itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Sơn Nam - người của nhiều thời

Sơn Nam - người của nhiều thời

Nhà văn Sơn Nam

Không hiểu sao, với nhà văn Sơn Nam, tôi thường nghĩ, gọi ông là nhà dân tộc học thì đúng hơn.Tác phẩm của Sơn Nam, dù là truyện, ký, khảo cứu luôn đậm chất dân tộc học, nói chính xác hơn là nhà Nam Bộ học.

Nhờ có chút văn hóa miệt vườn, tui mới tồn tại được ở đô thị Sài Gòn mấy chục năm đó - Có lần nhà văn Sơn Nam tâm sự vậy. Và ông giải thích, thời trước chế độ kiểm duyệt gay gắt lắm, nên mình phải lẩn vào đề tài lịch sử, phong tục tập quán, để gửi gắm ý tưởng của mình.

Nhìn vóc dáng nhỏ thó, gầy gò, nói năng nhỏ nhẹ đến rụt rè, ít ai biết, ông từng là Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, công tác tại xứ ủy Nam Bộ trong thời kỳ chống Pháp. Nhưng sau đó…

- Sau đó, thời thế thay đổi, Hiệp định Paris ký kết, phần lớn bộ đội chủ lực chuyển ra miền Bắc, nhiều người chôn súng làm dân thường, chỉ có những chiến sỹ trung kiên là vẫn bí mật gây dựng cơ sở chờ thời cơ. Khắp nơi hoan hỉ tưởng đâu, hòa bình sẽ đến với đất này. Nhưng rồi chính quyền Mỹ- Ngụy xé hiệp định, máy chém dựng lên khắp nơi, đầu người kháng chiến bị bêu chợ, trên ngã ba đường, xác người nổi nênh trên kênh rạch. Tui bị chúng bắt. Ông nói.

Kẻ địch đưa Sơn Nam vào Trung tâm cải huấn. Một thời gian sau, được thả, ông vào Sài Gòn tham gia viết bài cho các báo có xu hướng tiến bộ như Tiếng Chuông, Lẽ Sống, Nhân Loại. Đến năm 1960, ông lại bị bắt, chúng đưa ông đến giam ở nhà tù Phú Lợi, chính nơi đây, ông chứng kiến vụ đầu độc tù nhân vô cùng man rợ. Sau 18 tháng, địch thả ông ra. Ông lại về Sài Gòn viết văn, viết báo cho đến ngày giải phóng.

Mỗi lần nhắc đến thời kỳ này, Sơn Nam không khỏi bùi ngùi, nhưng những ai từng sống vào thời kỳ ấy đều tỏ ra thông cảm. Con người ta hình như có một phần số, nói ra tưởng là duy tâm, như quả thật chúng ta phải công nhận, có gì đó như là số phận chi phối đến mỗi con người.

Có lần, trò chuyện với Sơn Nam, nhân lúc ông đang vui vì bộ hồi ký vừa ra mắt, được đón chào nồng nhiệt và một nhà xuất bản mua bản quyền toàn bộ tác phẩm Sơn Nam, tôi nói đùa rằng, nếu như năm 1954, Sơn Nam tập kết ra Bắc, chắc hẳn cuộc đời ông sẽ khác.

Vâng, nếu như ra miền Bắc, Sơn Nam sẽ công tác ở cơ quan văn hóa, văn nghệ hay báo chí nào đó, và dĩ nhiên ông sẽ đến với những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc, đến với các trận địa pháo phòng không, tác phẩm của ông sẽ phản ánh cuộc sống của nhân dân và chiến sỹ ngày ấy. Nghe nói vậy, nét mặt ông trầm ngâm, giọng nhỏ lại: “ Con người ta có khi chỉ chậm một chuyến đò, số phận đã đổi khác rồi”. Vâng, lắm khi để tồn tại, con người ta phải sống tùy thời…

Ngày còn khỏe, Sơn Nam có qui trình làm việc khá sinh động. Ông không biết sử dụng xe máy, xe đạp cũng không. Buổi sáng sớm, ông khoác cái túi gai đã cũ mòn lửng thửng ra khỏi nhà đến ngã tư đầu khu phố, thế nào cũng có một đàn em, hay nói cách khác là đệ tử của ông, chờ xe máy vào chở ông đến một quán cà phê quen thuộc nào đó.

Hai người vừa điểm tâm sáng vừa trò chuyện, vì Sơn Nam có lúc quên tên tuổi người chở mình đến đây, nên phải gợi chuyện, chắp nối trí nhớ một hồi mới nhận ra. Còn người kia, quí nhà văn qua tác phẩm và muốn thưởng thức những câu chuyện bao giờ cũng sinh động vì ông già Sơn Nam biết đưa đẩy câu chuyện cho thân mật, biết trân trọng người đối thoại.

Và, chỉ một lúc sau, thế nào cũng có người khác đến tham gia, thế rồi người kia giao ông cho người mới đến để đi công chuyện. Người mới đến trò chuyện với ông một lát rồi chở ông đến nơi nào đó, thường là quán ăn trưa có văn nghệ sỹ hay ngồi và thả ông xuống. Thế nào cũng có người tới gặp ông trò chuyện tiếp.

Và, cứ người này giao ông cho người kia đến cuối ngày một người chở ông về cái ngã tư gần nhà thả ông xuống. Trong một ngày như vậy, ông có thể được mấy tờ báo đặt bài.

Ở Sài Gòn có nhiều quán cà phê dành cho giới làm báo như ở đường Trần Quốc Thảo, Hồ Xuân Hương, Lý Chính Thắng. Hàng ngày, giới viết lách, nhiều người thuộc diện làm báo tự do, nghĩa là không thuộc tòa soạn báo nào cả, đến đây đàm đạo và trao đổi, đặt bài.

Có người gọi đây là chợ chữ cũng đúng. Cái chợ chữ này hết sức thú vị vì người đặt bài, người lãnh viết đều hiểu nhau và cư xử sòng phẳng. Theo Sơn Nam, hình thức chợ chữ này có từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước ở Sài Gòn.

Sơn Nam thường đến đây gặp gỡ bạn đồng nghiệp. Nếu cả tuần tui không ghé đó buổi nào, coi như khó có hứng để viết. Ông tâm sự vậy. Sơn Nam cũng là người viết tự do, báo nào đặt bài, thấy kham được là ông nhận và rất đúng hẹn.

Là một người từng làm báo lâu năm, ông hiểu rất rõ khẩu vị từng tờ báo, từ đề tài, giọng điệu, đến độ dài của từng bài. Tuy vậy, viết để sống hàng ngày, để có tên mình trên báo cho bạn đọc khỏi quên, nhưng Sơn Nam không bao giờ viết ẩu, viết cho xong chuyện, mà ông luôn nhắm đến một cuốn sách, các bài báo ấy sẽ được gom lại, tập hợp thành một cuốn sách. Cứ thế, vài ba năm, ông lại cho ra mắt một cuốn sách.

Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị.

Đúng vậy, với mảng sách văn học từ Hương rừng Cà Mau, NXB Phù Sa, Sài Gòn 1962, đến Mảnh tình riêng, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh 2000, Sơn Nam luôn đi vào cuộc sống giới bình dân, những người mà theo ông, làm nên nền tảng vững chắc của mọi xã hội.

Có phải vậy chăng, mà tác phẩm văn học của Sơn Nam luôn được đông đảo bạn đọc là tầng lớp lao động đón nhận. Trong các tác phẩm của Sơn Nam, phong tục tập quán, từ cách ăn mặc, lễ hội đều được đề cập. Chính phong tục đã làm cho tác phẩm không chỉ mang đậm tính dân tộc mà người đọc cảm thấy gần gủi, ấm áp trên từng trang văn.

Về truyện ngắn, tập Hương rừng Cà Mau, tập 1, xuất bản năm 1962, gây tiếng vang lớn, sau giải phóng ông viết thêm 2 tập, bao gồm 66 truyện, vẫn với bút pháp cũ, câu chuyện có lớp lang hơn, tay nghề cao hơn nhưng chất trẻ hồn nhiên không bằng tập đầu. Nhưng ông đã có những truyện ngắn đặc sắc như Hát bội giữa rừng, Mùa len trâu, Cây huê xà.

Sơn Nam còn viết một số tiểu thuyết, trong đó có cuốn Bà Chúa Hòn, viết về vùng đất phía Tây Nam giai đoạn giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta. Tiểu thuyết của Sơn Nam ít xung đột, nhân vật hiện qua lời kể đều đều của tác giả nên không nổi bằng truyện ngắn.

Nhắc đến Sơn Nam, người ta không thể không ghi công lao của ông về mặt khảo cứu. Mảng sách biên khảo của ông đồ sộ đến độ nhiều nhà nghiên cứu phải phát ghen lên. Ông chủ yếu khảo sát, nghiên cứu về lịch sử khai khẩn đất Nam Bộ, về văn hóa miệt vườn. Bộ sách Tìm hiểu đất Hậu Giang, bao gồm 2 tập, do NXB Phù Sa in lần đầu từ 1959, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu lúc bấy giờ, đến nay vẫn được coi là tài liệu quí nghiên cứu về vùng đất bên sông Hậu.

Kế đó là tập Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Đông Phổ 1970, đến nay đã được tái bản nhiều lần. Sơn Nam còn có những cuốn biên khảo như Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa; Nghi thức và lễ bái của người Việt; Phong trào Duy Tân ở Bắc, Trung, Nam; Người Việt có dân tộc tính không... Tất cả được Nhà XB Trẻ đã gom thành tuyển, bao gồm mười tập. Hiếm có một nhà nghiên cứu nào ở Nam Bộ và ở nước ta có công trình đồ sộ như thế.

Nhà văn viết nghiên cứu, khảo cứu có ưu điểm là được diễn đạt với giọng văn trôi chảy, bên cạnh những số liệu khô khan là những chi tiết đời sống rất văn học, lời diễn giải có khi khá hóm hỉnh. Các công trình của Sơn Nam có ưu điểm là dễ tiếp thu, cho dù đây đó, tác giả lạm dụng văn, khiến nhiều trang giống như bút ký, tùy bút.

Sơn Nam thường khuyên cây bút trẻ là dù viết gì cũng nên viết bằng giọng văn lịch lãm. Muốn có văn lịch lãm phải có vốn sống, vốn văn hóa sâu rộng. Nhiều đoạn trong biên khảo của Sơn Nam văn hay như văn bút ký, nhưng vẫn chính xác...

Sơn Nam vừa làm nghề vừa rút ra bài học cho chính mình, trong các tác phẩm của ông, xen kẽ những trang văn, những trang hồi ký là quan niệm về nghề văn: “Văn xuôi vào tâm hồn ta chậm chạp, sâu lắng, khó quên, trong khi điện ảnh gây ấn tượng nhanh. Bởi vậy, người viết văn với giấy trắng mực đen phải chăng làm công việc thấm thía..ngàn năm” .

“ Người viết cần đọc sách nước mình, nước ngoài, xưa và nay. Riêng về văn chương cổ điển và dân gian thì không được bỏ sót. Nếu thiếu căn bản tối thiểu, có thể ngẫu hứng làm vài bài thơ hay, vài truyện ngắn xuất sắc, nhưng về lâu về dài lần đuối sức”. “ Đọc văn, đọc thơ của người lịch lãm, có kiến thức thấy thân mật, ngọt ngào”. Đấy là những kinh nghiệm của một nhà văn rất có ích cho người viết trẻ.

...Bề ngoài, ông già Sơn Nam, như cách gọi của đồng nghiệp trẻ ở thành phố này, gầy yếu, nhưng ông không bao giờ chịu ngồi một chỗ. Ông tích cực tham gia các lễ hội lớn và các lễ cúng bái, rước lễ khánh thành đình chùa, lăng miếu. Trong những khi cúng đơm, ông mặc áo dài đen, khăn đóng, vái lạy, đọc văn tế như một thầy cúng thực thụ. Chính những lúc hòa mình vào dân gian như vậy, ông thâu lượm được rất nhiều chất liệu, tư liệu về hình thành đất đai, làng ấp và cả văn hóa, phong tục Nam Bộ.

Đầu năm nay, nhà văn Sơn Nam bị xe đụng, phải mổ, nằm một chỗ, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, hàng ngày vẫn đọc sách báo. Ở vào tuổi 82 có được trí nhớ như vậy quả là đáng mừng. Mà đời văn của ông, với trên 40 đầu sách, dường như đã khép lại ở bộ hồi ký 4 tập. Một người viết được vậy quả là đáng khâm phục.

Sài Gòn 27/10/2007

N.A.Đ (Theo Tiền Phong)