itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu: Tôi khác biệt để khẳng định mình

Nhà thiết kế thời trang Xuân Thu: Tôi khác biệt để khẳng định mình

"Thiết kế trang phục là hoạt động nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là may vá"

Bố mẹ đặt cho chị cái tên thật đẹp là “Nguyễn Xuân Thu” nhưng từ khi ý thức được về bản thân, chị tự bỏ đi một số ký tự và luôn xưng danh là "X Thu". Chị thích cái gì cũng duy nhất, như cái tên "X Thu" vậy. Chị bảo "đấy không phải là ngông mà là sự khác biệt để khẳng định mình".

Chị thích la cà quán café với cô bạn thân bởi những lúc như thế trong đầu chị xuất hiện nhiều ý tưởng lạ lắm. Thích được ngồi để kể về cậu con trai lớn đang học cấp ba của mình, thích kể về cô con gái nhỏ yêu quý chưa đến hai tuổi. Thích mặc những bộ quần áo không giống ai và thích những cái gì khác lạ… Chị chỉ muốn được mọi người gọi mình là "X Thu" nên khi mở thương hiệu chị cũng lấy cái tên ngắn gọn ấy dù tên đầy đủ bố mẹ đặt cho là Nguyễn Xuân Thu.

Chị kể chuyện về những người thân trong gia đình như một kết luận đầy tình yêu thương và sự khác lạ của một gia đình mê thời trang từ thuở còn thơ bé của mình. Bố chị - một kỹ sư máy tài giỏi, còn mẹ lại là một người phụ nữ đứng phía sau những vất vả của chồng để lo cho các con học nên người. Thấy vợ quá vất vả nhưng vẫn đam mê may vá, bố chị đã âm thầm chia sẻ bằng cách mua sách dạy cắt may về nhà, mày mò nghiên cứu và tự cắt may quần áo cho vợ con.

Những đam mê thuở nhỏ

Bắt đầu từ năm chị lên 10, số quần áo bố chị may cho quá nhiều nhưng chưa bao giờ chị hài lòng với những trang phục ấy. Mỗi khi bố ra khỏi nhà, chị lại lôi đống quần áo xé tung tóe rồi thêm từng chi tiết mình yêu thích vào, mày mò tự chắp nối và may vá, cảm thấy tự hào với những bộ cánh do tự tay mình thiết kế. Mỗi khi mặc đi sinh hoạt ở câu lạc bộ thiếu nhi, thấy các bạn trầm trồ khen, chị cũng lấy làm tự hào lắm.

Cứ ngỡ niềm đam mê thiết kế ấy chỉ là những mơ ước nhất thời của đứa trẻ được nuông chiều trong một gia đình trí thức nhưng lại theo chị đến cả khi trưởng thành…

Hồi đó chị định thi vào trường du lịch để có thể được ngao du đó đây, mang nền văn minh của một quốc gia nhỏ bé kiên cường đi quảng bá nhưng cuối cùng rẽ ngang đi học thương mại. Ra trường đi làm ở bách hóa tổng hợp, rồi bách hóa giải thể, chị quay về lấy chồng và sinh con. Chiếc bằng đại học treo vào một xó, chị cũng không thèm quan tâm.

Suy nghĩ của tuổi trẻ kể cũng lạ. Thích gì làm nấy và thấy hay thì theo đuổi, sức đâu chiều ý các cụ và chạy theo niềm yêu thích của số đông. Và có lẽ chị sẽ mãi là một người phụ nữ đứng phía sau những thành quả của chồng nếu như cái niềm đam mê thiết kế thời trang không lấn sân sang cả những công việc khác.

Khi cậu con trai được ba tuổi rưỡi, chị để con lại cho chồng rồi lều chõng vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp học Thiết kế Thời trang. Suốt thời gian học ở đây, chị thường thiết kế những mẫu quần áo lạ mắt khiến nhiều sinh viên rất thích thú. Ai cũng thích hàng độc, nhất là sinh viên làm nghệ thuật. Thực ra không phải quần áo do chị thiết kế đẹp đến mức khó tả mà bởi trong mỗi bộ sưu tập thường rất lạ mắt nên các bạn "khoái" lắm. Những mẫu thiết kế tưởng như vớ vẩn của một sinh viên quá tuổi ở trường đã đoạt giải ba trong cuộc thi Thiết kế thời trang danh giá nhất năm 2002 do Tạp chí Thời trang trẻ tổ chức. Không xô bồ, không ảo tưởng, chỉ cảm thấy hay hay và rồi lao vào theo một hướng mới lạ.

"Tiền bạc là thứ yếu trong sáng tạo nghệ thuật..."

Khám phá và sáng tạo

Chị muốn theo đuổi đến tận cùng niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình dù ở tuổi này chị thừa hiểu, giải thưởng không phải là đòn bẩy để chị tiến tới những cái gì cao hơn nhưng đó là động lực thôi thúc chị tiến lên và làm được những điều hơn thế.

Cuối năm 2002, lần đầu tiên ông hiệu trưởng trường London Fashion Centre sang khảo sát thị trường thời trang Việt Nam. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy thời trang Việt Nam rất có tiềm năng nhưng do chưa bắt nhịp được sự phát triển mới của thời trang thế giới nên khó hòa nhập và đi đến tận cùng của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Và để khẳng định cho nhận định của mình, ông đã xem qua một số tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Thiết kế thời trang năm ấy và chọn ra một số nhà thiết kế trẻ để đào tạo cho khóa học đầu tiên của London Fashion Centre.

Trong số những ứng viên của khóa đào tạo về Thiết kế công nghệ đầu tiên ấy, chị may mắn có tên trong danh sách này. Cùng xuất hiện bên cạnh chị là những cái tên còn khá mới mẻ nhưng sau này đều tạo được những thành tích đáng kể như La Hằng, Băng Tâm... Một tuần theo học ở London Fashion Centre là một tuần đầy thích thú mà mấy năm sau ngồi nghĩ lại chị vẫn thấy tự hào xen lẫn tiếc nuối. Tự hào vì mình là một trong những sinh viên đầu tiên của trường được hiệu trưởng chọn đi học nhưng tiếc nuối vì thời gian học quá ít ỏi để hiểu thêm nhiều thứ mà có lẽ cần thiết hơn cho nghề nghiệp của mình.

Sau thời gian theo học, để khẳng định khả năng cũng như sự sáng tạo khác biệt của mình so với những nhà thiết kế trẻ lúc bấy giờ, chị mở một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc để thử nghiệm ý tưởng và tìm kiếm cho thời trang Việt một hướng đi mới trong quá trình hình thành và phát triển lúc bấy giờ. "Các trang phục trong bộ sưu tập phần lớn là do tôi tự thiết kế, mỗi mẫu chỉ có một bộ duy nhất, đảm bảo không bao giờ đụng hàng". Lúc bấy giờ, nhiều cửa hàng thời trang đã bắt đầu xuất hiện nhưng chị không chạy theo số đông.

Theo chị, để phát triển nghề nghiệp thì không thể kinh doanh còn khi muốn kinh doanh thì có thể phát triển tốt vì chạy theo số đông là chạy theo lợi nhuận, chạy theo đồng tiền. "Tiền bạc là thứ yếu trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu mỗi lần thiết kế trang phục mà cứ nghĩ đến số tiền được trả cho công sức của mình thì e rằng chả bao giờ có thể phác thảo nổi một mẫu mới…".

Thương hiệu thời trang "X Thu"

Kinh doanh và nghề nghiệp là hai phạm trù đối lập nhau. Để phát triển cái này phải gạt bỏ cái kia. Và chị đã chọn cho mình hướng đi riêng là phát triển nghề nghiệp và xây dựng thương hiệu thời trang. Cái tên "X Thu" bắt đầu bén gót trong lòng nhiều người mê hàng độc. Đó là lý do vì sao người ta tìm đến chị ngày một đông hơn và họ quan tâm tới những mẫu thiết kế không đụng hàng, những loại trang phục lạ mắt và chắc chắn không có cái thứ hai trên thị trường.

Điểm khác lạ nữa là mỗi năm chị chỉ phục vụ một số lượng khách hàng nhất định. Tôi đã từng chứng kiến chị cặm cụi suốt mấy ngày liền chỉ để làm một chiếc vòng đính hạt với mong muốn trang điểm thêm cho vẻ đẹp của chiếc áo do mình thiết kế cho một nữ nhà văn trẻ. Chị sẵn sàng bỏ cả tháng trời chỉ để làm một cái vòng cổ mang dáng lạ mà không bị lạc mốt. Nhiều người bảo, đã không biết thì thôi chứ biết rồi khó mà bỏ đi được vì thời buổi này không tìm được mấy người thiết kế trang phục mà không phục vụ chung cho tất cả mọi người.

Tôi hơi bất ngờ khi thấy một nhà thiết kế thời trang không chạy theo số đông vì sợ mất dần cái tôi của mình, sợ một ngày nào đó chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền mà không xem thiết kế quần áo là sáng tạo nghệ thuật. Chị yêu sự sáng tạo nhưng phải là sáng tạo thực sự nghiêm túc để tìm ra những loại hình nghệ thuật mới bởi chị quan niệm: thiết kế trang phục là hoạt động nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là may vá.

Giờ đây, không đình đám như La Hằng một thuở, không hào nhóang như Băng Tâm nhưng lại gợi sự tò mò của nhiều khách hàng đang "tìm của lạ" theo thiên hướng của sự phát triển xã hội. Có người đã ví rằng những mẫu thiết kế của X Thu như một món ăn bổ dưỡng nhưng phải dùng lâu mới ngấm. Không khó khăn để nhận ra cái biển hiệu sở hữu dòng chữ "X Thu" rất lớn ở căn nhà mặt tiền trên phố Hai Bà Trưng.

Có lẽ người ta đã đúng khi ví chị như người đàn bà "tạo được đột phá riêng" nhưng không dễ dàng để được sở hữu một bộ trang phục của chị bởi đơn giản vì nó quá đặc biệt. Có lẽ đến mười năm sau nó vẫn là một trang phục được nhiều người nhớ đến không chỉ bởi sự khác lạ trong thiết kế, sự sáng tạo trong từng múi gấp mà đặc biệt là sự cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ đã cho tôi thấy một "X Thu" thực sự.

Người ta bảo con gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội luộn dịu dàng, e ấp và có gì đó khác biệt với những người di cư về Hà thành. Nhưng ở X Thu còn một cái gì đó khác biệt như thi thoảng trong cuộc sống thường nhật ta bắt gặp một người khác biệt về cách sống và sự thể hiện cũng dễ gây ấn tượng. Bố mẹ đặt cho chị cái tên thật đẹp là “Nguyễn Xuân Thu” nhưng từ khi ý thức được về bản thân, chị tự bỏ đi một số ký tự và luôn xưng danh là "X Thu". Chị thích cái gì cũng duy nhất, như cái tên "X Thu" vậy. Chị bảo "đấy không phải là ngông mà là sự khác biệt để khẳng định mình"./.

Bài, ảnh: Giáng Tiên