itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Người đàn bà thép của các công trình ngầm Việt Nam

Người đàn bà thép của các công trình ngầm Việt Nam

Chị Phạm Thái Mai tại công ty

Một ngày mưa tầm tã do hậu quả của cơn bão số 2 hoành hành ở miền Trung làm tôi e ngại cái hẹn “café cà pháo” với “bà” Phạm Thái Mai – Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Việt Nam của một trong những tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp nhất của thế giới, sẽ bị hoãn lại.

Trong tôi thực sự nôn nóng bởi “chị chỉ có 2 tiếng với em ngày … giờ…đó thôi nhé, rồi lại phải bay đi Hà Nội để đi sang Ý tham gia kỷ niệm 72 năm thành lập tập đoàn Mapei SpA”. Như trêu ngươi sự nôn nóng của tôi, cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt và gió thì không ngừng quất vào ô cửa sổ xinh xinh của quán café có cái tên giản dị “Góc Hà Nội”

Vẽ chân dung

Thế rồi chị xuất hiện. Lần đầu tiên gặp gỡ nhưng tôi có thể nhận ra chị ngay khi chị đặt chân qua bậc thềm quán nhỏ. Có lẽ bởi dáng dấp nhỏ bé với bước chân nhanh, dứt khoát, đầu hơi hướng về phía trước vốn chỉ có ở những người quen làm việc ở các công ty nước ngoài. Buổi sáng hôm ấy, chị mang một vẻ ngoài “bình dân học vụ” hơn là phong cách của một ladies theo đúng vị trí Phó Tổng. Một chiếc balo Sámonite màu tàn thuốc lá trên vai, một chiếc áo thun màu xanh dương với dòng chữ MAPEI – tên công ty của chị và chiếc quần jean xanh thụng, chị nắm chặt tay tôi và cười tươi: “Chị là chị Mai đây”.

Hàn Mặc Tử có câu thơ “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nghĩ cũng đúng với cuộc đời chị. Được mệnh danh là “người đàn bà thép” của ngành xây dựng đường hầm Việt Nam, ít ai biết được rằng điểm xuất phát của chị là một cô sinh viên phiên dịch khóa Anh 4 của trường Đại Học Ngoại Thương, Hà Nội. Ra trường, chị được phân công làm tại phòng đối ngoại của Công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Arttexpor Hà Nội thuộc Bộ Thương mại . Thế rồi chuyện tình với anh bộ đội hải quân miền biển đã thúc đẩy chị rời xa thủ đô Hà Nội để vào miền đất Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, sau khi giải phóng, Đà Nẵng vẫn còn là một thành phố lạc hậu cả về kinh tế lẫn dân trí. Công việc đầu tiên chị “được” nhận vào làm là vị trí phiên dịch cho quầy bán hàng của Công Ty cung ứng tàu biển Đà Nẵng. Kỉ niệm đọng lại trong chị nhiều nhất về những ngày tháng gian nan đó là cơ chế làm việc theo kế hoạch gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư. Chị chuân chuyển qua hai cơ quan Nhà nước và khi đang ở vị trí trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Xuất nhập khẩu Artexpor miền Trung thì đất nước chuyển mình lao vào công cuộc mở cửa. Đón nhận được hơi thở lớn lao đó, hằng đêm ôm đứa con gái chưa được 12 tháng tuổi, chị ngồi ở cuối lớp học mò mẫm những bài học vỡ lòng về vi tính, của soạn thảo văn bản, của Window. Rồi người ta thấy chị, người phụ nữ duy nhất, bon bon một mình trên trường học lái xe ô tô.

Thời điểm ấy mới chỉ là cuối những năm 80.

Tại phòng làm việc

Chuyển mình

Quyết định bứt ra khỏi công ty nhà nước và làm việc cho các tổ chức và công ty nước ngoài là một quyết định táo bạo đối với một người được sinh ra và lớn lên trong “môi trường Cách Mạng nòi”. Chị giải thích với một lí do đơn giản: “ Đất nước thay đổi rồi, chẳng lẽ mình còn ngồi một chỗ?” Kể từ đó, chị ngồi ở vị trí quản lý của rất nhiều các tổ chức và công ty nước ngoài như dự án UNDP của Liên Hiệp Quốc, nhà máy thuốc lá RJ RENORLD AMERICAN…

Năm 1996, chị chính thức bước vào cuộc chơi “vọc cát” (ấy là ngôn từ của chị dành cho nghề) với vị trí Giám đốc chi nhánh của công ty Thụy Sỹ MBT – Master Builder Technology (Ông hoàng của công nghệ xây dựng). Ngày đó, chị cũng gặp nhiều lời bàn ra của gia đình khi thấy chị nhảy vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đòi hỏi rất nhiều kiến thức về xây dựng “mà một cô sinh viên ngoại thương làm sao có được”. Vậy mà cái ngang tàng trong con người người phụ nữ nhỏ bé ấy đã chiến thắng. Và cũng kể từ đó là bắt đầu những cuộc chinh chiến trên từng cây số ngang dọc các công trình xây dựng lớn của miền Trung.

“Cái khó khăn của chúng tôi là việc đưa được công nghệ tiên tiến đến với công nhân Việt Nam. Việc ăn ngủ tại công trường cùng anh em công nhân là chuyện hiển nhiên rồi. Người Việt Nam thông minh và tiếp thu nhanh lắm. Nhưng cái tôi của người Việt thì lại quá cao. Muốn họ nghe phải trước hết phải là bạn của họ. Làm vậy để xóa đi sự bảo thủ trong việc tiếp thu công nghệ của chúng ta”. Chị đã có mặt trong trong suốt 4 năm xây dựng đường hầm đèo Hải Vân, sát cánh cùng Công ty Sông Đà 10 là nhà thầu chính của Việt Nam có vinh dự xây dựng tuyến đường hầm dài nhất Châu Á. Chị đã góp phần giúp họ thay đổi tư duy trong việc sử dụng vật liệu xây dựng công nghệ tiên tiến để có được kết quả tốt nhất cho công trình trọng điểm quốc gia.

Những điều tưởng như nhỏ nhặt như vậy đã làm nên một Giám đốc công trình ngầm, (Undergound National Business Manager) . Người đàn bà “ngoại đạo” nhỏ bé ấy đã đại diện cho Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất trong tổng cộng 200 giám đốc và chuyên gia đổ về Thụy Sỹ dự hội thảo các công trình ngầm nổi tiếng thế giới. Cái tên Việt Nam xuất hiện cùng người phụ nữ đầy bản lĩnh ấy đã khiến không ít cánh mày râu trong hội nghị phải giật mình và ngưỡng mộ. Hiện nay, giữ vị trí Phó Tổng Giám Đốc của tập đoàn Mapei cũng chuyên về hóa chất vật liệu trong xây dựng, quản lý 3 chi nhánh khắp cả nước và một nhà máy gần 5 hecta tại khu công nghiệp kinh tế mở Chu Lai, chị vẫn miệt mài trên những con đường quốc lộ đến với các công trình trọng điểm của cả nước.

Một chuyến công tác tại Vernice - Italia

Ước mơ còn ở phía trước

Ở tuổi ngoài 50, “người đàn bà thép” ấy ngồi trước mặt tôi, tay trái “alô, Mai nghe đây” bằng con điện thoại NEONODE thời thượng, tay phải thoăn thoắt trên bàn phím chiếc Nokia N95 còn mới chân ướt chân ráo ở thị trường Việt Nam, gương mặt đã có vết chân chim ấy rạng rỡ khoe: “con gái chị tặng sinh nhật đấy, nó biết mẹ nó thích chơi đồ công nghệ mà”. Đã đặt chân đến gần 150 quốc gia, chị vẫn không ngừng tìm tòi những điều mới mẻ, không ngừng trau dồi kiến thức để “ít nhất là không lạc hậu so với 2 cô con gái”. Bôn ba nhiều, đi nhiều, nghe nhiều, chị khao khát truyền tải được những điều lí thú trên thế giới về với Việt Nam. Chị còn ước mơ cho tuổi về hưu của mình về một quán café nho nhỏ mang đậm nét lãng đãng phong lưu của người Hà Nội xưa, để mỗi phút giây thảnh thơi sau ngày làm việc căng thẳng được ôn lại những kỉ niệm thơ ấu góc phố Tràng Tiền, Hà Nội – quê hương chị. Xét cho cùng, những người thành đạt đều muốn hướng về quê hương sau những bôn ba cuộc đời…

Bài, ảnh: Phương Liên