itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / 'Giàu chính đáng thì có gì mà ngại'

'Giàu chính đáng thì có gì mà ngại'

Ông Đặng Thành Tâm

Vẫn còn một số người e ngại khi thấy tên mình trong bảng xếp hạng người giàu. Nhưng so với năm 2006, đã có thêm nhiều doanh nhân nhận thấy rằng, nếu làm giàu chính đáng và thực hiện các nghĩa vụ công dân đầy đủ thì không có gì phải giấu giếm.

Nhận được tin mình đứng đầu trong danh sách những người nắm giữ lượng vốn lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Đặng Thành Tâm tỏ ra bình thản. Ông Tâm cho hay không quá coi trọng chuyện giàu hay nghèo, mà phải làm sao doanh nghiệp hoạt động tốt và lớn mạnh. Theo ông, doanh nghiệp có thực sự mạnh về bản chất, có dẫn đầu không mới là quan trọng.

"Thật ra trong lượng cổ phiếu tôi đang nắm giữ, có rất nhiều do tôi đại diện người thân, bạn bè để làm ăn đấy chứ", Chủ tịch SIG nói thêm về vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng.

Các con đều còn nhỏ, một mình ông nắm cổ phiếu nên số lượng lớn. Vị chủ tịch SIG cho hay, chỉ đợi "đám trẻ" lớn sẽ chuyển bớt cổ phiếu cho chúng để tự làm ăn. "Tôi có 4 đứa con, trong đó có một đứa nối nghiệp được là mừng rồi", ông Tâm chia sẻ.

Không để lộ nhiều suy nghĩ về thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Tâm lại cho rằng, việc đáng tự hào nhất của mình là được bạn bè, anh em tin tưởng giao vốn để làm ăn và "kéo" được 5 tỷ USD từ tập đoàn Foxconn (Đài Loan) vào Việt Nam.

Ông Tâm cho hay, khi thực hiện các dự án lớn hơn, doanh nghiệp chắc chắn phải niêm yết và minh bạch hóa mọi hoạt động. Vì thế, việc nắm giữ cổ phiếu được coi như một bằng chứng về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong suốt thời gian phát triển sau này, ngay cả khi tỷ lệ cổ phần họ nắm giữ đã giảm xuống do doanh nghiệp lớn hơn và phát hành thêm cổ phiếu, có cổ đông nước ngoài.

Vị chủ tịch SIG cho rằng, danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán có thể cổ vũ giới doanh nhân và khuyến khích người dân làm giàu. Song ông cũng tỏ ra e ngại sự nhìn nhận của dư luận, nhất là trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo đang giãn rộng.

Tính đến cuối 2007, ông Tâm sở hữu 4,2 triệu cổ phần ITA (Công ty Tân Tạo) và 30 triệu cổ phiếu KBC (Công ty Đầu tư Kinh Bắc), tương đương gần 6.300 tỷ đồng. Nếu tính cả 10 triệu cổ phiếu tại Sài Gòn Telecom (vừa lên sàn đầu năm 2008), tài sản chứng khoán niêm yết của ông Tâm còn lớn hơn nữa..

Ông Phạm Trung Can - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu ACB - cũng không quá ngại ngần khi nói về danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. "Chúng tôi làm giàu chính đáng thì sợ gì việc công bố số cổ phiếu do mình sở hữu. Tất cả những thông tin này đã công khai trong bản cáo bạch rồi", ông cười thoải mái.

Năm 2006 ông Can đứng thứ 70 trong danh sách, với số tài sản 83,76 tỷ đồng cổ phần ACB. Năm 2007, tài sản của ông tại ACB đạt hơn 210,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị lên sàn từ tháng 11/2007, giúp ông “công khai” thêm số tài sản hơn 39 tỷ đồng cổ phiếu TPC. Tính chung, ông sở hữu gần 250 tỷ đồng cổ phiếu của hai doanh nghiệp và đứng thứ 76 trong bảng xếp hạng.

“Đứng thứ 70 hay 170 đối với tôi không là vấn đề. Và việc công bố này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại, bởi có nhiều cổ phiếu trong tay không có nghĩa là anh giàu có, hay nổi tiếng. Số cổ phiếu này chỉ khẳng định sự đóng góp của người đó cho công ty mình. Tuy nhiên vì vấn đề an ninh, tôi đề nghị báo không đăng ảnh tôi hay bất cứ thành viên nào trong gia đình", ông Can nói.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt - người sở hữu 29,95 triệu cổ phiếu ANV vẫn thấy thoải mái khi có tên đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng. Nam Việt mới lên sàn chứng khoán đầu tháng 12/2007, nhưng với gần 30 triệu cổ phần ANV, ông Tới đã ngoạn mục soán ngôi vị của một đồng nghiệp cùng ngành thủy sản, bà Chu Thị Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Minh Phú.

"Tôi làm giàu chính đáng. Công ty tự tôi dựng lên rồi làm chủ thì việc có công bố hay không công bố cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Anh hùng, hảo hán ở VN nhiều vô cùng. Số cổ phiếu được công bố chỉ là bề nổi chứ không phản ánh rằng người đó giàu có hay không. Việc xếp hạng những người giàu thế giới người ta làm nhiều rồi, song ở VN thì còn khá mới. Tôi cho rằng trong tương lai quan niệm người dân sẽ thay đổi và việc công bố danh sách người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất, thậm chí là giàu nhất VN cũng là điều hết sức bình thường”, ông Tới nói thêm.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cho rằng, việc công bố danh sách người giàu là một cách thể hiện sự trân trọng của xã hội đối với thành quả lao động của những người làm kinh doanh.

"Một sinh viên trường Y chắc chắn mong muốn sau này sẽ trở thành một bác sĩ giỏi, sinh viên trường luật muốn thành luật sư giỏi, còn đã là doanh nhân ai chả muốn mình trở thành tỷ phú", ông Thành chia sẻ.

Vẫn biết chuyện công khai số lượng cổ phần nắm giữ trong doanh nghiệp niêm yết đã là một nguyên tắc, song một số VIP không muốn tài sản của mình phơi bày trên mặt báo. Khi trao đổi với VnExpresss, một số chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc thậm chí còn đề nghị được rút tên khỏi danh sách.

"Tôi sẵn sàng cung cấp con số chính xác về số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, song tôi hy vọng báo sẽ không công bố con số đó lên báo", một sếp đề nghị.

Một chủ tịch công ty thì phản đối ầm ầm khi nhận được thông tin tên mình sẽ được công bố trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ông băn khoăn rằng cuộc sống của mình bị đảo lộn, đi đâu cũng bị soi nói mình là đại gia này nọ. Trong khi trên thực tế, còn nhiều người giàu có hơn và họ nắm “tiền tươi, thóc thật” trong tay, chứ không phải cổ phiếu.

Theo VnExpress