itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Steve Ballmer: Người làm thuê số 1 thế giới

Steve Ballmer: Người làm thuê số 1 thế giới

Steve Ballmer

Ở tuổi 52, Tổng giám đốc hãng Microsoft – ông Steve Ballmer, có quyền tự hào là tỉ phú yêu lao động nhất thế giới. Hơn nữa, ông là trường hợp duy nhất trong giới người giàu trở thành tỉ phú bằng việc làm công ăn lương.

Trong những người giàu nhất thế giới hiện nay, Ballmer là người đặc biệt. Ông không phải là người sáng lập ra Microsoft, cũng không phải là họ hàng thân thích với những người chủ nơi đây. Ông chỉ là người làm thuê theo đúng nghĩa của từ này.

Mọi việc bắt đầu từ năm 1980. Khi đó ông vua phần mềm Bill Gates nhận ra rằng, để phát triển công cuộc kinh doanh thì cần phải có giám đốc kinh doanh chuyên nghiệp. Với mức lương 50 ngàn USD/năm và 7% cổ phiếu, người sáng lập Microsoft đã thuyết phục chàng trai 24 tuổi Ballmer – người hàng xóm tại ký túc xá Đại học Harvard, về làm cho mình. Ở thời điểm này, Microsoft mới có 23 nhân viên, còn doanh số bán hàng không vượt quá 12,5 triệu USD/năm.

Một trong những việc đầu tiên mà Ballmer làm là vạch chiến lược phát triển lâu dài rồi nhân đôi số nhân viên. Và như thế đã xuất hiện cặp bài trùng trong lịch sử kinh doanh hiện đại: Bill chuyên tâm tạo đột phá trong kỹ thuật, còn Ballmer chịu trách nhiệm về kinh doanh - tài chính của hãng.

Lao động không ngừng nghỉ

Sau 11 năm – 1991, Ballmer đã có những tỉ USD đầu tiên của mình. Hiện với khối tài sản khoảng 15 tỉ USD, ông đang đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Những người giàu nhất thế giới. Tiền lương của ông, từ lâu đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD/năm. Tất nhiên một phần tài sản của Ballmer là những cổ phiếu, chiếm 3,85%/tổng số cổ phiếu của Microsoft.

Steve Ballmer là nhà quản lý đầy tài năng nhưng cũng rất khắc kỷ. Có cảm giác không có công việc nào tại hãng mà ông không tham gia. Vào năm 1998, Ballmer giữ chức Chủ tịch Microsoft và đến năm 2000, khi Bill Gates quyết định toàn tâm toàn ý tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật thì ông đã chuyển giao quyền điều hành hãng cho người bạn, người giúp việc số 1 của mình. Trong mỗi chuyển động của Microsoft đều có rất nhiều công sức, tâm huyết của Ballmer. Không phải tình cờ mà vào tháng 6-2008, Forbes gọi vị TGĐ Microsoft là “Tỉ phú yêu lao động nhất thế giới”. Hơn thế, tạp chí này cho rằng, ông là người duy nhất trong số 1.125 người giàu xứng đáng được tôn vinh như vậy.

Ballmer thổ lộ, ngày làm việc của ông bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm. “Khi tôi ở nhà – Ballmer nói – thì tôi đến văn phòng vào lúc 8 giờ sáng. Tôi soạn lịch làm việc bằng Excel và tuân thủ nó rất nghiêm ngặt: khi nào thì tiếp đối tác, lúc nào thì gặp cộng sự... Bạn bè tôi nói tôi quá phụ thuộc vào bảng điện tử này. Nhưng với tôi điều này rất quan trọng. Tôi đọc tất cả thư điện tử của mình. Tôi không có người giúp làm việc này. Nếu bạn gửi thư cho tôi, tôi sẽ đọc nó”.

Steve Ballmer - Người làm thuê số 1 thế giới

Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh

Tài kinh doanh của Ballmer có lẽ được di truyền từ người bố của ông - Hans Friedrich Ballmer, một người Thụy Điển sang định cư ở Mỹ. Friedrich từng làm giám đốc điều hành ở hãng Ford và mơ ước con trai Ballmer và cả người con gái Rachel nối nghiệp mình. Mặt khác, Ballmer cũng thừa hưởng gien bên ngoại, dòng họ có gốc gác Belarus. Irving Dworkin – cậu ruột của Ballmer - nhận thấy vị TGĐ của Microsoft có tính cách rất giống ông ngoại, người chuyên buôn bán phụ tùng xe hơi cũ ở Detroit. “Ballmer rất giống bố tôi – Dworkin nói – hai người tuần nào cũng gọi điện cho nhau và họ có quan hệ rất đầm ấm”.

“Bố tôi là người Belarus – Dworkin kể – khi về hưu ông ấy thích dạo qua các bãi thải xe cũ và tìm kiếm một linh kiện nào đó mà chỉ ông mới biết là nó hữu dụng. Ví dụ, ông tìm thấy chiếc lốp thủng giá chỉ khoảng 50 cent, sau đó đem vá lại rồi bán với giá 5 USD. Việc này làm ông sung sướng hơn là có ai đó cho ông 50 USD. Bố tôi là người yêu thích kinh doanh, ông thích phải luôn bận rộn. Có thể Ballmer giống ông ngoại ở điểm này”.

Ballmer rất quý trọng nguồn gốc của mình. Cho dù rất bận bịu công việc của hãng, vào ngày 25.10.2007, nhân sinh nhật lần thứ 50 của người chị Rachel, ông đã thực hiện món quà tặng là cùng chị đến thành phố Pinsk ở Belarus. Tại đây, ông đến thăm bảo tàng, vài danh lam thắng cảnh, xem triển lãm của các họa sĩ Do Thái, đến viếng mộ ông cố ngoại của ông. Hai chị em Ballmer cũng đến thăm xưởng bánh mì trước đây của ông cố ngoại, vào nhà thờ thắp nến cầu nguyện...

Vào năm 1996, Bill và Ballmer chi 25 triệu USD để xây dựng tại Harvard trung tâm công nghệ – điện tử mà trên tường trung tâm này có ghi tên thời con gái của mẹ hai người: Mary Maxwell (Gates) và Beatrice Dworkin (Ballmer). Một năm sau Beatrice qua đời. Nhà quản lý thép Ballmer nói: “Gia đình là quan trọng nhất với mẹ tôi trên thế gian. Điều này được truyền qua chúng tôi. Mẹ cống hiến cả đời mình cho ông ngoại tôi, bố tôi, chị gái và cả tôi. Mẹ đã ủng hộ tôi trong bất cứ sự khởi đầu nào. Mẹ là người bạn tuyệt vời”.

Steve Ballmer và Bill Gate (phải) - Ảnh: Reuters

“Tôi là chàng trai đẳng cấp”

Sau Bill Gates, Ballmer là người có thời gian làm việc lâu nhất tại Microsoft. Ông đã cống hiến hơn nửa đời mình cho hãng và cũng tại đây ông tìm thấy một nửa của mình. Vợ ông - Connie Snyder, từng làm trong bộ phận quan hệ công chúng của Microsoft. Họ có 3 người con.

Tháng 6.2008, Ballmer đến Moscow dự hội thảo và xem bộ phim “Những tên cướp ở thung lũng Silicone”, trong đó có nhân vật cũng tên là Ballmer. Ông nói: “Nhân vật trong phim là chàng trai đẳng cấp. Có nghĩa, tôi là chàng trai đẳng cấp”.

Tựu trung, mỗi khi Ballmer xuất hiện trước đám đông, ông biến nơi đó thành sân khấu chỉ dành cho một diễn viên. “Chàng trai đẳng cấp” làm việc bằng phong thái đặc biệt, đầy sức lôi cuốn với những cử chỉ, hành động mạnh mẽ của một vận động viên điền kinh. Sự hài hước, không cam chịu, thậm chí còn văng tục với các đối thủ cạnh tranh là điểm hạn chế trong tính cách của Ballmer. Nhưng tính cương quyết, luôn đòi hỏi cao, luôn tìm ra các cách giải quyết tình huống tối ưu trước các vấn đề là điểm mạnh của ông. Thậm chí Bill Gates cũng phải đối mặt với Ballmer. Một vài lần Bill toan tính thay đổi các quyết định của Ballmer, nhưng ông nói thẳng: “Anh chọn tôi là người chịu trách nhiệm của hãng, hãy cho phép tôi làm việc này”. Khi những người sáng chế ra Linux tuyên bố, họ có ý định cho sử dụng miễn phí hệ điều hành này, thì Ballmer nổi xung: “Linux – đấy là căn bệnh ung thư sẽ thiêu hủy tất cả những gì gọi là sở hữu trí tuệ”.

Nhưng trên hết, Ballmer rất ghét những ai “bỏ chạy” từ Microsoft sang Google. Cựu kỹ sư Mark Lucovsky nhớ lại, khi ông vào phòng Ballmer nộp đơn xin thôi việc, vị TGĐ gằn giọng: “Đừng nói với tôi là anh sẽ đến Google”. Khi Lucovsky nói đúng là như thế, thì Ballmer nổi xung, cầm chiếc ghế và đuổi đánh viên kỹ sư khắp căn phòng. Sau đó Ballmer tiếp tục nổi nóng: “Tôi đã cho chàng trai này đến với quỷ dữ. Tôi sẽ kết liễu Google quái quỷ này”. Mặc dù bị chảy máu chất xám, nhưng hai năm gần đây, Ballmer đã làm tất cả có thể để lợi nhuận của Microsoft tăng 20% và doanh số bán hàng tăng 28%.

Giờ đây nhiệm vụ chính của Ballmer là “hiện thực hóa khả năng con người sử dụng chương trình phần mềm của Microsoft vào bất cứ thời gian nào, ở bất kỳ địa điểm nào và trong bất kỳ chế độ nào”. Tất cả các bộ não ưu tú nhất của hãng tập trung vào cách mạng hóa hệ điều hành Windows thế hệ sau dành cho cả máy tính cá nhân, laptop lẫn các trung tâm điều hành và cho cả internet. Cùng với Ballmer, Microsoft vẫn đang tiếp tục phát triển.

Hoàng Hoài Sơn