ đó nó dịch chuyển một cách ngẫu nhiên thông qua sự phản ứng trước thông tin mới này.

Đó là điều quan trọng vì kiến trúc của các thị trường vốn hiện đại tùy thuộc vào các lý thuyết này. Và khi nó bắt đầu được xem xét thì chính là lúc cuộc khủng hoảng tín dụng đã chuyển thành một điểm nghiêng (tipping point) mà ở đó lý thuyết và thực tiễn quyết định một mô hình mới, vốn cần thiết để thay thế giả thuyết thị trường hiệu quả. Các lý thuyết thay thế này vay mượn từ tâm lý học thực nghiệm, toán học cao cấp và sinh vật học tiến hóa và được xây dựng dựa vào kinh nghiệm trên thị trường.

Lý thuyết về “các thị trường thích ứng” – vốn cho rằng các thị trường chạy theo các khuynh hướng cho đến khi chúng sắp sửa bùng nổ và rồi phải bắt đầu xây dựng các khuynh hướng khác – dường như sẽ chuyển sang một mô hình thay thế. Tựa cuốn sách của ông Soros là một nỗ lực bàn luận lý thuyết về hiện tượng phản thân của riêng ông, trở thành mô hình mới này. Những điều đang trở nên hấp dẫn chính là có bao tư duy hiện đại [về thị trường tài chính] song hành với lý thuyết mà ông đã phát triển cách nhiều thập niên.

Lý thuyết này giúp giải thích cuộc khủng hoảng tín dụng như thế nào? Soros tin rằng một hiện tương “siêu bong bóng” đã báo hiệu kết quả của một “tiến trình phản thân lâu dài” trong vòng hơn 25 năm qua. Những dấu hiệu phân biệt bao gồm sự phát triển tín dụng (được gia tăng bởi niềm tin rằng lạm phát đã bị chế ngự), và một sự nhận thức sai lầm phổ biến, điều mà ông Soros không ngần ngại đổ tội cho Ronald Reagan [cựu Tổng thống Mỹ] và Margaret Thatcher [nữ cựu Thủ tướng Anh Quốc], rằng các thị trường phải được trao dây cương [quyền kiểm soát] tự do.

Đã có hàng loạt cuộc khủng hoảng tín dụng trong thời kỳ này. Theo Soros, những điều này “đã vận hành thông qua nhiều cuộc thử nghiệm thành công vốn cổ súy cho xu hướng thịnh hành và nhận thức sai phổ biến”. Chính vì thế, cuộc khủng hoảng hiện nay càng tăng thêm sự rủi ro vì nó đánh dấu “bước ngoặt khi cả xu hướng lẫn nhận thức sai đã trở nên không thể chống chế được nữa”.

Nhiều người sẽ không ưa thích chính kiến của Soros. Nhiều người khác nhận thấy cuốn sách này dễ dãi quá. Ông gọi mình là “một triết gia thất bại” và rất muốn lý thuyết của mình đến được với đông đảo quần chúng. Thật khó tưởng tượng rằng cuốn sách này đáng lẽ sẽ không được xuất bản nếu như ông không quá nổi tiếng và thành công. Khả năng tiên đoán cuộc tranh luận về lý thuyết tài chính cũng vậy [không được chú ý đến]. Vâng, ông có thể là một triết gia thất bại, nhưng ông chính là một nhà tiên tri thành công.

Thao Nguyễn (theo The Financial Times)