itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Giải thưởng liêm chính 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế: “Bà già chống tiêu cực”

Giải thưởng liêm chính 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế: “Bà già chống tiêu cực”

Cụ Lê Hiền Đức

Gần 80 tuổi nhưng bà sử dụng thành thạo vi tính, internet và bên mình luôn thủ sẵn máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số.

Tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng giữa chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế hôm 3-12, bà Lê Hiền Đức được nêu gương về thành tích đấu tranh chống tham nhũng. Đầu năm tới, bà là một trong hai người được sang Berlin (Đức) nhận giải thưởng liêm chính 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Bà kể, cái tên Lê Hiền Đức là do Hồ Chủ tịch đặt năm 1949.

Trong căn phòng khách gọn gàng, trên tường trang trọng bức ảnh bà ẵm con gái lớn, chụp chung với Hồ Chủ tịch. Trong chiếc tủ kính nhỏ là quà tặng cá nhân tham gia cuộc thi 75 năm thành lập Đảng, cùng kỷ niệm chương tặng nhân chứng lịch sử của 60 năm toàn quốc kháng chiến.

Giữa đường gặp chuyện bất bình...

. Gặp chuyện ảnh hưởng tới quyền lợi mình mà phản ứng thì đã đành. Nhưng bà chuyên đi kiến nghị những vấn đề tiêu cực, bức xúc của xã hội, của người dưng?

+ Về hưu hồi ấy, cuộc sống vất vả lắm. Tôi ở nhà tập thể trong khuôn viên Trường Chu Văn An, kê cái bàn ra cửa bán quà vặt. Sân trường còn có một bà cụ bán nước, rất nghèo. Một hôm, cán bộ thương nghiệp quận Ba Đình đến thu hết bánh kẹo, cấm tôi bán hàng. Mình nín chịu, vì buổi tối còn đi dạy bổ túc văn hóa kiếm thêm được. Nhưng anh này đuổi cả bà già, quang gánh tung tóe. Tôi điên quá, lên Phòng Thương nghiệp đòi lại gánh hàng của bà ấy. Nhưng ở đó có cậu học trò cũ can là thôi, coi như mất con gà, mấy thứ đó họ thu chia nhau ăn hết rồi... Có lẽ đấy là lần đầu tiên tôi phản kháng để bảo vệ người thân cô thế cô.

. Vậy là từ đó bà bắt đầu giúp những người oan ức đi kiện?

+ Phần nào thôi. Ngoài cổng tôi treo bảng cáo lỗi bà con, thứ nhất ai có việc cần thì liên hệ điện thoại trước, thứ hai nếu chỉ là đơn thư thì xin chuyển thẳng cho Văn phòng Chính phủ. Nguyên tắc của tôi, nếu khiếu nại chỉ vì quyền lợi cá nhân thì tôi khuyên bà con giải quyết ở địa phương trước, đừng vượt cấp ra trung ương, mất công lại bị chuyển về. Còn là lợi ích tập thể thì tôi sẽ phải giúp đến cùng. Đây, hồ sơ 36 hộ gia đình ở Tây Ninh khiếu nại, họ ở xa thế thì làm sao mình tìm hiểu được. Nên phải photo gửi đến cơ quan có thẩm quyền giúp họ. Nhưng tôi không phải là người đi kiện thuê nhé! Tôi nghiên cứu, phân loại đơn thư chuyển đến, rồi phân tích, làm báo cáo, kiến nghị chứ không đứng đơn tố ai cả...

Chỉ mươi phút, cuộc trò chuyện với bà đã bị ngắt quãng bốn, năm lần vì điện thoại. Đều là cuộc gọi từ những người có oan ức hoặc nguồn tin tố giác tiêu cực, nhũng nhiễu. “Anh xem, thân già này mà nửa đêm điện thoại từ Cần Thơ, Gia Lai gọi về; 5 giờ sáng lại Lào Cai, Điện Biên gọi xuống, cứ “Bà ơi, bà cứu với”... Nhiều khi gặp người nghèo khổ, thấy tốn kém quá còn phải bảo dập máy đi để tôi gọi lại. Thế nên tiền lương hưu hơn 1,2 triệu đồng mới đổ hết vào cước điện thoại!”.

Bà già... công nghệ cao

. Có lần bà còn rình bắt quả tang CSGT vòi tiền của người vi phạm luật?

+ Trưa đấy, tôi đi xe buýt đến đoạn vườn hoa Lênin thì thấy một anh CSGT chặn bắt xe ôm chở hàng đi trái đường. Thấy nghi ngờ, tôi liền xuống xe, đến gần xem họ làm gì. Cậu CSGT tỏ ra khó chịu, hất hàm: “Việc của bà đấy à?”. “Không. Tôi đứng đâu kệ tôi, liên quan gì đến anh?”. Vậy là anh CSGT lôi xe ôm sang vỉa hè bên kia đường. Mình liền lẳng lặng hòa vào dòng người sang theo, nấp sau gốc cây và rút máy ảnh ra...

. Ngoài 70 tuổi mà bà lúc nào cũng đem máy ảnh tòng teng bên người à?

+ (Cười) Đừng tưởng không biết gì nhá! Tôi sáng ra chỉ cốc cà phê sữa, đến bữa thì hai bìa đậu, vài cọng rau nhưng máy kỹ thuật số, internet, ghi âm lúc nào cũng đủ nhé. Lúc đầu chỉ dùng máy 3.2 pixel, năm rồi ăn nhịn để dành lên đời bốn chấm. Mùng một Tết, cháu tôi chúc bà năm sau tám. (Cười) nhưng chắc chưa được. Trong nhà không lúc nào hơn một triệu cả.

Bốn đứa con không phải nghèo khó đâu nhưng chúng cấm vận tôi. Cần gì sắm ngay, song dứt khoát không biếu tiền, bởi có tiền bà lại nướng hết vào điện thoại, đơn từ giúp người khác. Vừa rồi bên điện thoại và FPT miễn giảm cho chút cước điện thoại, viễn thông nên cũng đỡ. Còn có công ty tin học đề nghị miễn phí và lập cho tôi một trang web chuyên về chống tiêu cực, tham nhũng nhưng tôi thấy không cần thiết. Tôi viết blog rồi, cần gì trang web nữa.

. Nhiều đơn thư, hồ sơ vậy, bà làm thế nào mà nghiên cứu, xử lý cho nổi?

+ Có một cô giáo sang giúp. Mình nghiên cứu, rồi lập bản kiến nghị, báo cáo xưng danh đàng hoàng.

Như cuộc chất vấn ở Quốc hội tháng trước chẳng hạn, nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời mà sôi người. Vậy là lùng sục kiếm số điện thoại của ông bộ trưởng, cả di động, cơ quan và ở nhà. 8 giờ tối, ông ấy chắc là cơm nước xong rồi và chưa đi ngủ, vậy là tôi bấm số: “Xin lỗi, có phải là anh Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có đúng không?” - “Vâng, đúng. Chị ở đâu đấy?” - “Báo cáo anh, tôi - Lê Hiền Đức, 77 tuổi, bà già chống tiêu cực, chả có chức vụ gì cả. Nhưng tôi nghe anh nói ở Quốc hội, khó chịu quá. Anh gặp tôi đi”.

Chả là bữa đấy, ông bộ trưởng chất vấn ngược, đòi đại biểu Lê Văn Cuông cung cấp chứng cứ nạn chạy chức, chạy quyền. Nhưng mà ông bộ trưởng cũng có trách nhiệm, yêu cầu ngay thanh tra liên hệ gặp tôi. Mấy bữa bận quá nên tôi hẹn lịch thứ Sáu này làm việc.

Không nản chí

Bà Đức bảo số vụ việc mà bà theo đuổi, kiến nghị đến thành công “nho nhỏ” thôi nhưng rất vui. Nhưng cũng nhiều lúc bực bội, khó chịu bởi cách hành xử của cơ quan công quyền. Mới hôm kia, mất cả buổi sáng đến 2 giờ chiều lên Sở Giáo dục Hà Nội để kiến nghị việc dạy thêm học thêm mà bà liên hệ đến ai cũng cáo bận. Đến khi gọi điện thoại lại cho giám đốc Sở thì “À, bác nhầm máy rồi!”. “Nhầm thế nào được, vẫn là số ấy và giọng ấy tôi nhớ lắm. Chẳng qua họ ngại tiếp xúc với tôi!”.

Bức xúc thế, cụ có nản chí không?

+ Không bao giờ! Vừa rồi còn bị khủng bố vòng hoa tang nhé! Tôi alô cho báo chí đến chụp ảnh đàng hoàng. Nói đùa, giờ mà ai gửi quan tài, tôi nhận ngay rồi xem nơi nào có cụ già khó khăn thì tặng. Nhiều kiểu dọa dẫm lắm. Giữa đêm khuya gọi điện thoại tới: “Ăn ở phải để đức cho con cháu! Dừng lại ngay đi, nếu không ra đường xe tông đấy!”. Mình không sợ nhưng hết sức cảnh giác. Chỉ đi xe buýt, đi bộ thì sâu trong lề đường, sang đường thì nhờ thanh niên dắt qua.

. Bà có biết tại sao mình được Tổ chức Minh bạch quốc tế bình chọn trao giải công dân liêm chính?

+ Chắc vì báo chí đến phỏng vấn, viết bài về tôi mà họ biết thôi. Đến chừng tháng 8 vừa rồi, một báo nào đó gọi điện thoại bảo bà đã được đề cử trao giải của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

. Khi sang Đức nhận giải thưởng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, bà dự định phát biểu thế nào?

+ Tôi sẽ nói là thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, vì dân của Hồ Chủ tịch. Lời dạy chí công vô tư, cần kiệm liêm chính đã ăn sâu vào tâm trí bà già này rồi. Chính tôi thấy ở Việt Bắc, miếng xà phòng dùng đã gần hết, mỏng dính, cụ còn lấy ba hòn đá kê xà phòng cho khô để dùng cho hết. Học tập, làm theo tấm gương cụ, tôi chẳng lãng phí gì cả. Và mọi việc tôi làm đây đều vì quyền lợi của đại đa số nhân dân, nói rõ là quyền lợi chính đáng và hợp pháp. Vậy thôi!

. Xin chúc mừng bà!

Bà Lê Hiền Đức sinh năm 1930.

12-1946: Làm giao liên, chính bà chuyển mật lệnh tới khẩu đội Pháo Đài Láng, khai hỏa phát súng đầu tiên vào đồn địch, khi Hồ Chủ tịch vừa dứt lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trên sóng phát thanh.

1949: Giải mã điện tín cho Chính phủ ở chiến khu Việt Bắc.

1951: Được cử sang Trung Quốc học ngành sư phạm, sau đó về nước công tác trong ngành giáo dục.

1984: Nghỉ hưu, hiện sống tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo Pháp Luật Tp.HCM