itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Ông Mỹ mở quán cà phê ở Sài Gòn

Ông Mỹ mở quán cà phê ở Sài Gòn

Từng là cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, 30 năm sau, ông Jerry Wyatt (bang Illinois) quay lại Việt Nam với mong muốn làm gì đó giúp người Việt trong khả năng của mình. Khi chiến tranh, ông không biết gì về Việt Nam, nhưng ông từng suýt mất mạng tại Tam Kỳ, Quảng Nam.

Năm 2000, ông trở lại Việt Nam bất chấp cảnh báo của nhiều bạn bè ông rằng Việt Nam rất nguy hiểm. Bảy năm qua ông giúp nhiều người Mỹ hiểu về Việt Nam. Ông làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Con ông và nhiều bạn bè người Mỹ đang ở Việt Nam hỗ trợ, giúp ông mở một quán cà phê nhỏ kiêm câu lạc bộ tiếng Anh ở 314/1B Điện Biên Phủ, TP.HCM.

Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông chủ quán cà phê Jerry Wyatt.

Tại sao ông lại chọn Việt Nam mà không phải Thái Lan, Lào hay nơi nào khác?

Tôi thích Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng tôi đặc biệt nhìn thấy sự khát khao học tiếng Anh của người Việt Nam. Tôi còn nhớ, khoảng 10 năm trước đây, Thái Lan nhắc nhở người dân: “Là người Thái phải nói tiếng Thái”. Tôi rất vất vả khi gọi một chiếc taxi và tìm đường đi ở Thái Lan. Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy dễ dàng hơn vì tôi thấy người Việt muốn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Tôi đi trên đường phố, họ sẵn sàng bắt chuyện với người nước ngoài để có cơ hội “thực tập tiếng Anh”. Tôi rất ấn tượng về những hành động đó. Họ rất thân thiện và mong được nói tiếng Anh với người nước ngoài. Theo tôi, ở châu Á, tiềm năng học tiếng Anh của người Việt là nhất.

Tại sao ông lại mở tiệm cà phê mà không là trường học ngoại ngữ hay cái gì khác?

Tôi có kinh nghiệm về mở tiệm cà phê vì ngày xưa tôi từng làm cho Starbucks. Trước khi mở tiệm cà phê, tôi dạy học tại trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM năm năm. Tôi nhận thấy học viên khi ở lớp học không sẵn sàng nói chuyện bằng tiếng Anh. Nhưng khi đi uống cà phê chung, họ cởi mở trả lời những câu hỏi và mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ có thể quán cà phê sẽ là nơi hợp lý để giúp người Việt trau dồi tiếng Anh. Vợ chồng tôi nghỉ dạy và mở tiệm cà phê này.

Sau hơn một năm tổ chức mô hình này, ông thấy kết quả sao?

Bạn nên hỏi những người Việt Nam đến đây thì tốt hơn. Hãy hỏi xem tiếng Anh của họ tiến bộ thế nào.

Theo ông, điểm yếu của những người Việt Nam khi nói tiếng Anh là gì?

Họ quá vội vàng. Họ luôn muốn nói nhanh như người chuyên nghiệp trong khi họ vẫn chưa nói chính xác. Họ quên rằng nghệ thuật của nói chuyện là “nói chậm và rõ ràng”. Nhiều người khác thì lại sợ thực hành tiếng Anh, nhút nhát, không dám nói vì sợ sai.

Theo ông, người Việt đang học tiếng Anh tại Việt Nam nên học như thế nào?

Tìm người bản xứ nói chuyện, đừng lo lắng gì về ngữ pháp, lỗi câu. Cứ mạnh dạn thực hành nghe và nói. Tôi đã gặp nhiều người

Việt Nam học ngữ pháp tiếng Anh và hiểu ngữ pháp kỹ hơn cả người bản xứ, nhưng lại không chịu nói.

Trung bình bao nhiêu người đến quán cà phê vào mỗi tối? Những ngày thời tiết xấu, quán ông làm gì nếu ít người đến?

Khoảng 20, trừ những đêm tổ chức câu lạc bộ. Những đêm đó thường có 40 – 45 người. Những ngày tổ chức câu lạc bộ, chúng tôi giới hạn số người vì sợ đông quá không thể làm tốt, chỉ những ai đến sớm mua được vé thì tham dự. Đúng là cũng có những ngày vắng khách, nhất là mùa mưa. Có một vài người đến và chúng tôi có thời gian nói chuyện lâu hơn. Bạn biết đấy, mục đích của chúng tôi là giúp khách hàng Việt Nam nói tiếng Anh mà.

Ông điều hành quán như nào để có hiệu quả với mục đích ông đề ra?

Tôi có tám nhân viên là người Mỹ thay phiên nhau phụ trách từng thời gian và hoạt động tại quán. Có một số sinh viên Việt Nam làm việc tại đây. Tôi muốn tạo nên một môi trường chỉ nói tiếng Anh. Tất cả những ai vào Master’s Cup đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và nói chuyện. Mùa hè, một số sinh viên đại học từ Mỹ cũng sang. Đây là cơ hội tốt để trao đổi và tìm hiểu văn hoá giữa người trẻ Mỹ và Việt Nam. Bạn bè tôi đến Việt Nam du lịch đều ghé quán tham gia những hoạt động ở đây giúp người Việt có thêm cơ hội giao tiếp với nhiều người nước ngoài.

Tương lai gần, ông có muốn mở thêm chi nhánh nữa chứ?

Tôi muốn tiếp tục duy trì Master’s Cup hoạt động theo đúng hướng này. Tôi không muốn mở thêm nhiều vì số lượng tăng có thể sẽ đi kèm với chất lượng giảm. Vợ tôi đang phụ trách một câu lạc bộ nấu ăn tiếng Anh vào ban ngày, giúp phụ nữ Việt học nấu một số món ăn phương tây.

Theo Ninh Hạ (SGTT)