itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Làm giàu từ con đặc sản

Làm giàu từ con đặc sản

Ảnh: Vĩnh Hoài

“Có công mài sắc có ngày lên kim”, câu nói của người xưa là một chân lý sống để anh vững tin đi đến cùng con đường đã chọn, đã khiến anh thành công, tạo ra một sự đột phá trong chăn nuôi.

Anh đã từng là một người nghèo nhất nhì xã Bình Minh (Thanh Oai) một thời nhưng có lẽ cái nghèo của anh cũng chẳng giống ai: anh nghèo vì có bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc vợ chồng tích cóp được anh mang đi “bốn phương” từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến thành phố Hồ Chí Minh rồi anh còn sang tận Thái Lan, Trung Quốc để học cách làm giàu từ chăn nuôi con đặc sản như ba ba, rắn, ếch, giun quế, cá sấu... “Có công mài sắc có ngày lên kim”, câu nói của người xưa là một chân lý sống để anh vững tin đi đến cùng con đường đã chọn, đã khiến anh thành công, tạo ra một sự đột phá trong chăn nuôi.

 
 
  Công nhân Trung tâm Núi Hằng cho ếch ăn. Ảnh: Vĩnh Hoài  

Giờ đây trừ mọi chi phí, gia đình anh Núi cũng có thu nhập bình quân mỗi khẩu 4 triệu đồng/tháng từ nuôi con đặc sản như: Rắn mòng, ếch, ba ba, trăn.... trong đó có cả nuôi giun quế, vừa phục vụ chăn nuôi vừa bán cho các trang trại trong vùng. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, trước đây, có nghề pháo phụ thêm thu nhập, nhưng từ năm 1994, thực hiện việc cấm sản xuất pháo của Chính phủ thì 4 khẩu của gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán.

Hai vợ chồng, hai đứa con nhà cửa thì chẳng ra đâu vào với đâu, chi tiêu thì túng thiếu trăm bề. Anh xác định: việc mình làm giàu không đơn giản là cơ hội để cả gia đình nhỏ của anh có cuộc sống khấm khá hơn mà cái căn cốt là để con cái có cơ hội được học hành bằng chúng bằng bạn, anh em trong gia đình có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau (vì thực ra nhà anh có tới gần 10 anh em!). Với vai trò là trụ cột, lại thêm quyết tâm của anh Bộ đội Cụ Hồ vừa xuất ngũ, anh Bùi Đăng Núi (sinh năm 1961) nhận thức rõ phải cải tiến cách thức sản xuất trong nông nghiệp thì mới có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 
 
  Anh Núi cho ếch ăn. Ảnh: Vĩnh Hoài  

Nắm bắt được nhu cầu thị trường vừa mới mẻ lại nhiều tiềm năng từ các con thủy đặc sản, anh đã tìm đến một số nơi ở miền Nam và miền Trung để học hỏi kinh nghiệm và cách thức chăn nuôi... Ngay từ khi đặt chân tới xứ Nghệ thấy cuộc sống của nhân dân trong đó còn nhiều khăn từ thời tiết khắc nghiệt đến vốn liếng làm ăn vậy mà đã có không ít người vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú từ chăn nuôi các loại con đặc sản. Sau 3 năm đi học hỏi các nơi, trở về quê hương anh đã mạnh dạn triển khai các mô hình nuôi ếch, ba ba, rắn mòng... các loại này nuôi diện tích không đáng bao nhiêu nhưng đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật. Quả thực một kg rắn mòng anh bán “chơi” cho nhà hàng cũng được vài trăm ngàn nhưng ít ai biết được rằng để có thể nuôi thành công các loại con đặc sản nhiều khi chỉ một kỹ thuật nhỏ anh phải bỏ ra tới 50 triệu đồng để mua “bản quyền”, kinh nghiệm.

Là một người nông dân rồi trở thành một người lính, hết nghĩa vụ anh lại trở về với “chân rơm, gốc rạ” của quê hương và vẫn là anh nông dân thủa nào nhưng nhờ những năm thàng bôn ba đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi giờ đây anh không chỉ nắm vững quy trình chăn nuôi nhiều con đặc sản mà còn là một bác sỹ thuỷ sản dày dạn kinh nghiệm, gặp bất kỳ sự cố nào trong chăn nuôi anh cũng chẩn đoán đúng và có giải pháp cứu chữa kịp thời.

Mỗi loại con đặc sản có một cái khó tính riêng, chẳng con nào giống con nào nhưng qua nhờ làm đúng quy trình kỹ thuật, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh nên lứa ba ba, ếch... nào nhà anh tỷ lệ ấp nở đều đạt 90% (trong khi ở nhiều nơi tỷ lệ này chỉ đạt từ 10-20%). Vừa dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu biệt thự nằm ngay cạnh trang trại anh Núi vừa nhẩm tính: Hiện nhà anh có 400 cặp con ba ba bố mẹ, mỗi vụ mỗi cặp đẻ được 120 quả trứng; 600 cặp ếch bố mẹ, mỗi tháng 1 con ếch đẻ được 250.000 quả trứng; 1000 con rắn mòng bố mẹ mỗi tháng 1 con đẻ được 26 con.... nhờ tỷ lệ ấp nở thành công cao, anh không chỉ sản xuất con giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của TT gia đình mình mà còn trở thành một địa chỉ cung ứng giống cho nhiều người có cùng trí hướng.

Anh đã phải bỏ ra khá nhiều tiền và công sức để đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi nhưng với anh mình càng giúp được nhiều người thì cũng chính là mình đang giúp chính mình. Vì thực ra chỉ một mình trang trại của anh chăn nuôi con đặc sản sẽ không tạo ra được khối lượng hàng hoá lớn, khó xuất khẩu. Đây cũng là điều anh hết sức trăn trở, vì hiện nay rắn mòng, ếch của TT anh chủ yếu là xuất đi Trung Quốc, phía bạn hàng luôn muốn đặt mua với khối lượng lớn nhưng anh “không lấy đâu ra”! Hơn thế, thị trường thành phố Hồ Chí Minh cũng khá dồi dào. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng sản phẩm phải có có xe đông lạnh để vận chuyển vậy nên khối lượng càng nhiều, công vận chuyển càng rẻ nhờ đó mà lãi suất lại càng tăng.

 
 
  Làm giàu từ ếch. Ảnh: Vĩnh Hoài  

Từ mô hình trang trại nuôi ếch, ba ba, rắn mòng..., anh còn xây dựng mô hình nuôi giun quế, một mô hình khá mới mẻ ở Thanh Oai nói riêng và nhiều địa phương trong tỉnh ta nói chung: Nuôi giun quế dễ nuôi, vốn đầu tư ít, rất phù hợp với các loại gia súc, gia cầm và đặc biệt là các con đặc sản bởi lượng đạm trong giun quế khá cao. Từ phương thức chăn nuôi theo hướng liên hoàn này, các chủ trang trại có thể chủ động trong khâu chế biến thức ăn chăn nuôi. Có thể phơi khô giun quế rồi nghiền nhỏ trộn lẫn với cám gạo, bột ngũ cốc... là có thể tạo thành một loại thức ăn rất tốt cho gia cầm, gia súc và con đặc sản...

So với các loại thức ăn chế biến theo dây chuyền công nghiệp khác, giá thành rẻ hơn rất nhiều lại không có hóa chất tồn đọng trong vật nuôi. Với phương thức này đã đem lại lợi nhuận khá cao cho trang trại chăn nuôi của anh Núi. Năm qua, tổng doanh thu từ chăn nuôi đã mang về cho gia đình anh hơn 1 tỉ đồng với lãi suất tới vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, nguồn thu nhập từ bán giun quế cho các trang trại trong vùng cũng đem lại nguồn thu rất khá cho gia đình anh... Chính vì vậy, cùng với việc nuôi các con đặc sản, anh đã học hỏi kiến thức, kinh nghiệm nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong trang trại và còn với mục đích kinh doanh...

Khi hỏi về bí quyết để nuôi giun quế đạt hiệu quả cao, anh tâm sự: Ngoài quy trình kỹ thuật thì nên chú ý đến các địch hại có thể làm giảm năng suất như: các loại kiến, cóc, nhái, chim... Ngoài ra, trong quá trình nuôi giun, nên tránh để giun tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, xà phòng và các loại chất tẩy rửa chén, bát... vì chúng có thể chết khi tiếp xúc với hoá chất. Theo anh thì hiện nay, nhu cầu giun quế thương phẩm phục vụ chăn nuôi đang rất cao, sản phẩm của gia đình anh không đủ để cung cấp cho các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc và thuỷ sản. Đây là tiềm năng nguyên liệu cho các trang trại chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch.

Hướng đi tới đây của anh là bên cạnh việc tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi các con đặc sản như: ếch, rắn mòng, ba ba, giun quế... anh còn "nhắm" tới cá sấu, đây cũng là một loại con cho giá trị kinh tế rất cao về thực phẩm và nguyên liệu cho công nghệ sản xuất đồ da... Đồng thời, anh sẽ tạo địa chỉ tin cậy cho các hộ có nhu cầu về con giống và kinh nghiệm sản xuất... Tuy vậy, để đạt được điều đó, anh đang rất cần tạo điều kiện về mặt bằng, vốn vay, tư vấn kỹ thuật...

Từ câu chuyện về một người nông dân nhạy cảm, linh hoạt, không bị bó hẹp bởi những truyền thống canh tác cũ, kém hiệu quả cho thấy: Việc làm giàu trong nông nghiệp hiện nay không còn là chuyện quá khó khăn. Điều quan trọng nhất là phải có kiến thức KHKT, làm chủ được KHKT và biết cách tổ chức sản xuất. Việc nuôi các con đặc sản có thể nói là một hướng đi độc đáo, hiệu quả mà không bị tách rời với xu thế phát triển kinh tế trang trại ở các vùng nông thôn. Đây là một trong những tiền đề để người nông dân có tư duy và cách thức sản xuất phù hợp với xu thế hội nhập. Hiện nay tại trang trại của gia đình anh ngoài 30-40 lao động thường xuyên với mức lương từ 700 - 1 triệu đồng, anh còn có công nhân kỹ thuật cao với mức lương 9 triệu đồng luôn sẵn sàng cùng anh chuyển giao KHKT cho các mô hình chăn nuôi mới.

Vĩnh Hoài